1. Vị trí con đường
Đường Chùa Ông nằm trên địa bàn phường Phú Cát, về phía Đông Kinh thành Huế, khởi đầu từ đường Ngự Viện (phía sau chùa Thuận Hóa) đến đường Mạc Đỉnh Chi, dài 130m. Đường lưu thông hai chiều.
2. Lịch sử con đường
Đường này có từ thế kỷ 19, ban đầu chỉ là đường đất nhỏ, sau nhờ có các ông hoàng, bà chúa về vùng này dựng phủ lập vườn, đường sá ở đây mới được mở mang, năm 1908 sát nhập vào thành phố. Trước 1945 là một đoạn nối dài của đường Ô Hồ. Trước 1976 là đường Mạc Đỉnh Chi (nối dài) thuộc phường Phú An. Năm 1996, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định đặt lại tên là đường Chùa Ông.
3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường
Chùa Ông là tên một ngôi chùa thờ Thánh, cũng gọi là điện (hiện là chùa Thuận Hóa), nằm trên đất ấp Xuân Lộc xưa, nay thuộc phường Phú Cát, thành phố Huế. Ca ngợi cảnh đẹp ở chốn thần kinh xưa, dân gian thường truyền tụng câu: "Tháp bảy tầng, Thánh miếu, Chùa Ông /Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa." Nguyên xưa Chùa Ông là ngôi nhà phụ vào một bên chùa Thiên Mụ, năm Thiệu Trị thứ 5, 1845 cho dời về ở phía Đông sông Đông Ba bên phải chùa Diệu Đế. Chùa thờ nhân vật trung nghĩa Quan Công tức Quan Vân Trường, sinh năm 162 mất năm 219 sau Tây lịch, người thời Tam Quốc nước Trung Hoa, sau giao chiến với Đông Ngô bị bắt rồi bị chém, nhưng thường hiện hình phò trợ quân sĩ nước Thục, sau được phong Thánh rất hiển linh. Thơ xưa viết rằng: "Một vùng chính khí lưu hình khoảng trong trời đất, nhật tinh sơn hà Hạo nhiên ở tại người ta Tất vuông son sắt hiện ra khi cùng." Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cảnh lao tù ở Liễu Châu thời Trung Hoa Dân quốc cũng đã ca ngợi chí khí của Quan Vân Trường qua bài Tức cảnh in trong tập Nhật Ký Trong Tù có hai câu sau: "Cành lá khéo in hình Dực Đức Vầng hồng sáng mãi dạ Quan Công." Chính quyền địa phương đã lấy tên cũ Chùa Ông để đặt tên cho đường phố cạnh đấy. Nhà thờ Tổ Kim hoàn xứ Thuận Hóa - di tích lịch sử cấp quốc gia, Phủ An Thành Vương (con trai út của vua Minh Mạng) nằm trên đường này.
|
Một góc đường Chùa Ông |