1. Lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp
a) Chiều ngày 14/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 và triển khai thực hiện nghiệm vụ giai đoạn 2021-2025.
Giai đoạn 2016-2020 Chương trình 135 đã có được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đối với hộ nghèo của các xã có tỷ lệ hộ DTTS trên 70% từ năm 2017-2020 giảm từ 4.384 hộ còn 2.864 hộ (giảm 1.520 hộ) tương ứng với tỷ lệ từ 33,33% xuống còn 19,52% trung bình mỗi năm giảm 3%. 80% - 90% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. 60% - 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, từ 80% - 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế,…
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu Thu nhập bình quân của người DTTS tăng ít nhất 2,0 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020; Quy hoạch và bố trí, sắp xếp ổn định 50% số hộ di cư tự phát; sắp xếp ổn định số hộ cư trú phân tán trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quyết, sạt lở đất....; Trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định; Giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN thiếu đất sản xuất,…
b) Sáng ngày 15/12, UBND huyện Phong Điền tổ chức lễ công bố xã Phong Mỹ đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) năm 2019.
Như vậy tỉnh đến thời điểm hiện tại huyện Phong Điền có 9/15 xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Toàn tỉnh có 56/97 xã đã có quyết định công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới và 02 xã đang trình hồ sơ để công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (xã Hương Thọ, TX Hương Trà và xã Phú Dương, huyện Phú Vang) và 04 xã đang làm thủ tục công nhận.
2. Lĩnh vực công thương
Ngày 17/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3189/QĐ-UBND Phê duyệt kết quả Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2020.
Căn cứ theo các tiêu chí đánh giá, bao gồm 4 tiêu chí chính, đó là tính văn hóa, khả thi, tính sáng tạo – độc đáo và tính thẩm mỹ, hội đồng chấm thi đã thống nhất lựa chọn ra các sản phẩm đảm bảo các tiêu chí đề xuất. Theo đó, Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ năm 2020 có 13 sản phẩm/bộ sản phẩm đạt giải, trong đó có 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 07 giải khuyến khích.
Cụ thể, giải nhất Hội thi thuộc về tác phẩm Bộ dĩa pháp lam Long Phụng (01 cặp dĩa Rồng, Phụng, đường kính 25 cm; 01 cặp mâm Rồng, Phụng, đường kính 25 cm) của Nhóm: Đỗ Hữu Triết (đại diện) - Trần Nam Long - Nguyễn Quốc Hiếu. 02 giải nhì thuộc về tác phẩm Bộ quà lưu niệm “Bình Phong” đặc trưng Huế của Phạm Đăng Nhật Thái và Bộ áo dài Huế lấy ý tưởng từ nghệ thuật điêu khắc trang trí trên kiến trúc Huế của Công ty TNHH MTV Viết Bảo QB.
Giải 03 cho các tác phẩm: Bộ lắp ráp Mô hình giấy 3D Ngọ Môn Huế (Lê Ngọc Tuấn Anh); Bộ khay và tấm trải gia dụng “Kết nối tinh hoa làng nghề Huế” (Nhóm: Nguyễn Văn Đủ (đại diện) và Nguyễn Thị Thanh Trà; Bộ sản phẩm đèn diều Huế (Nguyễn Văn Hoàng) và 07 giải khuyến khích cho Bộ sản phẩm quà lưu niệm để bàn đa năng về Huế bằng gỗ và giấy (Nhóm: Nguyễn Vũ Trọng Thi (đại diện), Nguyễn Ngọc Phương Thảo, Trương Hoàng Phương, Nguyễn Ngọc Tùng, Nguyễn Quang Huy); Bộ sản phẩm khánh gỗ chạm hình Đại Nội (Phạm Văn Phúc); Guitar hàng lưu niệm (Công ty TNHH MTV nhạc cụ Tân Châu); Sản phẩm Xe lôi phục vụ đi lại ngày xưa (Hoàng Ngọc Tuyên); Bộ bài tới dân gian (Bài chòi) (Nguyễn Đình Hưng); Bộ trang sức trầm hương, bạc dành cho áo dài (Công ty TNHH bách nghệ Búp Sen); Bộ sản phẩm Túi xách xương lá bàng rừng (Võ Ngọc Hùng )
Đây Hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm và quà tặng là hoạt động đã được Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức rất thành công vào các năm 2008, 2010, 2014; thông qua các hội thi nhiều sản phẩm, thiết kế sản phẩm đạt giải đã được thị trường đón nhận như: sản phẩm đèn xếp giấy tranh dân gian làng Sình của tác giả Nguyễn Văn Đủ, bộ sản phẩm các loại Diều Huế của nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng, sản phẩm đèn lục bình trang trí của HTX mây tre đan Bao La, sản phẩm Áo dài Huế của tác giả Đặng Viết Bảo…
3. Lĩnh vực Văn hóa Xã hội
a) Ngày 14/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 62/2020/QĐ-UBND về Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn Ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25 tháng 12 năm 2020.
Theo đó, đối với chương trình biểu diễn ca Huế, phần chủ yếu của chương trình phải là các bài bản ca Huế; có thể kết hợp một số làn điệu dân ca, ngâm thơ, hò vè Huế, nhạc mới có nội dung về Huế.
Một chương trình biểu diễn ca Huế phải đảm bảo các điều kiện: có thời lượng từ 60 phút trở lên và có ít nhất 07 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; 08 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi, các loại thuyền du lịch khác và Ca Huế thính phòng tại các khách sạn, nhà hàng; Có ít nhất 3 đến 4 loại nhạc cụ: Đàn tranh, đàn Tỳ bà, đàn Nhị, đàn Nguyệt; ngoài ra có thể có thêm nhạc cụ: đàn Bầu, Sáo, Phách.
Các chương trình biểu diễn Ca Huế phải được Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định, cấp giấy phép tổ chức biểu diễn theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, phải niêm yết công khai tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ tổ chức biểu diễn ca Huế và giới thiệu cho khách trong quá trình biểu diễn. Thời gian hoạt động biểu diễn Ca Huế trên địa bàn tỉnh trong khung giờ từ 08 đến 24 giờ hằng ngày.
Đối với trang phục biểu diễn, diễn viên, nhạc công, người điều hành chương trình trong quá trình tham gia biểu diễn Ca Huế phải mang bảng tên, trang phục truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và văn hóa Huế.
Quyết định còn nêu rõ Quy định về không gian phục vụ biểu diễn Ca Huế trên sông Hương là khúc sông đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên; vị trí neo đậu khi biểu diễn đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các thuyền là 50m (năm mươi mét). Các thuyền du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn Ca Huế phải lắp đặt từ 01 đến 02 camera giám sát kết nối với cơ quan quản lý khi tham gia hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.
b) Ngày 14/12/2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 63/2020/QĐ-UBND về ban hành Quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí trên hệ thống mạng lưới phát ngôn. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2020.
Mạng lưới phát ngôn là ứng dụng tương tác trên website và trên điện thoại thông minh để các đơn vị, địa phương cung cấp thông tin phản hồi các tin, bài đã được phản ánh từ các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương và phát ngôn, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật.
Quy định phát ngôn và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí trên hệ thống mạng lưới phát ngôn quy định rõ nguyên tắc phát ngôn và tổ chức cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên.
Cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên đề nghị các đơn vị, địa phương phát ngôn và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí trên hệ thống Mạng lưới phát ngôn thì được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau:
- Ứng dụng di động: HueB (dịch vụ đô thị thông minh Thừa Thiên Huế).
- Cổng thông tin tương tác: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn.
Thời gian đề nghị phát ngôn của cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên được thực hiện 24/24 giờ, 7 ngày/tuần.
4. Lĩnh vực Cải cách hành chính
a) Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định số 3154/QĐ-UBND phê chuẩn công bố 02 TTHC mới ban hành lĩnh vực Lâm nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cụ thể, 02 TTHC mới ban hành lĩnh vực Lâm nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là: Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ; Xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu.
02 TTHC nêu trên được thực hiện căn cứ Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
b) Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định số 3153/QĐ-UBND ngày 15/12/2020 về việc phê chuẩn công bố 05 thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực Đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, 05 thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực Đường bộ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế là: Thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật/ báo cáo kinh tế kỹ thuật điều chỉnh; thiết kế bản vẽ thi công/thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh (sử dụng nguồn vốn khác); Thẩm định thiết kế cơ sở/thiết kế cơ sở điều chỉnh (sử dụng nguồn vốn khác); Thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế kỹ thuật điều chỉnh (sử dụng nguồn vốn khác); Thẩm định dự án/dự án điều chỉnh hoặc thẩm định thiết kế cơ sở/ thiết kế cơ sở điều chỉnh (sử dụng nguồn vốn nhà nước); Thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật/báo cáo kinh tế kỹ thuật điều chỉnh; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng/thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng điều chỉnh (sử dụng nguồn vốn nhà nước).
5. Lĩnh vực Nội chính
Sáng ngày 15/12, tại hội trường Huyện ủy Phong Điền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị công bố Quyết định về công tác cán bộ tại huyện Phong Điền. Theo đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc điều động đồng chí Nguyễn Đình Bách, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh đến nhận công tác tại UBND huyện Phong Điền kể từ ngày 15/12/2020, chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy, giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; giới thiệu để HĐND huyện Phong Điền bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ngày 16/12, HĐND huyện Phong Điền đã bầu ông Nguyễn Đình Bách - Phó Bí thư Huyện ủy giữ chức Chủ tịch UBND huyện khóa VI, nhiệm kỳ 2016 - 2021, với số phiếu tín nhiệm cao, 27/27 (tỷ lệ 100%) đại biểu HĐND huyện đồng ý.
6. Lĩnh vực An sinh xã hội
a) Trong thời gian qua, tình hình bão lũ dồn dập những tháng cuối năm 2020 đã làm chết 38 người, 11 người mất tích, 142 người bị thương. Tổng thiệt hại về vật chất 2.273 tỷ đồng. Sau thiên tai, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương kiểm tra thực địa, chỉ đạo khắc phục, động viên người dân bị ảnh hưởng bão lũ; đồng thời, tập trung khôi phục các công trình thiết yếu về nhà ở, giao thông, y tế, giáo dục, điện, viễn thông, sản xuất nông nghiệp.
Đến nay, UBND tỉnh tiếp nhận 170 tỷ đồng hỗ trợ từ Trung ương; Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp nhận tiền và hàng 106 tỷ đồng (81,5 tỷ đồng tiền mặt); tiếp nhận thông qua tài khoản của tỉnh 40 tỷ đồng; Hội chữ thập đỏ tiếp nhận 11 tỷ đồng. Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ 2,15 tấn giống rau, 1.005 tấn giống lúa, 5 tấn hạt giống ngô cho người dân khôi phục sản xuất…
Tỉnh cũng đã phân bổ 70 tỷ đồng cho các địa phương an sinh xã hội và khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ đã và đang tiếp tục phân bổ tiền và hàng cho các địa phương.
b) Sáng 11/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Thừa Thiên Huế là một trong những tính có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 được Chủ tịch nước tặng thưởng huân chương lao động hạng III.
7. Phòng chống dịch bệnh Covid-19
a) UBND tỉnh vừa có Quyết định số 3112/QĐ-UBND kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona tỉnh Thừa Thiên Huế, theo đó Ban chỉ đạo được kiện toàn với 22 thành viên. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh là Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban: Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Sở Y tế.
Các thành viên gồm có: Bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Ông Ngô Nam Cường, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; - Ông Phan Quý Phương, Giám đốc Sở Tài chính; Ông Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh; Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ; Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch; Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương; Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Ông Nguyễn Nam Tiến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Ông Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế; Ông Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế; Ông Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế.
b) Phòng chống dịch bệnh Covid-19 (Số liệu tính đến 19h00 ngày 16/12/2020).
- Hiện tại, trên địa bản tỉnh không có trường hợp mắc bệnh.
- Công tác cách ly y tế:
+ Bệnh viện Trung Ương Huế không còn trường hợp đang điều trị Covid-19.
+ Tại các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở y tế và nơi lưu trú:
Cách ly y tế
|
Vào trong ngày
|
Ra trong ngày
|
Hiện đang cách ly
|
Giai đoạn 1
|
Giai đoạn 2
|
Tại cơ sở y tế
|
0
|
0
|
13
|
109
|
642
|
Tại cơ sở cách ly tập trung
|
0
|
0
|
2
|
6.362
|
5.750
|
Tại nơi lưu trú
|
0
|
0
|
0
|
1.409
|
23.674
|
Tổng
|
0
|
0
|
15
|
7.880
|
30.066
|
* Ghi chú: Hiện tại, khách sạn Sun&Sea cách ly 02 trường hợp, TTYT Phú Lộc đang cách ly 11 trường hợp F1, BVĐK Chân Mây đang cách ly 02 trường hợp F2.
Hiện đang khuyến cáo tự theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú: 45 trường hợp (Hương Trà: 01, Tp Huế: 23, Phú Lộc: 17, Quảng Điền: 02, Phú Vang: 02)
- Công tác hậu cần: Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 25 cơ sở cách ly phòng chống dịch Covid-19 với 4.036 giường cách ly, trong đó:
+ Cách ly tập trung tại cơ sở quân sự: 05 cơ sở với 3.483 giường.
+ Cách ly tập trung tại cơ sở du lịch có trả phí: 05 cơ sở với 228 giường.
+ Cách ly tại cơ sở y tế: 15 bệnh viện với 325 giường.
8. Công tác tìm kiến cứu hộ, cứu nạn Thủy điện Rào Trăng 3
Sáng ngày 17/12, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã chủ trì buổi họp với các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang để nghe báo cáo phương án, kế hoạch triển khai tiếp theo đối với công tác cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định, trong giai đoạn tới vẫn tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3, đây là nhiệm vụ quan trọng mà cả hệ thống chính trị phải thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng xây dựng phương án tối ưu, hiệu quả cho công tác tìm kiếm giai đoạn 4 với khu vực tổ chức tìm kiếm hơn 2,5km từ hiện trường sạt lở về hạ lưu ngã 3 Tam Dần. Khi đã ngăn dòng, cần tổ chức tìm kiếm chặt chẽ, khẩn trương bằng nhiều phương án nhằm sớm tìm được người mất tích.
Các lực lượng cùng phương tiện phải luôn ở trạng thái sẵn sàng để tác nghiệp tìm kiếm khi thời tiết thuận lợi. Hiện các lực lượng đang quyết tâm cao để khi thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành các công đoạn tìm kiếm nạn nhân còn mất tích.
IV. CÁC CHÍNH SÁCH, CHỈ ĐẠO NỔI BẬT TRONG TUẦN 51
UBND tỉnh đã ban hành các văn bản:
Quyết định:
- Số 3130/QĐ-UBND ngày 14/12/2020 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Số 3150/QĐ-UBND ngày 14/12/2020 kiện toàn Ban chỉ đạo Quản lý chất thải rắn tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Số 3171/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 về việc Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Số 3178/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 cho phép thành lập Câu lạc bộ Dàn nhạc Kèn Huế.
- Số 3180/QĐ-UBND ngày 17/12/2020 kiện toàn Ban Chỉ đạo dự án cải tạo, xây dựng lại Khu chung cư Đống Đa, phường Phú Nhuận, thành phố Huế.
- Số 3186/QĐ-UBND ngày 17/12/2020 về việc công nhận cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” năm 2020.
Kế hoạch:
- Số 264/KH-UBND ngày 11/12/2020 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Số 266/KH-UBND ngày 16/12/2020 về việc tuyên truyền cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021.
Thông báo:
- Số 470/TB-UBND ngày 16/12/2020 về việc nghỉ tết Âm lịch và Quốc khánh năm 2021 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Công văn:
- Số 11392/UBND-TĐKT ngày 16/12/2020 về việc tăng cường tổ chức thông tin, phổ biến pháp luật về thiên tai, lũ lụt và trật tự an toàn giao thông.
- Số 11405/UBND-XH ngày 16/12/2020 về việc phối hợp phát động Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2021.
(Toàn bộ nội dung các văn bản được đăng tải tại địa chỉ: https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/thu-vien-van-ban)
V. CÁC SỰ KIỆN, HỘI NGHỊ LỚN TRONG TUẦN TỚI
- Ngày hội Áo dài - Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 sẽ khai mạc vào lúc 17h30 ngày 18/12/2020 tại sân khấu Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Huế.
- Gặp mặt cán bộ chiến sỹ nhân ngày 22/12 – Ngày 19/12/2020.
- Hội nghị khoa học Cố đô về bệnh Nội tiết, Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa lần 3 – Ngày 19/12/2020.
- Gặp mặt trưởng họ tộc – Ngày 20/12/2020.
- Hội nghị Tổng kết công tác ngành công an năm 2020 – Ngày 21/12/2020.
- Hội nghị tổng kết công tác an toàn thực phẩm năm 2020, triển khai nhiệm vụ 2021 – Ngày 22/12/2020.
- Hội nghị Liên tịch phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ Quân sự, Quốc phòng năm 2021 – Ngày 23/12/2020.
- Tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh tại Trụ sở Tiếp công dân của tỉnh – Ngày 24/12/2020.
- Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở Tư pháp – Ngày 25/12/2020.
VI. GIẢI ĐÁP CÁC KIẾN NGHỊ CỦA CÁC CƠ QUAN THÔNG TẤN BÁO CHÍ ĐÃ TIẾP NHẬN TRONG CÁC TUẦN TRƯỚC
1. Đối với vấn đề Báo Thừa Thiên Huế nêu:
Hiện nay, vấn đề sạt lở đất ở khu vực miền núi đang xảy ra liên tục, thường xuyên. Đơn cử như ở thôn Lập, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông có 80 hộ ở vùng nguy hiểm của thủy điện Thượng Nhật... và nhiều nơi khác. Xin hỏi UBND tỉnh đã có thống kê sơ bộ về số hộ cần phải di dời tái định cư, các giải pháp lâu dài và quy hoạch, phân bổ lại dân cư vùng sạt lở?
Trên cơ sở báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh trả lời:
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ảnh hưởng thiên tai theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di dân tự do, khu rừng đặc dụng được 197hộ/795 khẩu trên 7 huyện, thị xã (Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, thị xã Hương Trà và Hương Thủy).
Do ảnh hưởng của bão số 5, số 9, số 13, đặc biệt từ ngày 06/10 đến ngày 17/10 tại Thừa Thiên Huế đã có mưa rất to gây ra lũ lụt lớn, gây sạt lở đất ven sông, suối và đồi núi. Để đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp các ban ngành liên quan và các địa phương rà soát ở các khu vực miền núi có nguy cơ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cụ thể, tại xã Thượng Nhật, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Thượng Nhật thực hiện sơ tán tạm thời các hộ dân ở khu vực hạ lưu Thủy điện Thượng Nhật (bão số 5, bão số 6, bão số 7, bão số 9, bão số 13). Đồng thời, để đảm bảo cuộc sống ổn định và lâu dài cho các hộ dân ở thôn Lập, xã Thượng Nhật, UBND huyện đã có định hướng quy hoạch vùng tái định cư tập trung tại thôn A Xách, xã Thượng Nhật với quy mô 2,6 ha và đã đề xuất bổ sung chương trình đầu tư công về bố trí, sắp xếp dân cư nhằm ổn định cuộc sống cho các hộ ở những vùng có nguy cơ cao bị thiên tai.
Sau khi rà soát và báo cáo của các địa phương thuộc vùng miền núi trên địa bàn tỉnh, số hộ cần phải di dời tái định cư là 322hộ/1.528 khẩu; kinh phí khoảng: 102 tỉ đồng, bao gồm: 7 dự án bố trí dân cư tập trung và 1 dự án bố trí dân cư xen ghép. Trong đó (sạt lở đất thôn Lập, xã Thượng Nhật, UBND huyện Nam Đông đã quy hoạch khu tái định cư tập trung quy mô 2,6 ha tại thôn A Xách, kinh phí 22 tỷ đồng cho 75hộ/375 khẩu. Riêng 13 hộ/55 khẩu sạt lở chân đồi tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre sẽ chuyển về Khu tái định cư tổ dân phố 1, với kinh phí 12 tỷ đồng; Huyện A Lưới có 200 hộ/950 khẩu cần phải di dân và bố trí tập trung ở các xã Quảng Nhâm, Hồng Bắc, Hồng Thượng và xã Hồng Hạ; Huyện Phú Lộc ở chân đèo thôn Phú Gia xã Lộc Tiến có 20 hộ/85 khẩu vào khu quy hoạch tập trung xã Lộc tiến; Xã Thủy Bằng thị xã Hương Thủy có 14 hộ/63 khẩu vào khu quy hoạch tại chỗ thôn La Khê.
2. Đối với vấn đề Báo Văn hóa nêu:
a) Tháng 9/2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2357/QĐ-UBND bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án bến thuyền du lịch kết hợp dịch vụ tại số 05 Lê Lợi và Dự án đầu tư xây dựng bến thuyền du lịch trên sông Hương tại 243 Nguyễn Sinh Cung. Xin hỏi: Đến thời điểm này, đã chọn được nhà đầu tư cho các dự án này chưa? Có những doanh nghiệp nào đã khảo sát?
Trên cơ sở báo cáo của UBND thành phố Huế và TTPT quỹ đất, UBND tỉnh trả lời:
* Dự án bến thuyền du lịch kết hợp dịch vụ tại số 05 Lê Lợi:
Căn cứ kết quả đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất, đất mặt nước thực hiện dự án đầu tư Bến thuyền du lịch sông Hương kết hợp với dịch vụ cho du khách tại khu đất số 05 Lê Lợi; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 471/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 về công nhận kết quả trúng đấu giá tài sản trên đất, quyền thuê đất, thuê mặt nước đối với khu đất trên cho Công ty Cổ phần Hạ tầng Đông Á; Địa chỉ trụ sở chính: Số 4 ngách 178/57 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội; Người đại diện theo ủy quyền là Ông Nguyễn Công Vụ - Phó Tổng Giám đốc.
Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá tài sản trên đất, quyền thuê đất, đất mặt nước đối với Khu đất số 05 Lê Lợi, thành phố Huế.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Hạ tầng Đông Á đang tiến hành lập các thủ tục cấp phép xây dựng để triển khai khởi công công trình theo quy định.
* Dự án đầu tư xây dựng bến thuyền du lịch trên sông Hương tại 243 Nguyễn Sinh Cung, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang
Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh tổ chức đấu giá thành cho thuê quyền sử dụng đất có mặt nước để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng bến thuyền du lịch nói trên theo đúng quy định và được UBND tỉnh công nhận kết quả trúng đấu giá tại Quyết định số 1911/QĐ-UBND ngày 30/7/2020, trong đó công nhận tổ chức trúng đấu giá là Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á; địa chỉ tại số 4 ngách 178/57 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Sau khi Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trúng đấu giá vào ngân sách nhà nước, ngày 10/9/2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất đã phối hợp với các cơ quan liên quan bàn giao khu đất cho nhà đầu tư để tiến hành thực hiện dự án theo quy định.
b) Việc quy hoạch các bến thuyền du lịch dọc sông Hương hiện nay có những bất cập, vướng mắc gì? UBND tỉnh tạo điều kiện như thế nào để mời gọi nhà đầu tư?
Trên cơ sở báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, UBND tỉnh trả lời:
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch các bến thuyền du lịch dọc sông Hương, đã lấy ý kiến các Sở, Ban, Ngành và các Chính quyền địa phương có liên quan để rà soát, kiểm tra, bổ sung các bến còn thiếu trong danh mục dự thảo hoặc điều chỉnh vị trí các bến phù hợp với hiện trạng khu vực quy hoạch bến. Hiện nay các bến thuyền du lịch dọc sông Hương đã được UBND Tỉnh thống nhất danh mục các bến thủy nội địa và bổ sung vào điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Văn bản số 6945/UBND-GT ngày 24/9/2019. Quá trình triển khai quy hoạch cho đến nay vẫn chưa có bất cập, vướng mắc gì ảnh hưởng đến việc triển khai đầu tư xây dựng các bến thuyền phục vụ du lịch.
- UBND Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng các bến thuyền du lịch trên sông Hương như: Đối với các nhà đầu tư có nhu cầu đề xuất xây dựng bến thuyền để phục vụ cho việc hoạt động kinh doanh của mình, thì nhà đầu tư đề xuất ý tưởng xây dựng bến của mình với UBND Tỉnh, UBND Tỉnh sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn đánh giá tính hợp lý, sự phù hợp với quy hoạch và tính khả thi của dự án. Từ đó tham mưu UBND Tỉnh về việc đầu tư xây dựng các bến thuyền của nhà đầu tư. Trường hợp nếu vị trí bến chưa có trong quy hoạch thì sẽ bổ sung quy hoạch nếu xét thấy nhu cầu cần thiết, phù hợp và đảm bảo tính khả thi.
3. Đối với vấn đề Báo Tài nguyên và Môi trường nêu:
Được biết khu đất 73 Nguyễn Huệ, thành phố Huế hiện đã được UBND tỉnh có quyết định thu hồi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay ở đây đang tồn tại một quán cơm cũng đã lâu, gây nhếch nhác, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường. Xin hỏi UBND tỉnh hiện tại khu đất này do ai quản lý? Ai là đơn vị cho thuê quán cơm này và việc để quán cơm tồn tại như vậy có hợp pháp hay không? Hướng xử lý tiếp theo về khu đất này là như thế nào?
Trên cơ sở báo cáo của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, UBND tỉnh trả lời:
Quán cơm này đã tồn tại khoảng 3 năm trước khi UBND tỉnh có Quyết định giao khu đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý tại Quyết định số 2321/QĐ-UBND ngày 10/9/2020 của UBND tỉnh. Qua trao đổi thì chủ quán cơm có hợp đồng với Công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng và thương mại Việt Thành (đơn vị trúng đấu giá khu đất trước đây) để kinh doanh quán cơm nhằm bảo vệ khu đất, dọn dẹp rác thải, cây dại tại khu đất.
Trung tâm Phát triển quỹ đất đang làm việc với Công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng và thương mại Việt Thành để tiến hành bàn giao thực địa khu đất.
Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ tiến hành làm việc, Thông báo cho chủ quán cơm được biết rằng Trung tâm Phát triển quỹ đất hiện là đơn vị đang quản lý khu đất và đề nghị chủ quán cơm khẩn trương di dời ra khỏi khuôn viên khu đất, hoàn trả mặt bằng để đơn vị quản lý, xây dựng phương án sử dụng đất báo cáo UBND tỉnh xem xét. Trong trường hợp chủ quán cơm không thực hiện, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý di dời quán cơm theo quy định.
4. Đối với vấn đề Báo Thừa Thiên Huế nêu:
Liên quan đến đơn kiến nghị của ông Hoàng Trọng Hưng, trú tại địa chỉ 568A đường Bùi Thị Xuân, phường Thủy Biều, thành phố Huế về việc kiến nghị một số nội dụng vướng mắc về quy hoạch tại khu đất đường Bùi Thị Xuân.
UBND tỉnh trả lời:
Ngày 03/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 10937/UBND-QHXT giao UBND thành phố Huế phối hợp với Sở Xây dựng rà soát quy hoạch, hiện trạng sử dụng đất, nghiên cứu nội dung kiến nghị của ông Hoàng Trọng Hưng tại Đơn thư nêu trên để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh giải quyết kiến nghị.
5. Đối với vấn đề Báo Lao động và Xã hội nêu:
Công tác kiểm đếm, chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án thủy điện Thượng Nhật. Bên phía chủ đầu tư khẳng định đã hoàn tất việc chi trả. Đoàn kiểm tra Bộ Công thương sau khi kiểm tra hồ sơ cũng đã khẳng định chủ đầu tư hoàn thành chi trả cho 151 hộ bị ảnh hưởng bởi lòng hồ và 94 hộ đường dây 35KV. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khẳng định, chủ đầu tư chưa hoàn thành việc chi trả tiền đền bù các hộ đã được phê duyệt; các hộ phát sinh. Đồng thời, trong thời gian qua, dự án thủy điện Thượng Nhật đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân địa phương, nhưng chủ đầu tư chưa kiểm đếm, đền bù cho người dân. Vậy trong thời gian tới, UBND tỉnh có kiểm tra, xử lý vấn đề này không?
UBND tỉnh trả lời:
Ngày 16/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 11393/UBND-NĐ giao UBND huyện Nam Đông rà soát và làm việc với Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam để giải quyết dứt điểm các vướng mắc và thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định và thẩm quyền; trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền báo cáo cụ thể và đề xuất phương án xử lý gửi Hội đồng tư vấn xem xét trình UBND tỉnh.
Một số vấn đề khác các cơ quan báo chí hỏi đã được tiếp nhận và chuyển cho các cơ quan chức năng trả lời. Sau khi các đơn vị được giao nhiệm vụ báo cáo UBND tỉnh, VP UBND tỉnh sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho cho các cơ quan thông tấn báo chí./.
VĂN PHÒNG UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ