(CTTĐT) - Chiều 10/3, Sở Ngoại vụ tổ chức hội thảo giới thiệu đơn vị cơ sở dữ liệu khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Thừa Thiên Huế. Tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh; Ông Ikram Shehu, cố vấn phát triển năng lực, Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy tại Việt Nam;Ông Nguyễn Linh Giang, Giám đốc Trung tâm Cơ sở dữ liệu, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC).
Giám đốc sở Ngoại vụ Trần Công Phú cho biết, nhằm hỗ trợ tỉnh chủ động hơn trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, tổ chúc NPA Việt Nam đã phối hơp với sở Ngoại vụ triển khai Dự án hỗ trợ đơn vị cơ sỏ dữ liệu bom mìn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025 (DBU Huế) với nguồn tài trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy. Với mong muốn giới thiệu cơ sở dữ liệu bom mìn của tỉnh Thừa Thiên Huế đến với các cơ quan ban ngành trong tỉnh; đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan để hoàn thiện dữ liệu và đáp ứng tốt hơn nhu cầu nắm bắt thông tin về các khu vực ô nhiễm bom mìn và các khu vực đã được rà phá để phục vụ cho việc hoạch định, triển khai hiệu quả các dự án rà phá bom mìn, hội thảo rất mong muốn nhận được nhiều ý kiến góp ý, trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm triển khai của các đơn vị cơ sở dữ liệu khắc phục hậu quả bom mìn của các địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ dự án cơ sở dữ liệu bom mìn Huế, Trung tâm Cơ sở dữ liệu, Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình… đã đi sâu phân tích, làm rõ hơn về mô hình báo cáo, chia sẻ thông tin dữ liệu bom mìn; phân loại ưu tiên, điều phối hoạt động; tích hợp dữ liệu; khảo sát bom mìn…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, những năm vừa qua, tỉnh Thừa Thiên luôn xác định nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn chiến tranh là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên, quan tâm chỉ đạo. Với tỷ lệ 34% diện tích toàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, số liệu này cho thấy ô nhiễm bom mìn, vật nổ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thương vong cho người dân sinh sống và canh tác tại các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh những thiệt hại cả về thể chất lẫn tinh thần đối với người dân, ô nhiễm bom mìn còn gây ra nhiều cản trở đối với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Trong bối cảnh diện tích các địa phương bị ô nhiễm bom mìn chiếm tỷ lệ cao, các nguồn hỗ trợ khắc phục còn hạn chế, tỉnh chưa có một hệ thống cơ sở dữ liệu chung để quản lý, điều phối và thu hút vận động các nguồn lực hỗ trợ hoạt động hành động bom mìn, việc triển khai dự án đơn vị cơ sở dữ liệu bom mìn tỉnh là một giải pháp rất kịp thời và hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý dự án DBU Huế tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, các tổ chức có hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn vật nổ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu bom mìn của tỉnh.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chỉ đạo thu thập các nguồn dữ liệu bom mìn của các dự án trước đây hiện đang quản lý để kiểm tra, xác minh thông tin, số hóa, đưa vào cơ sở dữ liệu chung của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu hỗ trợ công tác tích hợp cơ sở dữ liệu của dự án vào cơ sở dữ liệu số hóa chung của toàn tỉnh, đề xuất lộ trình tích hợp dữ liệu lên các ứng dụng như Hue-S để mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo