Trụ sở tòa soạn báo tiếng dân - Di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh
  

 1. Quá trình ra đời tờ báo Tiếng Dân

Ngày 29/7/1881, Quốc hội Pháp đã thông qua đạo luật thừa nhận quyền tự do báo chí, cho phép áp dụng tại chính quốc cũng như tại các xứ thuộc địa, mặt khác chúng lại đưa Sắc lệnh ngày 30/12/1898, buộc tất cả các tờ báo chữ Việt, chữ Trung Hoa và các thứ chữ khác phải có giấy phép trước khi xuất bản.

Trong bối cảnh đất nước ta đang ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp ban hành những chính sách hà khắc, bóc lột nặng nề, dã man đối với dân nghèo và người lao động. Công nhân lao động ở Huế cũng chịu cảnh một cổ hai tròng, họ nung nấu ý chí căm thù thực dân phong kiến

Trước tình thế xã hội “cần tiếng nói của Dân, của công lý” để vạch mặt tất cả bọn xu thời, bọn quan lại sâu mọt, bọn cường hào đục khoét nhân dân, sau thời gian suy nghĩ, nung nấu về lợi thế của truyền thông, Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước, học giả, liền lập ra tờ báo Tiếng Dân, lấy báo chí làm phương tiện đấu tranh, xem đây là vũ khí lợi hại để phục vụ quảng đại quần chúng, nhất là người lao động bị áp bức, bóc lột. Tiếng Dân “nghĩa là dân lên tiếng”. Chính vì mục đích, tôn chỉ  đúng  đắn, hợp thời thế, thời cuộc, báo Tiếng Dân của Huỳnh Thúc Kháng đã nhận được sự hợp tác của nhiều cây bút danh tiếng như Sào Nam hay Việt Điểu (tức Phan Bội Châu), Trần Đình Phiên, Đào Duy Anh, Lạc Nhân (Nguyễn Quý Hương

Sau cuộc gặp”tình cờ chẳng hẹn mà nên” giữa Huỳnh Thúc Kháng và Đào Duy Anh tại biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Đào Duy Anh quyết định ở lại cùng làm báo với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ Huỳnh giao cho Đào Duy Anh khởi thảo điều lệ của công ty và tiến hành việc tuyên truyền cùng huy động vốn. Nhưng điều hành một tờ báo như thế nào, không một ai trong những người sáng lập có kinh nghiệm về nghề nghiệp. Tháng 9/1926, Cụ Huỳnh cử Đào Duy Anh đi Sài Gòn tìm hiểu công việc làm báo, nhất là cách tổ chức Bộ biên tập. Ở Sài Gòn, khoảng ba, bốn tháng, Đào Duy Anh trở lại Đà Nẵng để tiếp tục cùng mọi người tổ chức công ty. Về phần mình, Huỳnh Thúc Kháng thường đích thân ra Huế (đến Tòa Khâm sứ Trung Kỳ) gửi đơn trình bày xin phép thành lập tờ báo

Trong suốt thời gian thành lập, tờ báo đã thu hút sự quan tâm của tất cả các phần tử tiến bộ ở các tỉnh Trung Kỳ. Theo chương trình của cụ Huỳnh và những cộng sự báo Tiếng Dân, chi tiết báo ra hai số/tuần, vào ngày thứ Tư và thứ Bảy, với lý tưởng phục vụ lợi ích quốc gia, nhằm giúp chính quyền biết được nguyện vọng của người dân; hỗ trợ việc giáo dục đạo đức, tri thức, chính trị và kinh tế cho người dân Việt Nam. Quyết định cho phép thành lập tờ báo Tiếng Dân đã được Toàn quyền Đông Dương Pasquier ký ngày 12/02/1927, nhưng với điều kiện tòa soạn phải đặt tại Huế.

Việc địa điểm đặt tòa soạn, Cụ Huỳnh giao nhiệm vụ cho ông Trần Đình Phiên ra Huế tìm mua một ngôi nhà vừa làm trụ sở, vừa làm nơi in báo, và Ông đã thuê được một ngôi nhà ở địa chỉ số 123 đường Đông Ba, phố Hàng Bè (nay là số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng).

Ngày 10/8/1927, báo Tiếng Dân ra số báo đầu tiên. Từ đây, Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sỹ xứ Quảng đã trở thành nhân vật nổi tiếng của đất thần kinh, vừa là Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ (nhiệm kỳ 1926-1928), Quản lý điều hành Công ty in Huỳnh Thúc Kháng và Chủ nhiệm kiêm Chủ bút một tờ báo lớn, báo Tiếng Dân.

2. GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC, THẨM MỸ CỦA DI TÍCH

 Báo Tiếng Dân là tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung. Mặc dù ra đời muộn hơn so với báo chí miền Nam và Bắc, song báo Tiếng Dân đã có vai trò trong việc công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Quan điểm chính yếu của Cụ Huỳnh khi ra tờ báo Tiếng Dân là: “Tôi là nhà cách mạng công khai, tôi đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc Việt Nam một cách công khai. Vì đất nước Việt Nam có biên cương và lãnh thổ công khai trên bản đồ thế giới. Cho nên, tôi cũng công khai nói lên tiếng nói của người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và tự chủ. Do đó, tôi thách đố mọi trừng phạt và hiểm nguy đến với cá nhân tôi”(1). Qua báo Tiếng Dân, Cụ còn công bố nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động, từ năm 1927 đến năm 1943, tờ báo này đã ra 1.766 số và đã có ảnh hưởng rất lớn đến dư luận xã hội ở miền Trung và cả nước. Báo Tiếng Dân có sự cộng tác của nhiều nhà trí thức có tinh thần dân tộc như Đào Duy Anh, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu..., thể hiện tiếng nói của xu hướng chính trị không phục tùng đường lối của thực dân Pháp và Nam triều. Từ số đầu tiên ra ngày 10/8/1927 cho đến số cuối cùng bị đình bản ngày 24/4/1943, Tiếng Dân là một trong những tờ báo tiêu biểu của báo chí yêu nước cách mạng, nó phản ánh lại một cách trung thực không khí, đời sống chính trị trong nửa đầu thế kỷ XX và đã thực sự có nhiều đóng góp cho lịch sử văn hóa miền Trung, cho Huế, cho báo chí Việt Nam.

Tiếng Dân, vẫn còn nguyên giá trị của một tờ báo “Tiếng như sấm đất vang, mới bao năm gió Mỹ, mưa Âu, mấy cuộc bể dâu, ngọn sóng nhảy tràn bờ cõi. Dân là con trời cả, riêng một cõi mầm Hồng, chồi Lạc ngàn trùng non nước, khí thiêng hộ giống nòi chung”(2). Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở Trung kỳ, thể hiện khí khái của tầng lớp nhân sỹ, trí thức yêu nước lúc bấy giờ mà cụ Huỳnh Thúc Kháng là người đại diện, biết nhận chân sự đời, rằng tờ báo này, sẽ phải nói được “mộng” dân quyền - dân sinh - dân trí, như cái tinh thần “Duy tân” mà trước đó các cụ đã khởi xướng. Và duy nhất Cụ Huỳnh làm được, ngay ở Huế dưới những kiểm soát gắt gao. Làm đến 17 năm, với những số báo có những chỗ bị đục để trống, có chỗ hiện diện hai từ Kiểm duyệt, hẳn như một thách thức? Câu chuyện làm báo Tiếng Dân cho thấy “tinh thần gang thép” trong cung cách làm và điều hành tờ báo của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Cho dù sinh ra tại Quảng Nam, an nghỉ tại Quảng Ngãi nhưng có thể nói sự nghiệp của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng có nhiều gắn bó với Huế, từ việc lưu danh ở bia Tiến sĩ trên Văn Miếu Huế cho đến hoạt động sôi nổi, lan tỏa sâu rộng của Nghị trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ, báo Tiếng Dân. Với “Tâm sáng, bút sắc” đã trở thành châm ngôn của dòng báo chí yêu nước những năm đầu của thế kỷ XX mà báo Tiếng Dân là tiêu biểu. Dù tờ báo đã thuộc về quá khứ nhiều thập kỷ, nhưng mục đích, tôn chỉ và sự cống hiến của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn giữ được tính thời sự, vẫn bổ ích đối với người làm báo hôm nay và mai sau.

Di tích lịch sử (Lưu niệm sự kiện) Trụ sở Tòa soạn Báo Tiếng Dân tại số 193 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Phú Hòa (nay là phường Đông Ba), thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh theo Quyết định số 1225/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 04/6/2018.



(1) Quan điểm chính yếu của cụ Huỳnh Thúc Kháng khi làm báo Tiếng Dân được đăng trên Báo Tiếng Dân, số ra ngày 01/5/1929.

(2) H. Ngọc, Huỳnh Thúc Kháng và báo Tiếng Dân, Báo Quảng Nam, ngày 21/6/2013.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối