(CTTĐT) - Nhờ tăng cường, đổi mới nội dung, kết hợp tuyên truyền, truyền thông, lồng ghép với việc phổ biến, giáo dục bằng nhiều hình thức đã góp phần đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về công tác CCHC.
Đa dạng nội dung tuyên truyền
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã đa dạng hóa nội dung tuyên truyền, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương phối hợp tích cực, có hiệu quả với các cơ quan thông tin, truyền thông ở cả Trung ương và địa phương để tuyên truyền, quán triệt, giới thiệu, chuyển tải các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về cải cách hành chính. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài truyền thanh, truyền hình và các kênh thông tin khác.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền về CCHC của tỉnh, trong thời gian qua, Cổng Thông tin điện tử đã thường xuyên đăng tải đầy đủ văn bản và thông tin về cải cách hành chính, nâng cao chất lượng các chuyên đề, chuyên mục: “Chuyên trang Cải cách hành chính”, “Chuyên trang Chuyển đổi số”, “Dân hỏi cơ quan chức năng trả lời”, “Kết quả giải quyết khiếu nại tố cáo”… tại địa chỉ trên Cổng Thông tin điện tử (https://thuathienhue.gov.vn).
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, giám đốc Cổng Thông tin điện tử tỉnh cho biết, đơn vị thường xuyên và kịp thời cung cấp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt và tiếp nhận những vấn đề về thủ tục hành chính, quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Tính từ ngày 01/1/2024 đến ngày 30/9/2024, Cổng Thông tin điện tử đăng tải 121 tin bài, văn bản của Trung ương và của tỉnh về cải cách hành chính; 52 tin bài về chuyển đổi số; bổ sung, cập nhật danh sách cán bộ, công chức làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính cấp tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hay, các điển hình trong thực hiện CCHC tại các sở, ngành, đơn vị, địa phương các cấp và những vấn đề nổi cộm, bức xúc xảy ra trong công tác CCHC. Tuyên truyền nâng cao chỉ số cải cách hành chính (PAR index), chỉ số PCI, ICT của tỉnh. Cập nhật thường xuyên kết quả PCI, ICT, PAR-Index, DDCI, PAPI, SIPAS, DTI hàng năm của tỉnh; Cổng Thông tin điện tử cũng thường xuyên và kịp thời cung cấp cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt và tiếp nhận những vấn đề về thủ tục hành chính, quy trình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Công khai tình hình xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến.
Đa dạng nội dung tuyên truyền CCHC trên Cổng thông tin điện tử tỉnh
Nhằm đa dạng nội dung tuyên truyền thông qua các hội thi, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác CCHC tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Hội thi đã được triển khai một cách sâu rộng với 214/215 cơ quan, đơn vị, địa phương và 107.737 lượt người tham gia dự thi. Thông qua hội thi đã góp phần phổ biến, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính; phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ CCHC, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, hiện UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương triển khai công tác tuyên truyền thiết thực, hiệu quả; phổ biến nội dung CCHC kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, rộng khắp, phù hợp với tình hình, đặc điểm, yêu cầu và khả năng của từng đối tượng, từng ngành, địa phương. Tăng cường lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, truyền thông; đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, truyền thông; kết hợp công tác tuyên truyền, truyền thông về CCHC lồng ghép với việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong năm 2025, tỉnh sẽ tập đổi mới, đa dạng nội dung tuyên truyền thông qua tất cả các loại hình báo chí và huy động, sử dụng mọi phương tiện thông tin đại chúng, gồm: cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn tỉnh; hệ thống đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện; các loại hình bản tin, ấn phẩm, đặc san của các sở, ban, ngành; Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang thông tin điện tử của cơ quan, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Duy trì đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuyên truyền, truyền thông bằng hình thức trực quan thông qua việc biên soạn, in ấn, phát hành các ấn phẩm, sách, phụ san, tờ rơi, video clip, inforgraphic... liên quan đến CCHC, phù hợp với từng mục tiêu, yêu cầu, nội dung tuyên truyền, phổ biến đến từng nhóm đối tượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong công tác tuyên truyền, truyền thông về CCHC, phát huy và khai thác có hiệu quả các tiện tích của mạng xã hội có nhiều người dùng (như Zalo, Facebook, Youtube...) trong việc tuyên truyền về các nội dung CCHC.
“Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch CCHC của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, nhiệm vụ; nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về công tác CCHC nhà nước, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), góp phần tham gia giám sát quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định.