I. THÔNG TIN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ-XÃ HỘI
1. Lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản
Ngày 11/7/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1673/QĐ-UBND về việc thành lập Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn Núi Quện nhằm tăng cường công tác bảo vệ nơi cư trú, tập trung sinh sản, bãi giống, bãi đẻ thủy sản và tổ chức khai thác, sử dụng chung bền vững nguồn lợi thủy sản.
Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hòn Núi Quện có diện tích 987 ha mặt nước tự nhiên đầm phá thuộc địa giới hành chính xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc (trước đây là vùng đã được UBND huyện Phú Lộc giao quyền khai thác thủy sản vùng đầm phá cho Chi hội nghề cá Lộc Bình 1, xã Lộc Bình theo Quyết định số 371/QĐ-UBND ngày 08/3/2010), gồm 2 vùng: Vùng lõi bảo vệ có diện tích 40 ha (trước đây là Khu bảo vệ thủy sản Hòn Núi Quện đã được thành lập theo Quyết định số 1008/QĐ-UBND ngày 19/5/2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) và Vùng khai thác, sử dụng chung có diện tích 947 ha là khu vực còn lại của Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sau khi trừ đi 40 ha vùng lõi bảo vệ.
Bên cạnh việc nghiêm cấm hoàn toàn các hoạt động kinh tế làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên và môi trường thủy sinh, bao gồm: Khai thác thủy sản (động vật và thực vật thủy sinh) ; Nuôi trồng thủy sản (động vật và thực vật thủy sinh); Xây dựng các công trình sản xuất (bao gồm cả công trình nhà ở); Chăn thả gia súc, gia cầm vào vùng lõi bảo vệ; Quyết định nêu rõ các hoạt động có điều kiện: Hoạt động khai thác thủy sản để nghiên cứu khoa học và hoạt động tiêu diệt thủy sản địch họa trong vùng lõi bảo vệ phải được sự chấp thuận của Chi cục Thủy sản theo quy định của pháp luật; Hoạt động giao thông thủy được phép qua lại vô hại nhưng không được dừng tàu thuyền trong vùng lõi bảo vệ; Hoạt động du lịch sinh thái được phép khi có sự giám sát của cộng đồng ngư dân địa phương.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định rõ các hoạt động trong vùng khai thác, sử dụng chung: Điều tra, nghiên cứu khoa học về loài thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản; Khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, du lịch giải trí gắn với hoạt động thủy sản theo quy định của pháp luật; Tuần tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật.
2. Lĩnh vực Đối ngoại
Chiều ngày 10/7, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Chương Trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực tăng cường thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học, đổi mới và phát triển đô thị carbon thấp thông minh và kinh tế tuần hoàn.
Theo biên bản ghi nhớ, UNDP và tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác vào các nội dung, gồm: Tiếp tục hỗ trợ công tác tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương, tập trung vào mô hình nhà ở chống chịu thiên tai; xây dựng và triển khai các kế hoạch hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, bao gồm lồng ghép các thảm họa và rủi ro thiên tai vào các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; hỗ trợ các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước và bảo tồn đa dạng sinh học thông qua việc xúc tiến các mô hình đồng quản lý đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên của cộng đồng và chính quyền địa phương.
Về hoạt động đổi mới và phát triển đô thị carbon thấp thông minh sẽ tập trung vào các nội dung, gồm: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phổ biến Chỉ số Khí hậu Doanh nghiệp đến các doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế; phân tích và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc theo đuổi mô hình doanh nghiệp xanh và đầu tư vào các sản phẩm và chuỗi giá trị xanh, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Triển khai thí điểm hệ thống chia sẻ xe đạp điện/xe đạp và pin tại Huế với khu vực tư nhân, góp phần giảm ô nhiễm và khí nhà kính. Xây dựng năng lực, đào tạo, trao đổi kiến thức và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái sáng tạo thông qua trung tâm đổi mới sáng tạo.
Cung cấp khả năng tiếp cận thông tin thông qua ứng dụng thông minh của đô thị thông minh - Bản đồ thông tin dành cho người khuyết tật để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin về Huế trên các ứng dụng thông minh. Hỗ trợ kinh tế vỉa hè của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thí điểm mô hình quản lý rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại Phá Tam Giang - Cầu Hai; Phát triển mạng lưới kinh tế tuần hoàn tại Huế và kết nối với hệ thống kinh tế tuần hoàn toàn quốc.
3. Lĩnh vực Cải cách hành chính
a) Trong tuần Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các Quyết định số:
- Công bố 06 Danh mục thủ tục hành chính (TTHC) được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Bưu chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế ( QĐ 1665/QĐ-UBND).
- Công bố danh mục 05 thủ tục hành chính (TTHC) được sửa đổi, bổ sung; 02 TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực Quốc tịch thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế QĐ 1712/QĐ-UBND).
- Công bố 09 TTHC được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực Đăng ký biện pháp bảo đảm thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế (QĐ 1713/QĐ-UBND).
- Công bố 16 TTHC được sửa đổi, bổ sung; 02 TTHC bị bãi bỏ trong lĩnh vực Chứng thực thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế (QĐ 1716/QĐ-UBND).
- Công bố 04 Danh mục TTHC trong Lĩnh vực Hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế (1719/QĐ-UBND).
4. Lĩnh vực Văn hóa Xã hội
a) UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 1662/QĐ-UBND ngày 10/7/2020 công bố Quy chế xét chọn và tuyên dương “Học sinh Danh dự toàn trường” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Quy chế này quy định việc xét chọn và tuyên dương học sinh xuất sắc nhất của từng trường phổ thông trên địa bàn tỉnh (từ lớp 1 đến lớp 12 trong các trường phổ thông). Số lượng học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn trường” hàng năm của mỗi trường được xét chọn là 01 học sinh. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học thì mỗi cấp học chọn 01 học sinh.
Theo đó, học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Danh dự toàn trường” là những cá nhân ưu tú nhất được Hội đồng xét chọn của trường lựa chọn từ các học sinh xuất sắc của tất cả các lớp trong toàn trường và được Hội đồng xét chọn các cấp có thẩm quyền công nhận. Cụ thể:
Đối với học sinh tiểu học: Kết quả học tập và rèn luyện cuối năm học được đánh giá tốt nhất về năng lực, phẩm chất; Có nhiều đóng góp trong công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và các phong trào học sinh do cấp trường, cấp huyện/thị xã/thành phố (gọi chung là huyện), cấp tỉnh và cấp trung ương phát động. Ưu tiên cho những học sinh thực hiện nhiều việc làm trong phong trào “Người tốt việc tốt”; học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có khiếm khuyết về thể chất nhưng biết vượt qua để học tập tốt; Đạt giải cao trong các cuộc giao lưu trong học tập, về các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ do các cấp tổ chức; Thực sự là tấm gương sáng về năng lực, phẩm chất và tất cả các hoạt động để học sinh toàn trường noi theo và được Hội đồng xét chọn của trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tuyên dương, khen thưởng.
Đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông: Kết quả cuối năm học được xếp loại Giỏi về học lực và loại Tốt về hạnh kiểm; Có nhiều đóng góp trong công tác Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các phong trào học sinh do cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương phát động. Ưu tiên cho những học sinh thực hiện nhiều việc làm trong phong trào “Người tốt việc tốt”; học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc có khiếm khuyết về thể chất nhưng biết vượt qua để học tập tốt; Đạt giải cao trong các kỳ thi, cuộc thi về chuyên môn, thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến được ứng dụng vào thực tế mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội; Thực sự là tấm gương sáng về năng lực, phẩm chất và tất cả các hoạt động để học sinh toàn trường noi theo và được Hội đồng xét chọn của trường đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh vinh danh, khen thưởng.
b) Sau 4 ngày diễn ra, với số huy chương Vàng và Huy chương bạc cao nhất trên bảng xếp hạng (13/65 HCV, 10/65 HCB, 8/109 HCĐ), Đoàn Thừa Thiên Huế đã xuất sắc giành Giải nhất toàn đoàn và tiếp tục khẳng định vị trí số 1 đối với nội dung này trong khu vực, sau 5 lần liên tiếp dẫn đầu toàn đoàn.
Khởi tranh từ ngày 09/7 đến ngày 12/7 tại Đồng Hới, Quảng Bình, Giải vô địch Karate miền Trung - Tây Nguyên lần V-2020 có sự góp mặt gần 300 vận động viên đến từ 14 tỉnh, thành phố trong khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Tại Giải các VĐV tham gia tranh tài ở 65 bộ huy chương của 04 nhóm tuổi 10 - 11, 12 - 14, 15 - 17 và trên 18 tuổi với 02 nội dung: đối kháng Kumite và biểu diễn quyền Kata.
5. Lĩnh vực Đầu tư xây dựng
a) Ngày 13/7/2020, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1676/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà ở xã hội tại khu tái định cư Bàu Vá, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, Dự án Nhà ở xã hội tại khu tái định cư Bàu Vá, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế được thực hiện với sơ bộ tổng chi phí thực hiện tối thiểu 260 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư) và diện tích khu đất khoảng 8.600 m2; trong đó diện tích xây dựng tối đa: 3.440 m2; diện tích sàn xây dựng tối đa: 31.000m2 (Xây dựng khoảng trên 400 căn hộ nhà ở xã hội và khoảng 80 căn hộ thương mại). Dự án nhằm mục tiêu xây dựng khu chung cư cao tầng, đáp ứng đầy đủ các tiện ích xã hội cho người có thu nhập thấp; giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân đủ điều kiện mua nhà; góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
b) Ngày 07/7, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1637/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị hai bên đường Chợ Mai - Tân Mỹ, thuộc Khu C - Đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm hình thành khu đô thị mới có các thiết chế hạ tầng xã hội; là khu đô thị xanh, đô thị Carbon thấp, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người dân và nhu cầu mua sắm, lưu trú cho khách du lịch khi đến Huế.
Khu đô thị hai bên đường Chợ Mai - Tân Mỹ, thuộc Khu C - Đô thị mới An Vân Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế được thực hiện trên khu đất quy hoạch nằm hai bên tuyến đường Chợ Mai - Tân Mỹ, thuộc Khu C - Đô thị mới An Vân Dương, nằm trên địa bàn xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế với sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 3.766.786 triệu đồng và tổng diện tích khu đất nghiên cứu khoảng 49,5 ha.
6. Lĩnh vực Công thương
a) Thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2020, từ ngày 27/8– 02/9/2020, tại Trung tâm thi đấu thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế (số 01 Hà Huy Tập, thành phố Huế), Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Festival Huế 2020 với quy mô lên đến 500 gian hàng của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước.
Hội chợ sẽ có các ngành hàng như sản phẩm đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm và quà tặng; nông lâm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến; dệt may, giầy da, phụ liệu; Phương tiện giao thông, vận tải và phụ kiện; Hàng công nghiệp (hàng kim khí, điện tử, điện lạnh, vật tư, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất kinh tế khác); Vật liệu xây dựng, trang trí nội thất; Văn hóa phẩm, văn phòng phẩm; Hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống; Khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin; Các loại dịch vụ: ngân hàng, tài chính, bưu chính viễn thông, tư vấn, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư…
Đối tượng tham gia Hội chợ sẽ là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã, các tổ chức xúc tiến thương mại Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành. Về tiêu chí lựa chọn đơn vị tham gia, Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, các doanh nghiệp tham gia phải có uy tín, có năng lực sản xuất, kinh doanh, xúc tiến thương mại; sản phẩm có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị trường và được phép lưu hành theo qui định.
Thời gian đăng ký tham gia Hội chợ là trước ngày 31/7/2020. Hồ sơ đăng ký và thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Trung tâm Xúc tiến thương mại Thừa Thiên Huế. Địa chỉ: 02 Tôn Đức Thắng, phường Phú Hội, thành phố Huế. Điện thoại/fax: 0234.3837840. Người liên hệ: Ông Nguyễn Đức Minh Quang – DĐ: 0963439439, Email: ndmquang.sct@thuathienhue.gov.vn, xttm.sct@thuathienhue.gov.vn.
b) Ngày 14/7/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1711/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm nón lá ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Sản phẩm nón lá mang chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Huế” phải được gắn tem, nhãn sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, các thành viên phải chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình gắn tem, nhãn.
Theo đó, Sản phẩm nón lá mang CDĐL "Huế" gồm: nón lá 3 lớp, nón lá bài thơ; các sản phẩm trung gian như lá nón nguyên liệu, lá nón đã được sơ chế, vành nón; sản phẩm phụ là khuôn (khung) chằm. Dấu hiệu xác nhận CDĐL được bảo hộ là biểu tượng chứng minh CDĐL đã được đăng bạ tại Cục Sở hữu trí tuệ và được gắn trên nhãn sản phẩm nguyên liệu lá, nhãn sản phẩm nón lá và các tài liệu giao dịch liên quan khác.
Để được cấp quyền sử dụng CDĐL "Huế", các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Có hoạt động sản xuất (bao gồm một, một số công đoạn của quá trình sản xuất), kinh doanh nón lá trong khu vực địa danh tương ứng với CDĐL đã được xác định theo quyết định đăng bạ CDĐL “Huế”. Cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm nón lá Huế và các quy định về tem, nhãn sản phẩm trong quá trình sử dụng CDĐL "Huế". Được Hội Nón lá Huế xác nhận đủ điều kiện để sản xuất nón lá mang CDĐL "Huế". Cuối cùng là, bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở tự công bố cho sản phẩm nón lá phù hợp với các chỉ tiêu chất lượng chính của nón Huế tại Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Huế” đối với sản phẩm nón lá ban hành kèm theo Quyết định số 1347/QĐ-SHTT ngày 19/7/2010 của Cục Sở hữu trí tuệ.
7. Lĩnh vực Nội chính
Ngày 15/7/2020, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1718/QĐ-UBND điều động ông Trương Phước Tuấn, Chánh Văn phòng Sở Tài chính, đến nhận công tác Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Thời hạn giữ chức vụ là 05 năm, kể từ ngày 15/7/2020 đến ngày 14/7/2025.
8. Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020
a) Một số chỉ tiêu chủ yếu về KT-XH 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt một số kết quả như sau:
TT
|
Chỉ tiêu chủ yếu
|
TH 6T/2019
|
Ước TH 6T đầu năm 2020
|
Ước TH
|
So cùng kỳ(%)
|
KH 2020(%)
|
1.
|
Tốc độ tăng GRDP (%)
|
6,87
|
0,38
|
|
7,5-8,0
|
|
Tr.đó: - Nông Lâm Ngư nghiệp (%)
|
2,19
|
0,84
|
|
2,28
|
|
- Công nghiệp-Xây dựng (%)
|
9,29
|
3,61
|
|
10,56
|
|
- Dịch vụ (%)
|
6,37
|
-2,26
|
|
6,9
|
|
- Thuế SP. trừ trợ cấp SP. (%)
|
7,73
|
4,13
|
|
5,58
|
2.
|
Tổng vốn đầu tư TH toàn XH (tỷ đồng)
|
9.950
|
10.870
|
Tăng 9,93%
|
27.000
|
3.
|
Thu ngân sách (tỷ đồng)
|
3.822,5
|
4.015
|
Tăng 5,0%
|
53%DT
|
4.
|
Chỉ số phát triển công nghiệp IIP (%)
|
9,38%
|
3,05%
|
|
|
5.
|
Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (tỷ đồng)
|
20.842
|
19.669
|
Giảm 5,7%
|
41%KH
|
6.
|
Doanh thu doanh nghiệp du lịch (tỷ đồng)
|
2.320
|
1.120
|
Giảm 47%
|
22%KH
|
7.
|
Giá trị xuất khẩu (triệu USD)
|
573
|
293
|
Giảm 49%
|
35,2%KH
|
8
|
Tạo việc làm mới (người)
|
8.680
|
2.607
|
Giảm 70%
|
15%KH
|
b) Tình hình thu hút đầu tư
Ước 6 tháng đầu năm 2020, có 500 doanh nghiệp và cơ sở trực thuộc thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 125 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 300 doanh nghiệp; giải thể 47 doanh nghiệp.
Đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án đầu tư mới[1] với tổng vốn đăng ký khoảng 3.800 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 270 tỷ đồng (11,41 triệu USD). Đặc biệt có 02 dự án lớn: Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Bách Việt với mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) vốn đầu tư 700 tỷ đồng dự kiến đầu năm 2021 sẽ đưa máy bay vào cất cánh thương mại.
Đã điều chỉnh 16 dự án, trong đó 07 dự án giãn tiến độ, 03 dự án tăng vốn với vốn tăng thêm 184 tỷ đồng. Thu hồi 01 dự án đầu tư xây dựng Chợ đầu mối Phú Hậu. Đã ban hành danh mục 10 dự án khởi công trong năm 2020, đến nay đã có 04 dự án khởi công, đang tiếp tục thực hiện thủ tục hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án.
Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm, đến nay, đã xây dựng thông tin gần 200 dự án, trong đó có 16 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.
II. CÁC CHÍNH SÁCH, CHỈ ĐẠO NỔI BẬT TRONG TUẦN 29
UBND tỉnh đã ban hành các văn bản:
Quyết định:
- Số 40/2020/QĐ-UBND ngày 8/7/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định mức thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Số 1662/QĐ-UBND ngày 10/7/2020 về việc ban hành Quy chế xét chọn và tuyên dương “Học sinh Danh dự toàn trường” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Số 1675/QĐ-UBND ngày 13/7/2020 về việc ban hành Kế hoạch phối hợp Ứng phó sự cố tai nạn Hàng không dân dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Số 1677/QĐ-UBND ngày 13/7/2020 về việc ban hành Kế hoạch thí điểm quản lý Hành lang đa dạng sinh học kết nối Khu bảo tồn Sao La và Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Số 1688/QĐ-UBND ngày 13/07/2020 về việc kiện toàn Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIII, năm 2020.
- Số 41/2020/QĐ-UBND ngày 13/07/2020 về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp sau khi thu hồi của các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý trên địa bàn tỉnh.
- Số 42/2020/QĐ-UBND ngày 15/07/2020 ban hành Quy chế phối hợp quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Công văn:
- Số 6003/UBND-YT ban hành ngày 11/7/2020 về việc thực hiện Thông báo số 219/TB-VPCP ngày 30/6/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.
- Số 6024/UBND-NN ngày 13/7/2020 về việc tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Kế hoạch
- Số 166/KH-UBND ngày 14/7/2020 triển khai thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
- Số 167/KH-UBND ngày 14/07/2020 về việc tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012 – 2020.
(Toàn bộ nội dung các văn bản được đăng tải tại địa chỉ: https://thuathienhue.gov.vn/vi-vn/thu-vien-van-ban)
III. CÁC SỰ KIỆN, HỘI NGHỊ LỚN TRONG TUẦN TỚI
- Lễ ra mắt Dự án tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F - Ngày 18/7/2020;
- Hội nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì làm việc với 06 tỉnh Miền Trung tại Đà Nẵng - Ngày 18/7/2020;
- Đại hội đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế - Ngày 19/7/2020;
IV. GIẢI ĐÁP CÁC KIẾN NGHỊ CỦA CÁC CƠ QUAN THÔNG TẤN BÁO CHÍ ĐÃ TIẾP NHẬN TRONG CÁC TUẦN TRƯỚC
1. Vấn đề Báo Thanh niên nêu:
Đề nghị VP UBND tỉnh cung cấp thông tin về Festival 04 Mùa hoa
Trả lời:
Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Trung tâm Festival Huế hoàn chỉnh Đề án. VP UBND tỉnh sẽ thông tin cụ thể khi hoàn chỉnh Đề án.
2. Đối với vấn đề Truyền hình Nhân dân nêu:
Có hay không việc UBND tỉnh chi ngân sách 350 triệu đồng cho huyện Phú Vang thực hiện dự án Bích hoạ ở xã Phú Thượng?
Trên cơ sở trả lời của Sở Tài chính, UBND tỉnh trả lời:
- Qua kiểm tra các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, thì không công trình nào mang tên “Dự án Bích họa ở xã Phú Thượng" như truyền hình Nhân dân nêu.
- Tuy nhiên, xã Phú Thượng là một trong 13 xã nông thôn mới được chọn để triển khai xây dựrng thí điểm xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020 tại Kế hoạch số 11/KH- UBND ngày 16/01/2019 của UBND tỉnh. Năm 2020, xã Phú Thượng được HĐND, UBND tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư công trình Xây dựng tuyển đường kiều mẫu thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng (theo Quyết định số 3096/QĐ-UBND ngày 03/12/2019 của UBND tỉnh) với quy mô chiêu dài đường khoảng 500m, đỗ bù mặt đường, sơn tường, làm mới bốn hoa, trồng cây cảnh; tổng mức đầu tư khoảng 520 triệu đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 350 triệu đồng; vốn đối ứng của ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp 170 triệu đồng. UBND huyện Phú Vang đã phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 03/4/2020 để tổ chức triển khai thực hiện.
3. Đối với vấn đề Báo Công an Nhân dân nêu:
Nhiều năm trước, khi thực hiện dự án thủy điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) và thủy điện A Lưới (huyện A Lưới), chính quyền địa phương đã thu hồi hàng trăm héc ta đất của người dân. Trong đó dự án thủy điện Thượng Nhật thu hồi hơn 200 ha đất rừng của dân. Dù chủ đầu tư dự án đã đền bù, hỗ trợ nhưng hiện cuộc sống của người dân ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất. Xin hỏi UBND tỉnh có phương án, chính sách nào để giải quyết cấp thêm đất sản xuất cho người dân hay không?
Trên cơ sở trả lời của huyện Nam Đông, UBND tỉnh trả lời:
Năm 2008, dự án Thủy điện Thượng Nhật bắt đầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng khu vực đầu mối nhà máy Thủy điện với diện tích 20,97 ha (trong đó thu hồi khoảng 15,20 ha đất sản xuất của người dân). Diện tích này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số phát hành CA 665170, số vào sổ CT 06001, thửa đất số 844, tờ bản đồ số 01, địa chỉ thửa đất: xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mục đích sử dụng đất: Đất công trình năng lượng. Thời hạn sử dụng đất: Đến ngày 03/9/2058.
Năm 2017, theo số liệu đo đạc của Trung tâm kỹ thuật Tài Nguyên và Môi Trường: Diện tích xin giao khu lòng hồ Thủy điện Thượng Nhật: 124,45 ha (trong đó thu hồi khoảng 103,97 ha đất sản xuất của người dân). Công trình đấu nối đường dây điện 35kv Thủy điện Thượng Nhật vào hệ thống lưới điện quốc gia, diện tích xin giao 0,02 ha đất sản xuất của người dân.
Như vậy tổng diện tích đất sản xuất của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thủy điện Thượng Nhật là 119,19 ha.
Công tác bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng Nhà máy thủy điện Thượng Nhật đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện tại, UBND xã Thượng Nhật đang trong quá trình phối hợp với các ban ngành liên quan cấp huyện thực hiện rà soát lại các loại đất để xây dựng phương án đề nghị giao lại đất cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình thiếu đất sản xuất do bị ảnh hưởng bởi dự án Thủy điện Thượng Nhật nói riêng và các hộ gia đình thiếu đất sản xuất trên địa bàn xã nói chung.
UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Nam Đông, UBND xã Thượng Nhật rà soát các loại đất, có phương án giao lại đất cho các đối tượng theo quy định của pháp luật.
4. Đối với vấn đề Báo Văn hóa nêu:
Tháng 03/2020, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Quân khu 4. Tại buổi làm việc, tỉnh đã đề xuất sớm di dời một số cơ quan quân sự (thuộc Quân khu 4) ra khỏi phạm vi khoanh vùng 01 bảo vệ di tích kinh thành Huế, cụ thể ở đây là khu vực Mang Cá. Đề xuất đã được sự đồng tình của Quân khu 4. Vậy xin hỏi đã có kế hoạch cho công tác di dời này như thế nào rồi? Dự kiến bao giờ hoàn thành?
Trên cơ sở trả lời của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND tỉnh trả lời:
- Sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhận được Công văn số 1841/BQP-TM ngày 27 tháng 5 năm 2020 của Bộ Quốc phòng về việc di dời các đơn vị tại khu vực Mang Cá và bàn giao đất cho địa phương quản lý để tu bổ, tôn tạo khu Di tích Kinh thành Huế thì UBND tỉnh đã nhanh chóng triển khai cho các Sở ban ngành của tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh kiểm tra rà soát các điểm đất phục vụ cho di dời Sở Chỉ huy Mang cá và đã thống nhất được phương án bố trí các khu đất cho việc di dời.
- Phương hướng thực hiện các bước cho đầu tư xây dựng trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
- Dự kiến tháng 8/2020, báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án doanh trại Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Dự kiến tháng 8/2020, trình Quân khu phê duyệt Quy hoạch mặt bằng tổng thể Bộ CHQS tỉnh và các đại đội trực thuộc ra vị trí mới.
- Dự kiến tháng 9/2020, báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt bản vẽ thiết kế cơ sở và kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đợt 1) công trình Doanh trại Bộ CHQS tỉnh.
- Dự kiến tháng 11/2020, trình Bộ Quốc phòng phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán; kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đợt 2) công trình Doanh trại Bộ CHQS tỉnh.
- Dự kiến quý I/2021, tổ chức lựa chọn nhà thầu và đấu thầu triển khai thi công các hạng mục công trình của doanh trại Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế.
- Dự kiến quý III/2022, cơ bản hoàn thành 60% các hạng mục công trình.
- Dự kiến cuối quý IV/2023, hoàn thành công trình bàn giao đưa vào sử dụng.
Sau khi xây dựng xong Sở Chỉ huy và các đại đội trực thuộc thì Bộ CHQS tỉnh và Bệnh viện Quân Y 268 sẽ tiến hành bàn giao đất Quốc phòng cho địa phương, trước mắt giữ nguyên hiện trạng các công trình Quốc phòng, trong quá trình trùng tu, tôn tạo di tích, tùy mức độ ảnh hưởng thì Bộ CHQS tỉnh và Bệnh Viên Quân Y 268 sẽ báo cáo Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật.
5. Đối với vấn đề Báo Tiền phong nêu:
Hiện nay, nhiều địa phương đã thông tin về số lượng cán bộ, lãnh đạo các cấp nghỉ hưu trước tuổi do không đủ tuổi tham gia cấp ủy nhiệm kỳ mới, sau Đại hội Đảng các cấp. Xin hỏi: tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện nay số lượng cán bộ diện này các cấp (đặc biệt là cấp huyện và cấp tỉnh) là bao nhiêu? Việc giải quyết chế độ, chính sách theo quy định Nhà nước đối với những cán bộ nghỉ hưu trước tuổi được thực hiện như thế nào? Thừa Thiên Huế có cơ chế đặc thù nào không trong giải quyết chế độ chính sách đối với đối tượng cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu sớm này?
Trên cơ sở trả lời của Sở Nội, UBND tỉnh trả lời:
* Về số lượng cán bộ, lãnh đạo các cấp nghỉ hưu trước tuổi:
Thực hiện Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 quy định chế độ chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế; tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi cho 05 cán bộ cấp huyện (Nam Đông: 01; Phú Vang: 02; Phong Điền: 02) và 58 cán bộ cấp xã (Phú Lộc: 05; Phong Điền: 06; Phú Vang: 06; Hương Trà: 08; A Lưới: 06; Quảng Điền: 06, Hương Thủy: 09; Thành phố Huế: 12).
Dự kiến trong thời gian đến, tỉnh sẽ giải quyết thêm một số trường hợp cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có nguyện vọng thực hiện nghỉ hưu trước tuổi do không đủ tuổi tái cử các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 theo quy định.
* Về thực hiện chế độ chính sách nghỉ hưu trước tuổi:
Việc giải quyết chế độ, chính sách đối với những cán bộ nghỉ hưu trước tuổi được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 26/2015/NĐ-CP; Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 20/12/2019 của Ban Tổ chức Trung ương và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ; Thông tư Liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14 tháng 4 năm 2015 của Liên Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính… và các văn bản hướng dẫn cụ thể của UBND tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ…
* Về cơ chế đặc thù của tỉnh trong việc giải quyết chế độ chính sách:
Để tạo điều kiện hỗ trợ chính sách trong việc giải quyết các chế độ nghỉ hưu trước tuổi, ngày 19/8/2019, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ, với các nội dung sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, ngoài việc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức; về chế độ thôi việc; về chính sách tinh giản biên chế và các chính sách khác, được hỗ trợ thêm 06 tháng tiền lương và phụ cấp hiện hưởng.
- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã và dôi dư do thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP được trợ cấp 03 tháng tiền phụ cấp hiện hưởng để tìm việc làm và trợ cấp 1,5 tháng tiền phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác.
6. Đối với vấn đề Báo Thương hiệu và Công luận nêu:
a) Còn hơn 01 tháng nữa sẽ diễn ra Festival Huế 2020, tuy nhiên công tác truyền thông quảng bá cho Festival Huế 2020 còn thiếu thông tin. Đề nghị Trung tâm Festival Huế tổ chức họp báo để định hướng và cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí. Có nhiều đơn vị tài trợ cho Festival Huế 2020 vì cho rằng đây là Festival quốc tế, việc chuyển hướng từ Festival quốc tế sang Festival nội địa do đại dịch Covid-19, Tỉnh đã có thông tin gì đối với các nhà tài trợ chưa?
Trên cơ sở trả lời của Trung tâm Festival Huế, UBND tỉnh trả lời:
- Về việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, Ban Tổ chức Festival Huế đang xây dựng chương trình nghệ thuật chi tiết với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và các nhóm nhạc đang hoạt động tại Việt Nam do các Đại sứ quán đề cử tham gia. Ngoài ra còn có các chương trình đồng hành, hưởng ứng, văn hóa nghệ thuật cộng đồng và các chương trình xã hội hóa. Ban tổ chức hiện đang trong giai đoạn hoàn tất các cam kết từ các đối tác để chính thức đưa vào chương trình và sẽ công bố trong tháng 07/2020. Trung tâm Festival luôn cập nhật thông tin mới nhất trên website chính thức, fanpage và gửi thông tin Festival Huế 2020 qua email cho các báo.
- Về sự tham gia của các đoàn nghệ thuật quốc tế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phía các Đại sứ quán cũng đã có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới, cụ thể: một số Đại sứ quán (Pháp, Indonesia, Tây Ban Nha) đã có phương án cử nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật tại Việt Nam để tham gia Festival Huế 2020.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”, sẽ có hoạt động diễu hành trình diễn trang phục truyền thống của các nước ASEAN với sự tham gia hỗ trợ của Đại sứ quán các nước khối ASEAN với thông điệp ASEAN 2020: Gắn kết và chủ động thích ứng, đồng thời, khẳng định Việt Nam với vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á 2020 và Huế là thành phố văn hóa của ASEAN.
- Đối với các đơn vị tài trợ, Ban tổ chức Festival Huế đã có công văn số 110/BTC-GD ngày 17 tháng 6 năm 2020 về việc thông báo tình hình chuẩn bị tổ chức Festival Huế 2020 đến các nhà tài trợ cho Festival Huế 2020 và vẫn luôn giữ việc thông tin liên lạc thường xuyên với các nhà tài trợ này. Phần lớn các nhà tài trợ xác nhận sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng Festival Huế 2020.
UBND tỉnh đã làm việc với một số đơn vị như: TikTok, các fanpane có nhiều lượt người theo dõi, các công ty truyền thông để phối hợp tăng cường quảng bá cho Festival Huế 2020. Cụ thể: đã phối hợp với Công ty TNHH Carlsberg lên Maket tuyên truyền quảng bá trực quan trên hệ thống xe buýt, taxi của 8 tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Ngãi. Ngoài ra xây dựng các TVC kết hợp với TVC của Công ty Carlsberg quảng bá trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế và đang thúc đẩy phần quảng cáo mà Carlsberg cam kết tài trợ để thực hiện theo tiến độ đã thống nhất mà Công ty đã tài trợ cho Ban tổ chức.
Hiện nay có 14 đơn vị báo chí, đài truyền hình bảo trợ thông tin cho Festival Huế 2020 đã công văn chính thức của 14 đơn vị báo chí như: Báo Nhân dân; Thông tấn xã Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Báo Tuổi trẻ; Báo Lao động; Báo Thanh niên; Báo Văn hoá; Báo Sài Gòn giải phóng; Báo Dân trí; Báo Thừa Thiên Huế; Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế (TRT); Báo Tổ Quốc; Báo Tài Nguyên Môi Trường; Báo Nhà báo và Công Luận. Và tiến hành liên hệ các đơn vị còn lại, dự kiến là 17 đơn vị bảo trợ thông tin cho Festival Huế 2020.
Hiện tại Trung tâm đang phối hợp với Công ty CYB tại Huế để tổ chức các hoạt động truyền thông mạng trên tinh thần xã hội hóa, nhằm thu hút sự chú ý của công chúng thông qua các hoạt động như cuộc thi Vlogger "HUẾ - SINCE 2020" giới thiệu về: Du lịch - Ẩm thực - Lễ hội - Đời sống, xây dựng các nội dung quảng bá trên nền tảng social media cũng như các sự kiện tiền Festival.
Hoạt động quảng bá trực quan đang được triển khai: hệ thống pano tấm lớn tại Huế và các tỉnh miền Trung - Tây nguyên, chiếu các video clip giới thiệu về Festival Huế 2020 trên các màn hình Led tại Đà Nẵng và Huế; hệ thống pano tấm nhỏ sẽ bắt đầu tăng dần từ giữa tháng 7.
Ngoài ra, còn phối hợp với HueCIT nâng cấp website và App di động, xây dựng phần mềm dữ liệu khách hàng cho mục tiêu marketing trong tương lai...
b) Nhiều đơn vị tổ chức Hội chợ cho rằng tiền cho thuê mặt bằng tại các điểm hội chợ (Trung tâm thi đấu thể thao, Công viên Thương Bạc, Trung tâm VHTT...) mỗi lần khoảng 10 ngày hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra còn có những chi phí không chính thức khác. Đề nghị các cơ quan quản lý cần công khai giá cho thuê các điểm hội chợ để doanh nghiệp có thể hạch toán được chi phí đầu tư của mình, đồng thời đảm bảo nguồn thu được vào ngân sách.
Trên cơ sở trả lời của Sở Công thương, UBND tỉnh trả lời:
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có Trung tâm hội chợ triển lãm, nên việc tổ chức các hội chợ phải thuê các mặt bằng của các đơn vị: Trung tâm thi đấu thể thao tỉnh, Công viên Thương Bạc, (Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh hiện nay Tỉnh có chỉ đạo không tổ chức hội chợ); các Hội chợ do Sở Công Thương tổ chức theo các Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia và Khuyến công Quốc gia, việc tổ chức giàn dựng mặt bằng được giao cho Đơn vị tổ chức sự kiện trúng thầu thực hiện, việc thuê mặt bằng này do Đơn vị tổ chức sự kiện trúng thầu hợp đồng với các Đơn vị quản lý mặt bằng hạch toán chi phí này không thuộc sự quản lý của Sở Công Thương. Các chi phí thuê dịch vụ khác như: vệ sinh, điện, nước,... do đơn vị tổ chức sự kiện trúng thầu hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ.
Một số vấn đề khác các cơ quan báo chí hỏi đã được tiếp nhận và chuyển cho các cơ quan chức năng trả lời. Sau khi các đơn vị được giao nhiệm vụ báo cáo UBND tỉnh, VP UBND tỉnh sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho cho các cơ quan thông tấn báo chí./.
VĂN PHÒNG UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ