1. Vị trí con đường
Đường Đặng Thái Thân nằm trên địa bàn phường Thuận Thành và Thuận Hòa, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đoàn Thị Điểm, qua ngã tư Phùng Hưng đến đường Lê Huân, dài 751m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này có từ đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành, là một trong bốn đường quan trọng của Hoàng thành. Lúc đầu có tên là đường Củng Thần, sau đổi là đường Hòa Bình, tên này kéo dài cả trăm năm. Tháng 1/1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Đặng Thái Thân.
3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Đặng Thái Thân (Quý Dậu 1873 - Canh Thân 1910) là nhà yêu nước thời cận đại, hiệu Ngư Hải, Ngư Ông; quê ở làng Hải Côn, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; là học trò xuất sắc của cụ Đặng Nguyên Cẩn. Ông đỗ đầu xứ nên gọi là Xứ Đặng, ông cũng là học trò và đồng chí của Phan Bội Châu. Ông là thành viên lập ra Hội Duy tân, ủng hộ phong trào Đông du, là người phụ trách, chuyên lo công việc của Hội Duy tân từ Huế trở ra như bố trí cho người xuất dương. Năm Mậu Thân, 1908, nhân có phong trào kháng thuế ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, thực dân Pháp ra tay bắt bớ khá nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, ông rút vào núi hoạt động. Năm 1910, ông lẻn về hoạt động tại làng Phan Thôn thì bị địch vây, thế cùng ông đã dùng súng chống cự quyết liệt và đã hy sinh anh dũng tại Phan Thôn (nay thuộc xã Nghi Lim), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hưởng dương 37 tuổi. Thương xót ông vô hạn, nhiều đồng chí, đồng bào, sĩ phu Nghệ Tĩnh đã tổ chức tang lễ và viếng ông đôi câu đối: "Hai hòn ngun ngút, bạn cũ về, đâu về? Trải mười năm cay đắng đủ mùi, mình vì đó mà ốm, máu vì đó mà khô, rong ruổi non sông chìm sóng gió. Một tiếng nổ rầm, hồn nước tỉnh, chưa tỉnh? Ngoài ngàn dặm bước đường phiêu lạc, chú nghe tin mà buồn, thầy nghe tin mà khóc, hò reo hào kiệt cạnh đàn gươm". Trong Ngục Trung Thư, Phan Bội Châu đã viết: "Đặng Quân vốn người hăng hái, gan dạ, nhân phẩm lại cao, trải mười năm vừa là thầy vừa là bạn tôi". Đàn Âm Linh, Bình An Đường (xem như là trạm xá - nơi đây dùng để điều trị bệnh cho những người bệnh từ trong nội cung đưa ra - công trình này vào tháng 11/2003 đã được Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế đang cho sửa chữa lại), Đình cổ phường Trung Hậu, Trường Tiểu học Thuận Thành nằm trên đường này.