Lan tỏa của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc từ mỗi làng, thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh
  
Cập nhật:08/06/2023 8:33:03 SA
(CTTĐT) - Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở để củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước; tăng cường đồng thuận xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục và tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng.
Khen thưởng các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong tham gia tổ chức Ngày hội đoàn kết đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023
Khen thưởng các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong tham gia tổ chức Ngày hội đoàn kết đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003-2023

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Qua 20 năm tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Ngày hội đã góp phần tích cực xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh ngày càng vững mạnh. Thông qua Ngày hội, đã ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc Việt nam; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền để nhân dân biết, trên cơ sở đó đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, từng bước xây dựng cộng đồng dân cư tự quản và đã trở thành diễn đàn dân chủ của nhân dân. Ngày hội đã tạo môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với nhân dân, người dân trực tiếp nói lên những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, đưa ra các giải pháp thực hiện các chủ trương, chính sách để các cấp ủy Đảng, chính quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân, từ đó ban hành chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn của đời sống nhân dân, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Tại ngày hội, người dân đánh giá kết quả tự quản của cộng đồng dân cư; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn với việc ghi nhận, biểu dương các cá nhân, các hộ gia đình tiêu biểu trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư. Thông qua Ngày hội, các nét văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân cư, các dân tộc trên địa bàn tỉnh được bảo tồn và phát huy. Ngày hội còn là tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng được quan tâm, hỗ trợ tích cực; vận động, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” giúp đỡ các hộ nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống diễn ra trong dịp Ngày hội đã góp phần động viên nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, khuyến khích làm giàu chính đáng, đã có nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo như giúp nhau chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,  tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập ổn đình đời sống cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng học sinh nghèo vượt khó, tặng nhà “Đại đoàn kết”... Tại các địa phương, các đồng chí Lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương đã tích cực tham dự Ngày hội đại đoàn kết cùng bà con, góp phần động viên khích lệ tinh thần trong nhân dân.

Ngày hội đã góp phần thực hiện tốt các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Các khu dân cư trong toàn tỉnh đã lồng ghép phát động các phong trào, như: Phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, xây dựng “gia đình văn hóa”; “thôn, tổ dân phố văn hóa”, “thôn, tổ dân phố an toàn về an ninh trật tự”... qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, các quy tắc văn hóa ứng xử; các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, các mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư về cơ bản được giải quyết thông qua tổ hòa giải tại cơ sở. Các khu dân cư đã cơ bản không còn những tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần, xây dựng con người phát triển toàn diện; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của từng địa phương.

Lãnh đạo tỉnh dự và tặng hoa chúc mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022 tại huyện Quảng Điền

Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023 do Mặt trận tỉnh tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến cho biết, từ năm 2003 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; Mặt trận tỉnh đã chủ động triển khai hướng dẫn các khu dân cư tổ chức tốt Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc.

Thông qua ngày hội, sự đồng thuận và đoàn kết của người dân trong xây dựng và phát huy các phong trào phát triển quê hương cũng được tăng cường. Nổi bật, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các đơn vị như thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông… đã vận động người dân tham gia đóng góp tiền mặt hơn 120 tỷ đồng; 533 ngày công lao động với trị giá 142 tỷ đồng; hiến trên 3,1 triệu m2 đất trị giá hơn 290 tỷ đồng; tháo dỡ hơn 13 nghìn m2 tường rào; ủng hộ 880 nghìn cây các loại và các loại hoa màu... để góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Ngoài ra, 921 “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” và nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư cũng được các chi hội, đoàn thể đảm nhận quản lý hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn khu dân cư.

Tại Ngày hội ĐĐK hằng năm, việc vận động quyên góp và phát huy sự chung tay của các mạnh thường quân cũng được phát huy tối đa. Trong 20 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp đã huy động được hơn 220 nghìn tỷ đồng... MTTQ Việt Nam các cấp cũng trích Quỹ “Vì người nghèo” tặng hàng chục nghìn suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến, tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng trong quá trình tổ chức Ngày hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém. Ở một số địa phương chưa xây dựng được sự cân đối giữa phần lễ và phần hội, nơi thì coi trọng phần lễ và có nơi thì ngược lại, thậm chí có nơi tổ chức còn hình thức, chưa phát huy được ý nghĩa của ngày hội, do đó chưa tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia. Có địa phương chưa nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền cùng cấp.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã củng cố, phát huy vai trò và quyền làm chủ của nhân dân; tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Hiệu quả của Ngày hội, đã mang lại những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao tinh thần cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội từ mỗi làng, thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh, đồng lòng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Mô hình tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp

 

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]