Tạm rời xa với các hoạt động khác của Festival Huế 2016 được diễn ra sôi động tại trung tâm thành phố Huế, xuôi về hướng Đông Nam (qua đường Tỉnh số 1) khoảng 6km, Lễ hội Chợ quê - Cầu ngói Thanh Toàn với những bức tranh về một làng quê nông thôn đặc trưng của xứ Huế là một trong những điểm đến hấp dẫn, đặc sắc và ấn tượng đối với du khách trong nước và quốc tế trong dịp Festival Huế 2016 lần này.
Trong không gian mộc mạc chốn đồng quê của Cầu ngói Thanh Toàn tại xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), Lễ hội Chợ quê - Cầu ngói Thanh Toàn năm nay được diễn ra trong 5 ngày (từ 30/4 đến 4/5). Ngoài khám phá những trò chơi dân gian truyền thống như bịt mắt đập om, bắt vịt trên sông, đua ghe câu, hội bài chòi…, du khách còn được trải nghiệm những hoạt động gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân địa phương như xay lúa, giã gạo, chằm nón, gói bánh tét… hay chèo đò dạo chơi trên sông. Bên cạnh những sản vật, sản phẩm đặc trưng như gạo Thủy Dương, nếp Thủy Tân, bánh tráng Thủy Lương, rèn Thủy Châu, mộc mỹ nghệ Tâm Bửu, đến với Chợ quê Cầu ngói, du khách còn được thưởng thức những món ăn điền dã mang đậm hương vị của miền quê xứ Huế như xôi thịt hon, cơm muối sả, bánh nậm, bánh lọc, bánh canh cá lóc… Một trong những điểm nhấn văn hóa tại Lễ hội Chợ quê năm nay là lễ rước hương linh bà Trần Thị Đạo - người có công xây dựng Cầu ngói Thanh Toàn và đêm hội hoa đăng trên sông Như Ý (ngay dưới chân Cầu ngói Thanh Toàn).
Tìm về “Chợ quê ngày hội” du khách sẽ được sống trong không khí thanh bình, ấm cúng của làng quê, như đưa du khách trở về với chính quê hương mình, với chính nơi gắn với tuổi thơ mà cứ tưởng chỉ còn trong quá khứ. Trong ngày đầu tiên của “Chợ quê ngày hội”, một không khí tập nập, nhộn nhịp của vùng quê vốn êm đềm đã được hâm nóng bởi hàng nghìn lượt người dân và du khách đến tham quan, vui hội và tham gia trải nghiệm và các hoạt động của chương trình. Dưới đây là một số hình ảnh sôi động diễn ra trong ngày đầu tiên (30/4/2016) của Chợ quê ngày hội Festival Huế 2016:
Vài nét về cầu Ngói Thanh Toàn
Từ trung tâm thành Huế, xuôi về hướng Đông Nam khoảng 6km, vượt qua những con đường làng quanh co, uốn khúc, thả mình dưới lũy tre làng rợp bóng, cầu Ngói Thanh Toàn tọa lạc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Bao quanh cầu ngói Thanh Toàn là cảnh đồng quê bát ngát, những con mương nước trong vắt, với những chiếc xuồng nhỏ. Theo người dân nơi đây kể lại, cầu Ngói Thanh Toàn do bà Trần Thị Đạo bỏ tiền xây dựng vào năm 1776. Cầu bắc trên một con mương chảy bọc quanh làng, với mục đích giúp bà con khỏi lỡ chuyến đò ngang, đồng thời là nơi nghỉ chân của người dân và lữ khách tha phương vào những buổi trưa hay trăng thanh gió mát. Qua sử sách và lời truyền miệng thì cầu được xây dựng bằng gỗ, theo lối “Thượng gia, hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu). Cầu dài 17m, rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để tựa lưng khi ngồi. Toàn bộ kiến trúc cầu chia thành 7 gian. Cầu có mái che lợp ngói lưu ly, loại ngói chủ yếu dùng trong các công trình kiến trúc dành cho vua quan. Tuy cầu không đồ sộ về mặt quy mô, nhưng lại tinh tế và độc đáo về giá trị nghệ thuật. Sau những lần hư tổn vì thời gian và khói lửa chiến tranh, người dân nơi đây đã nhiều lần quyên góp tiền để tôn tạo, bảo vệ di tích cầu Ngói Thanh Toàn. Qua nhiều lần trùng tu, cầu có nhiều đổi thay về vật liệu xây dựng, nhưng lối kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa của cây cầu không hề thuyên giảm. Đối với người dân xã Thủy Thanh, đây là một niềm kiêu hãnh, niềm tự tôn đáng kính. Cầu Ngói Thanh Toàn cũng đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích cấp quốc gia.