Cửa Ngăn
  

1. Vị trí con đường

Đường Cửa Ngăn nằm trên địa bàn phường Phú Hòa và Thuận Thành, khởi đầu từ đường Lê Duẩn (ngoài Kinh thành - đoạn gần cầu Phú Xuân), qua cầu Cửa Ngăn bắc ngang Hộ Thành hào, lòn qua cửa Thể Nhơn đến đường Hai Mươi Ba Tháng Tám (trong Kinh thành, gần phía bên trái cửa Ngọ Môn), dài 276m. Đường này chỉ được lưu thông một chiều từ ngoài vào Thành nội.

2. Lịch sử con đường

Đường Cửa Ngăn có từ năm 1804, mở cùng thời gian xây dựng Kinh thành Huế, nó chiếm một vị trí quan trọng trong việc phục vụ nhà vua và triều đình. Tháng 5 (âm) năm 1820, vua Minh Mạng cho đặt tên đường phố ở Kinh thành, sách Thực Lục Chính Biên chép rằng: "Từ cửa Thể Nguyên về Bắc đến mặt Nam Hoàng thành làm đường cái Thể Nguyên". Từ sau 1945, đường này không có tên chính thức nên dân gian tùy ý mà gọi. Đến năm 1996, đường được mang tên đường Cửa Ngăn.

3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường

Cửa Ngăn Là tên một cửa của Kinh thành Huế, nằm về phía Nam bên trái Kỳ Đài, nguyên tên là Thể Nguyên, năm 1829 xây vọng lầu bên trên cửa vòm, vua Minh Mạng sai đổi gọi là Thể Nhân (hoặc Nhơn) song dân gian thường gọi là Cửa Ngăn, vì mỗi khi vua và cung phi đi lối này từ Đại Nội ra Phu Văn Lâu, nhà Lương Tạ để hóng mát hoặc tắm sông thì quân lính ngăn không cho thường dân đi lại. Để ghi nhận cái tên dân gian trở thành phổ thông hóa, chính quyền địa phương lấy tên Cửa Ngăn để đặt tên cho đoạn đường chạy lòn qua vọng lầu của cửa này là đường Cửa Ngăn. Bên đường này phía trong thành có đặt 5 khẩu súng Thần công gọi là Hữu đại tướng quân gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Một góc đường Cửa Ngăn

 Bản in]