Năm 2023, năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu đảng bộ huyện Phong Điền lần thứ XIV trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp và bất thường làm ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân địa phương. Khắc phục khó khăn, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp đồng bộ với các sở ban, ngành, sự chủ động và linh hoạt trong điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và đồng thuận của nhân dân, Phong Điền đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, nỗ lực vượt qua thách thức và đạt nhiều kết quả, thành tích quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Chúng ta cùng điểm lại 10 sự kiện nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của huyện Phong Điền.
1. Đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV.
Tháng 6/2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Phong Điền tổ chức Hội nghị Huyện ủy lần thứ 13 mở rộng, nhằm đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và đề ra các giải pháp thực hiện đến năm 2025.
Sau nửa đầu nhiệm kỳ triển khai và thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đã đề ra và đạt được những một số thành tựu trên các lĩnh vực. Có 12/14 chỉ tiêu cơ bản hoàn thành đảm bảo theo tiến độ và chỉ tiêu Nghị quyết XIV đề ra; các lĩnh vực phát triển kinh tế phát triển khá toàn diện. Công nghiệp tiếp tục phát huy vai trò ngành kinh tế mũi nhọn với giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2021- 2023 khoảng 18,5%/năm, chiếm tỷ trọng 59% trong cơ cấu kinh tế; du lịch dịch vụ giá trị sản xuất tăng bình quân khoảng 20,8%/năm, chiếm tỷ trọng 19% trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp giá trị sản xuất tăng bình quân 7,67%/năm, chiếm tỷ trọng 22% trong cơ cấu kinh tế. Tổng thu ngân sách nhà nước dự kiến đạt khoảng 920 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 69,1 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5%. Tập trung huy động nguồn lực để đầu tư các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
2. Tổng số điểm đạt theo tiêu chí đô thị loại IV là 86,25/100 điểm.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy về xây dựng, phát triển huyện Phong Điền đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư cơ sở, hạ tầng. Đến nay, có 03/9 chỉ tiêu tại Nghị quyết số 15 đã hoàn thành gồm: Giá trị sản xuất tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 16,28%/năm; Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 tăng bình quân 13,9%/năm; Hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới; 06 chỉ tiêu còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Bên cạnh đó, đã hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng để đạt chuẩn đô thị loại IV theo Nghị quyết đề ra như Dân số; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thị; Tỷ lệ nhà ở kiên cố; Tỷ lệ đường phố được chiếu sáng.
Qua rà soát và đối chiếu theo 05 tiêu chí của đô thị loại IV thì đến nay tổng số điểm đạt được là 86,25/100 điểm. Trong tổng số 63 tiêu chuẩn: đô thị Phong Điền có 42 tiêu chuẩn đạt điểm tối đa, 11 tiêu chuẩn đạt điểm theo quy định, 02 tiêu chuẩn đề xuất áp dụng quy định đặc thù
3. Hoàn thành cơ bản các đồ án quy hoạch quan trọng.
Trên cơ sở đồ án Quy hoạch chung đô thị Phong Điền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Năm 2023, huyện Phong Điền tiếp tục triển khai nhiều đồ án quy hoạch và đã hoàn thành cơ bản các đồ án quy hoạch quan trọng của huyện như: 06 quy hoạch phân khu của các xã định hướng thành phường bao gồm Điền Hải- Phong Hải, Điền Lộc- Điền Hòa, Phong Hòa, Phong An, Phong Thu- Thị trấn Phong Điền và 06 quy hoạch chung xã nông thôn mới gồm Phong Xuân, Phong Sơn, Phong Mỹ, Phong Bình, Phong Chương, Điền Hương- Điền Môn. Ngoài ra, có 16 Quy hoạch phân khu các khu vực dự kiến kêu gọi đầu tư các dự án phát triển đô thị đang được triển khai đồng bộ.
Điều này đã thể hiện quyết tâm rất lớn của huyện Phong Điền trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng, làm cơ sở để xây dựng các dự án đầu tư có chất lượng, thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn, thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị đồng bộ, bền vững.
4. 15/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đến cuối năm 2023, trên địa bàn toàn huyện đã có 15 xã/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đã hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để đạt được kết quả đó, huyện Phong Điền đã vận dụng linh hoạt, lồng ghép hiệu quả Chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn để tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí theo lộ trình. Cùng với việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, Phong Điền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhằm huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM. Nhờ đó, Nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tích cực tham gia, ủng hộ, đóng góp xây dựng NTM bằng nhiều hình thức như: Đóng góp kinh phí, ủng hộ ngày công lao động, hiến đất, tài sản trên đất…
Huyện cũng đã đạt 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới, phấn đấu trong năm 2024 huyện Phong Điền sẽ là huyện thứ 2 của tỉnh đạt chuẩn huyện Nông thôn mới.
5. Công nghiệp, nông nghiệp chuyển biến tích cực.
- Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,1% so với năm 2022, đạt 105,3% so với kế hoạch, chiếm tỷ trọng 59% trong cơ cấu kinh tế. Trong năm 2023, đã thu hút thêm 05 dự án, nâng tổng số dự án đầu tư tại Khu Công nghiệp Phong Điền là 25 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng. Các Nhà máy lớn trong và ngoài Khu công nghiệp vẫn hoạt động ổn định, giải quyết cho hơn 17.000 công nhân và góp phần tăng thu ngân sách của địa phương. Bên cạnh đó, huyện đã kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Điền Lộc, cụm công nghiệp Sơn - Xuân - Mỹ.
Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững theo hướng an toàn; tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, giá trị sản xuất trên lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tăng 9,3% so với năm 2022, đạt 101,1% so với kế hoạch, chiếm tỷ trọng 22% trong cơ cấu kinh tế. Đến nay, có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, có 35 sản phẩm được công nhận bảo hộ nhãn hiệu; xây dựng truy xuất nguồn gốc cho 4 sản phẩm đệm bàng...
6. Thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công huyện quản lý đã phân bổ năm 2023 đến nay là 311.702 triệu đồng, trong đó: vốn đầu tư công tỉnh 175.539 triệu đồng , vốn đầu tư công huyện 136.163 triệu đồng . Đến nay, đã giải ngân 252.251 triệu đồng, đạt tỉ lệ 81%, đạt tỷ lệ khá cao so với toàn tỉnh. Trong đó giải ngân Đầu tư công tỉnh đạt tỷ lệ 83%, đầu tư công huyện đạt tỉ lệ 78 %. Tỷ lệ giải ngân nguồn mục tiêu quốc gia đạt tỷ lệ 77%.
Dự kiến đầu năm 2024, hoàn thành 06/11 dự án hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách tỉnh theo Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy và 34 dự án ngân sách huyện (trong đó: có 22/34 dự án đã thi công hoàn thành, 10 dự án dự kiến hoàn thành trong 2023; 02 dự án tạm dừng chuyển sang giai đoạn sau do không đảm bảo nguồn vốn). Triển khai 31 dự án chuyển tiếp và 09 dự án mới năm 2023 thuộc CTMTQG nông thôn mới và giảm nghèo bền vững năm 2023. Hoàn thành đầu tư bê tông hóa giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù năm 2023.
7. Tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa nổi bật.
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Festival Huế năm 2023 gắn với Festival bốn mùa, Lễ hội “Hương xưa làng cổ” diễn ra từ ngày 22 đến ngày 23/7/2023, với điểm nhấn là tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất Phong Điền như múa hát “Thiên hạ thái bình”, múa hát “Sắc bùa” của làng Phò Trạch, xã Phong Bình. Đặc biệt là nghi lễ “Cầu mùa bội thu” của người Pa Hy, xã Phong Mỹ lần đầu được đưa vào ngày hội và giới thiệu đến đông đảo công chúng, du khách. Qua đó, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử; đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc về mảnh đất và con người Phong Điền.
Giải chạy Half Marathon năm 2023 với chủ đề “Hương Xưa Làng Cổ - Bước Chân Hạnh phúc” lần thứ hai đã mang đến cho hơn 1000 vận động viên những trải nghiệm khám phá, thú vị trên các cung đường tuyệt đẹp, yên bình của làng cổ Phước Tích và các làng quê xã Phong Hòa và Phong Bình.
Tổ chức thành công chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao với chủ đề “Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân Quý Mão”.
Cùng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, hoạt động văn hóa, thể thao hướng được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Phong Điền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các mô hình giảm nghèo được quan tâm ở huyện Phong Điền
8. Đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng huyện Phong Điền vẫn dành nguồn lực đáng kể để triển khai nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, được Nhân dân đồng thuận và đánh giá cao.
Dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023 và ngày Thương binh liệt sĩ đã trao tặng 19.460 suất quà với tổng kinh phí 5,958 tỷ đồng; Ban vận động “Đền ơn đáp nghĩa” huyện đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 460 triệu đồng. Bố trí kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công, huy động các nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ cho người nghèo.
Năm 2023, tỷ lệ hệ nghèo giảm 0,81%, xuống còn 2,05%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 3,32%;
244 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổ chức tư vấn công tác việc làm cho quân nhân xuất ngũ năm 2023 và người lao động địa phương, đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%.
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được tiếp tục quan tâm, đầu tư. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao với nhiều đổi mới trong công tác quản lý, dạy và học.
9. 06 đơn vị cấp xã xếp loại xuất sắc trong công tác cải cách hành chính
Công tác cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đã góp phần tích cực vào những thành tựu phát triển chung của toàn huyện. Kết quả CCHC năm 2023, toàn huyện có 06 xã đạt xuất sắc (trong đó: xã Phong Hòa đứng đầu toàn tỉnh)
Năm 2023 là năm ghi nhận những chuyển biến rõ nét và thành tích nổi bật trong công tác chuyển đổi số của huyện,137 tổ công nghệ số cộng đồng với 700 thành viên hoạt động và thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ như số hóa địa chỉ số; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Xã Phong An là đơn vị cấp xã được chọn triển khai mô hình xã chuyển đổi số kiểu mẫu toàn tỉnh.
10. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ huyện.
Nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, trình độ, năng lực tổ chức điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương vận hành theo cơ chế Nghị quyết 28 của Bộ chính trị. Huyện Phong Điền đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ huyện và diễn tập chiến đấu xã Phong Xuân, Phong Chương, Điền Hòa, Phong Sơn trong KVPT huyện năm 2023 đảm bảo an toàn, chất lượng.
Trong năm 2023, công tác quốc phòng quân sự địa phương tiếp tục được tăng cường, khu vực phòng thủ huyện được củng cố ngày càng vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tiếp tục củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân... Kịp thời đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm và tai tệ nạn xã hội, tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường bộ trong tình hình mới…Năm 2023, Ban chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền được Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua xuất sắc.
Với những kết quả nổi bật đã đạt được trong năm 2023, sẽ tạo tiền đề và động lực để huyện Phong Điền tập trung huy động nguồn lực, thực hiện hiệu quả các đề án để xây dựng Phong Điền trở thành đô thị trung tâm, vùng kinh tế động lực phía Bắc của Thừa Thiên Huế, sớm trở thành Thị xã theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.