(CTTĐT) - Sáng ngày 03/6, Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn với đất Phương Nam. Dự hội thảo có Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam PGS. TS Trần Đức Cường; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong cả nước.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết đây là Hội thảo rất có ý nghĩa đối với công tác nghiên cứu quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của nhà Nguyễn; đồng thời là sự tiếp nối về nội dung của của 02 hội thảo khoa học Trung Bộ và Nam Bộ thời chúa Nguyễn (2018) và Đàng Trong thời chúa Nguyễn (2019).
Thừa Thiên Huế là nơi các Chúa Nguyễn có 150 năm định đô (1626 - 1775), là tiền đề để về sau Bắc Bình vương Nguyễn Huệ - Quang Trung hoàng đế chọn làm kinh đô (1786 - 1801) và hoàng đế Gia Long xây dựng kinh đô Huế, tồn tại gần 150 năm (1802- 1945).
Phú Xuân thời chúa Nguyễn là trung tâm chính trị đầu tiên của nước Việt Nam vươn ra quản lý vùng biển đảo phía Đông, lãnh thổ và dân cư phía Nam, trong đó có cả vùng đất và vùng biển rộng lớn ở phương Nam; một vùng đất năng động về phát triển, là động lực mang tính khởi đầu trong quá trình hội nhập quốc tế và thống nhất của dân tộc. Nghiên cứu để làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử của Chúa Nguyễn với đất phương Nam là nhiệm vụ cấp thiết đang đặt ra đối với chúng ta, đặc biệt là vùng đất Thừa Thiên Huế - nơi hàm chứa sâu đậm nhất về Chúa Nguyễn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình hy vọng rằng qua hội thảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan vùng đất Thừa Thiên Huế và Phương Nam gắn với thời Chúa Nguyễn, Tây Sơn và Triều Nguyễn để làm sáng tỏ giá trị lịch sử, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy đặc trưng văn hóa, di sản của vùng đất cố đô Huế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình hội thảo khoa học chủ đề "Chúa Nguyễn với đất phương Nam" là hoạt động khoa học có ý nghĩa nhân kỷ niệm 30 năm (1993 - 2023) Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm (2003 - 2023) Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết 54 NQ-TW của Bộ Chính trị.
PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, cho biết, đây là hội thảo chuyên gia, quy tụ đội ngũ sử học trong cả nước đã nghiên cứu về Đàng Trong, nhằm nâng cao các công trình đã công bố và khẳng định thành tựu mới nhất về Chúa Nguyễn với đất Đàng Trong. Phạm vi giới hạn thời gian chúa Nguyễn với đất phương Nam cho đến cuối thế kỷ XVIII là chính, chỉ có hai vấn đề được nhìn nhận là thành tựu lớn của các chúa Nguyễn mà các vua Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX kế thừa, phát triển rất thành công nên được nhấn mạnh như một trọng tâm của hội thảo là Xác lập chủ quyền, khai thác kinh tế biển đảo và Xây dựng Gia Định kinh cuối thế kỷ XVIII - Kinh đô Huế đầu thế kỷ XIX trong quá trình thống nhất đất nước.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được 36 tham luận của các tác giả, nhưng do một số bài không đáp ứng theo yêu cầu về chủ đề, dung lượng, chất lượng nên chỉ chọn được 29 bài để in trong Kỷ yếu. Chủ đề hội thảo Chúa Nguyễn với đất phương Nam có thể chia làm các nội dung sau: Quá trình mở đất, xây dựng chính quyền; Quá trình xác lập chủ quyền, khai thác biển đảo; Phát triển kinh tế, đô thị; Đời sống văn hóa, đối ngoại; Nhân vật lịch sử.
Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Việt Nam tặng quà lưu niệm cho Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình
TS. Đỗ Quỳnh Nga có nhận xét: “Quá trình mở mang lãnh thổ ở vùng Nam Trung Bộ của các chúa Nguyễn diễn ra gần 120 năm tính từ thời điểm bắt đầu mở đất Phú Yên (năm 1578) cho đến khi có được phủ Bình Thuận (năm 1697) đã mang về cho Đàng Trong thêm một vùng lãnh thổ rộng lớn, vương quốc Champa dần dần bị thu hẹp và cuối cùng bị sáp nhập vào lãnh thổ Đàng Trong. Có được phủ Bình Thuận, chúa Nguyễn có một lãnh thổ liên hoàn từ đất Quảng Bình đến Bà Rịa- Đồng Nai”.
PGS.TS. Trần Thị Mai có nhận xét: “Trong hơn một thập kỷ cuối thế kỷ XVIII và một hai năm đầu thế kỷ XIX, Sài Gòn - Gia Định đã trải qua những biến đổi to lớn, trở thành trung tâm kinh tế, trung tâm xã hội và văn hóa lớn Đàng Trong. Gia Định kinh không chỉ là kinh đô của toàn miền Nam Bộ, mà còn là địa bàn căn cốt tạo thế, tạo lực cho Nguyễn Ánh đánh bại các phe phái đối lập, tạo dựng vương triều, vươn ra cai quản toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải của nước Việt Nam thống nhất và đặt nền móng vững chắc cho Sài Gòn - Gia Định nhanh chóng trở thành đại đô thị đầu tiên của Việt Nam mang tầm vóc quốc tế”.
Hệ quả của nền kinh tế hàng hóa phát triển cùng với chính sách thu hút nguồn lực của các chúa Nguyễn đã làm thay đổi diện mạo cấu trúc xã hội Đàng Trong với hàng loạt đô thị ra đời, phát triển trong thế kỷ XVII- XVIII như Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn, Đông Phố, Mỹ Tho, Hà Tiên; về vấn đề này PGS.TS Đỗ Bang có nhận xét: “Nơi đây đã hình thành quy hoạch, tổ chức quản lý cư dân đô thị mang tính tự trị, các kiến trúc phố xá thể hiện đời sống văn hóa của tầng lớp thị dân. Các chúa Nguyễn lại cho người nước ngoài định cư lập phố, tạo thành các khu đô thị phát triển với nhiều cư dân đô thị mang nhiều quốc tịch. Cư dân đô thị, kinh tế đô thị, quy hoạch và quản lý đô thị cùng các kiến trúc đô thị đã hình thành nền văn minh đô thị đặc sắc ở Đàng Trong”.
Hội thảo khoa học với chủ đề Chúa Nguyễn với đất phương Nam đã khẳng định được một bước tiến mới trong việc nghiên cứu lịch sử Đàng Trong, cũng xác lập được tính quy mô về tổ chức, quy tụ chuyên gia trong nước và có chất lượng khoa học cao. Hội thảo cũng có nhiều ý kiến trao đổi về vai trò của các chúa Nguyễn trong công cuộc mở cõi và xác lập chủ quyền ở vùng đất mới và biển đảo. Những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế, đô thị và văn hóa Đàng Trong. Vai trò đất và người phương Nam trong việc định cõi, định đô và chuẩn bị cho công cuộc thống nhất đất nước cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX…
Tại hội thảo