(CTTĐT) - Sáng 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Cùng dự và chủ trì Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu chính và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố có đại diện lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ, các đoàn thể chính trị, xã hội, các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tại điểm cầu chính, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá kết quả và hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhấn mạnh: "Một trong những điểm cốt lõi của kỷ nguyên mới, như trao đổi của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chính là hướng tới mục tiêu "mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hoà bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu". Nói một cách khác, trong kỷ nguyên mới này, quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm và ngày càng được bảo đảm tốt hơn, như khát khao tột bậc khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta hằng mong ước. Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, trong thời gian vừa qua, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, đặc biệt trong thời kỳ Đổi mới".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai, đồng thời ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 16 tháng 4 năm 2018 về thực hiện Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh được tiến hành theo 2 giai đoạn 2018 – 2020 và 2021 – 2025”. 100% các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch truyền thông và tổ chức truyền thông cho cán bộ, giáo viên và học sinh. Tổ chức cập nhật thông tin, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho các cán bộ cấp xã, phòng ban cấp huyện (do trường Nguyễn Chí Thanh đảm nhận). Đưa nội dung giáo dục quyền con người thành nội dung giáo trình giáo dục địa phương, kết hợp các buổi giáo dục di sản.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình kiến nghị một số nội dung về giáo dục quyền con người cho học sinh các cấp học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp học sinh phát triển đầy đủ các năng lực, phẩm chất trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đaọ thực hiện Đề án sau năm 2025. Cuối năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung nội dung giáo dục, biên soạn tài liệu hướng dẫn tập huấn về công tác giảng dạy quyền con người ở cấp tiểu học, THCS, THPT. Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn tập huấn cho các địa phương trong việc xây dựng chương trình, đáp ứng định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo dục quyền con người đã trở thành yêu cầu bắt buộc cho các đối tượng trong xã hội. Kính đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm hướng dẫn các địa phương, xây dựng nội dung hướng đến các đối tượng yếu thế: trẻ em, người tàn tật…Để khắc phục hạn chế trong công tác tuyên truyền nhận thức, Kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác truyền thông và giảng dạy về quyền con người trong thời gian tới, xem đây là yêu cầu bắt buộc. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo để các địa phương chủ động trong nguồn lực phục vụ cho công tác giáo dục quyền con người.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh Thừa Thiên Huế xác định giáo dục là nền tảng vững chắc cho sự phát triển, trong đó giáo dục quyền con người là yêu cầu bắt buộc trong xu thế hiện nay. Với chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm thực hiện tốt nhất công tác giáo dục quyền con người trong thời gian tới.
Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị gửi đi thông điệp quan trọng của Việt Nam với thế giới, với các nước quan tâm về bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người. Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức, với mục tiêu cuối cùng là hướng tới người dân với vai trò trung tâm, là chủ thể.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những quan điểm: Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, mang tính bao trùm, toàn diện, của cả nước; bảo vệ, giáo dục quyền con người đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của người dân; giáo dục quyền con người là chương trình chính thức chứ không phải chương trình lồng ghép, đặt trong tổng thể hệ thống giáo dục Việt Nam, với tinh thần lấy học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực, nhà trường là nền tảng, thực hiện học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Đối với việc triển khai Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan có liên quan, các cơ sở giáo dục tập trung rà soát, phấn đấu cao nhất, hoàn thành tốt nhất tất cả các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẩn trương hoàn thiện các tài liệu giáo dục, giáo trình, sách tham khảo phù hợp cho từng nhóm đối tượng bảo đảm tính hệ thống, tính liên thông của tài liệu, gắn kết lý luận với thực tiễn, kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế.
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng văn bản hướng dẫn về sử dụng giáo trình, các tài liệu giáo dục quyền con người trong các cấp học; tiếp tục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quyền con người, phát triển đội ngũ chuyên gia, giáo viên giảng dạy quyền con người; hoàn thành việc triển khai đưa nội dung giáo dục quyền con người trong các sơ sở giáo dục đại học trong năm học 2025-2026.
Thủ tướng yêu cầu chủ động tiến hành tổng kết quá trình thực hiện Đề án trong giai đoạn 2017-2025; đồng thời nghiên cứu trình Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị về giáo dục quyền con người trong tình hình mới vào năm 2025 và xây dựng Đề án cho giai đoạn tiếp theo.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng Kế hoạch của Chính phủ với sự tham gia của các bộ, ngành để triển khai kết luận của Bộ Chính trị về một số nội dung về Chiến lược phát triển Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân ta, công tác bảo vệ quyền con người, giáo dục quyền con người ngày càng đạt kết quả tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.