Vận động, kêu gọi Kiều bào tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Huế theo Nghị quyết 54/NQ-TW
  
Cập nhật:31/03/2023 10:11:06 SA
Ngày 28/3/2023 tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đại diện lãnh đạo Sở Ngoại vụ đã có buổi làm việc với Ban lãnh đạo của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế về thực hiện công tác tiếp xúc, vận động người Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức, đơn vị là đối tác của người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động bảo tồn di sản, văn hóa Huế theo Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị nhất là công tác hồi hương các cổ vật, tài liệu, tác phẩm nghệ thuật… có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với vùng đất Thừa Thiên Huế.
Tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Huy Thái, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ đã trao đổi nội dung của Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 20/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023; đề xuất những nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2023 trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia các hoạt động bảo tồn di sản, văn hóa Huế theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, nhất là công tác giới thiệu, hồi hương cổ vật, các tài liệu lưu trữ, các tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với vùng đất Thừa Thiên Huế và đề xuất hai bên cần phối hợp thực hiện các nhiệm vụ như lập danh sách các tổ chức, người Việt Nam ở nước ngoài tại các khu vực, quốc gia tiềm năng: Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ, Nhật Bản, các thư viện quốc gia về nghệ thuật Châu Á, các trung tâm lưu trữ quốc gia Paris, Bruxelle…; nghiên cứu tìm kiếm các thông tin tại các thư viện quốc gia, thư viện đại học ở Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Nhật Bản, Anh, Campuchia...  để xem xét các khả năng trao đổi, tiếp xúc, đàm phán, xác định các điều kiện hiến tặng, cho phép sử dụng dữ liệu, ảnh, tác phẩm nghệ thuật, chia sẻ thông tin, dữ liệu số hóa về di sản hoặc xem xét tiếp nhận các tư liệu …

Về phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm đã có đề xuất trong thời gian tới cần cụ thể hóa các nhiệm vụ trong Kế hoạch số 51, xác định công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là một nhiệm vụ quan trọng gắn với ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại; vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ vì đây là nhiệm vụ chung của tỉnh nhà; đề nghị Sở Ngoại vụ trao đổi, vận động các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, các Bào tàng ở các nước đóng góp nhân kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhằm huy động các khoản hỗ trợ, giúp đỡ của đối tác quốc tế và kiều bào góp phần thực hiện tốt công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Thừa Thiên Huế trong hiện tại và tương lai theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời có hình thức ghi nhận, biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân, tập thể kiều bào có những đóng góp thiết thực cho tỉnh nhà về công tác này.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Việt Trung cũng đề xuất phối hợp với Sở Ngoại vụ hỗ trợ cán bộ của Trung tâm BTDT CĐ Huế sang nghiên cứu tại Pháp để phục vụ công tác chuyên môn như biên phiên dịch, triển lãm, trưng bày.

Ngoài ra, ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đề nghị Sở Ngoại vụ tiếp tục kết nối và kêu gọi gia đình hậu duệ Vua Hàm Nghi và các kiều bào hiến tặng các kỷ vật, tranh ảnh, sách, tư liệu, tài liệu…. của Vua Hàm Nghi nhằm làm phong phú không gian trưng bày Vua Hàm Nghi tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để có góc nhìn chân thực về một vị vua yêu nước.

Kết thúc buổi làm việc, đoàn đã đến tham quan Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và tham quan các cổ vật, sách, báo, tranh ảnh, các tài liệu… trong đó có các hiện vật quý mà kiều bào ta đã hiến tặng như cặp Ngà voi Cung đình cổ, sách cổ, tranh gốc của Vua Hàm Nghi, Ống điếu của Vua Hàm Nghi…

Bức tranh gốc "Hồ trên dãy núi Alpes" do Vua Hàm Nghi vẽ 1900-1904 do một Kiều bào (dấu tên) hiến tặng.


Cặp Ngà voi cổ do ông bà Cẩm Hà -Lê Thái (Việt kiều Pháp) hiến tặng và bàn trình Quốc thư
(hồi hương từ Pháp thông qua con đường pháp lý ngoại giao).


 Bản in]