Chuẩn bị nội dung cho buổi cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí thường kỳ hàng tuần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
1. Đối với vấn đề Báo Thừa Thiên Huế nêu:
a) Qua một số vụ sạt lở đất gần đây cho thấy năng lực cứu hộ cứu nạn của tỉnh đang thiếu và yếu. Để nâng cao năng lực cứu hộ cứu nạn, tỉnh có những giải pháp gì?
Đề nghị Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu câu trả lời cho báo chí, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 18/11/2020.
b) Năm 2020, tỉnh chịu rất nhiều thiệt hại do dịch Covid-19, thiên tai bão lụt xảy ra liên tiếp gây tổng thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng. Tỉnh có giải pháp gì đảm bảo nguồn thu chi, đảm bảo ổn định KTXH. Huy động nguồn lực để thực hiện thắng lợi KTXH. Huy động nguồn lực để thực hiện thắng lợi NQ 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu câu trả lời cho báo chí, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 18/11/2020.
2. Đối với vấn đề Báo Thương hiệu và Công luận, Báo Tiền Phong, Báo Sài Gòn Giải phóng nêu:
(Báo Thương hiệu và Công luận) Thời gian qua một số cơ quan thông tấn báo chí, nhà khoa học và trên mạng xã hội đề cập đến các công trình thủy điện Rào Trăng, A Lin được cấp phép xây dựng không phù hợp, đã có sự khuyến cáo của các nhà khoa học chưa nói đến việc phá rừng phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền nhưng không biết vì sao các công trình này vẫn được cấp phép xây dựng.
Đề nghị UBND tỉnh cho biết những thông tin và khuyến cáo của các nhà khoa học trước đó có đúng không? Tại sao đã có những khuyến cáo đó nhưng vẫn cho phép đầu tư xây dựng các công trình thủy điện Rào Trăng, A Lin?
Với sự cố rất đau buồn ở thủy điện Rào Trăng 3, Đảng, Chính phủ, người dân cả nước rất quan tâm chia sẻ nhưng chưa thấy chủ đầu tư lên tiếng nhận trách nhiệm thế nào về sự cố xảy ra hay thể hiện sự quan tâm đối với các nạn nhân hay chủ đầu tư đổ do thiên nhiên, mưa lũ nên không có trách nhiệm? Xin UBND tỉnh cung cấp rõ về những việc làm của chủ đầu tư và trách nhiệm của họ?
(Báo Tiền phong) Năm 2008, tại khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép đầu tư 4 thủy điện; trong đó, có Rào Trăng 3, Rào Trăng 4 như hiện nay. Xét về góc độ quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và cơ quan chuyên môn quản lý bảo vệ rừng, quản lý môi trường thì cần có khuyến cáo gì không với loại công trình như thế này trong khu bảo tồn (KBTTN) thiên nhiên như ở Phong Điền? Thủy điện làm trong KBTTN Phong Điền liệu có ảnh hưởng đến môi trường rừng, tài nguyên rừng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, ảnh hưởng công tác quản lý, bảo vệ rừng...?
(Báo Sài Gòn giải phóng) Sông Rào Trăng dài 26km nhưng có 04 thủy điện đang xây dựng và đã hoàn thành đi vào hoạt động. Tức là trung bình trên con sông này cứ 6,5km lại bị chia cắt bởi 01 thủy điện. Vậy khi lập quy hoạch, tỉnh đã tính toán về những bất cập liên quan đến môi trường, vấn đề dân sinh vùng hạ du? Cấp hàng loạt thủy điện công suất nhỏ (dạng bậc thang) trên con sông Rào Trăng này liệu có phải “chặt khúc” ra để mỗi thủy điện không ảnh hưởng đến quy định vượt 50ha đất rừng phải được Quốc hội thông qua?
Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ đầu tư tham mưu câu trả lời cho báo chí, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 18/11/2020./.