(CTTĐT) - Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), trong đó, chú trọng tập trung đầu tư vào các thiết chế phát triển tiềm lực, nhân lực KH&CN, đẩy mạnh nghiên cứu - thử nghiệm, phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội...Đặc biệt, Thừa Thiên Huế xác định phát triển KH&CN phải hướng trọng tâm vào doanh nghiệp, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; Doanh nghiệp là chủ thể của hoạt động ứng dụng KH&CN.
Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 6000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó hơn 99% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Phần lớn các doanh nghiệp ở địa phương đều có năng suất, chất lượng hoạt động sản xuất kinh doanh thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường chưa cao, thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, rất ít doanh nghiệp có bộ phận nghiên cứu phát triển thị trường do vậy, việc cải tiến, đổi mới công nghệ, thiết bị còn nhiều hạn chế. Thông qua việc tham gia chương trình quốc gia, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước cho những hoạt động có tính rủi ro cao nhất trong dự án KH&CN, đồng thời được kết nối với các viện nghiên cứu hoặc trường đại học có năng lực nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp giải quyết bài toán công nghệ của họ để đưa các sản phẩm ra thương mại hóa. Đây cũng là hình thức chuyển giao công nghệ, tri thức từ viện, trường cho doanh nghiệp, lấp vào khoảng cách giữa viện, trường và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống KT-XH, các nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh vẫn được tích cực triển khai và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua.
Giai đoạn từ năm 2018-2022, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện 22 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cụ thể: 9 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; 01 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia thuộc Chương trình KC.01.26/16-20; 03 dự án thuộc Chương trình quỹ gen; 06 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; 01 nhiệm vụ thuộc Đề án 844 và 02 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Các nhiệm vụ KHCN đã phát huy hiệu quả kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở địa bàn triển khai dự án, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Thông qua việc triển khai các dự án, những công nghệ được lựa chọn chuyển giao áp dụng là những công nghệ tiên tiến hơn so với công nghệ hiện có ở địa phương, giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết các vấn đề về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, như phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, bò chất lượng cao, ..; giúp nâng giá trị thương hiệu sản phẩm từ các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Các Chương trình đã góp phần cùng với Chương trình Nông thôn mới, khuyến nông, khuyến ngư phát triển các sản phẩm hàng hóa có lợi thế ở vùng nông thôn và miền núi, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân ở vùng triển khai dự án. Sự phát triển các sản phẩm hàng hóa này có được là nhờ vào việc chú trọng công tác quảng bá, phổ biến tập huấn quy trình, tham quan học tập các mô hình trình diễn,...Từ những mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất với các sản phẩm nông nghiệp cụ thể được lựa chọn, một số dự án đã thực sự tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kết quả dự án đã được duy trì và nhân rộng, làm tiền đề cho các chương trình phát triển KT-XH khác của địa phương.
Các dự án thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia đang triển khai tập trung giải quyết việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ, đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân, ứng dụng công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình, ngƣời dân làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiên thích hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trên cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng KH&CN, chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi gắn với bảo quản, chế biến và tạo lập thị trƣờng trong nƣớc và xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa.
Hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm chuyển giao và đổi mới công nghệ
Theo, TS. Hồ Thắng-Giám đốc Sở KH&CN, hoạt động nghiên cứu KH&CN có nhiều chuyển biến tích cực, chú trọng chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm chủ lực ở địa phương, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.... Việc tham gia thực hiện các mô hình sản xuất, đã góp phần hình thành tập quán canh tác, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, bảo vệ môi trường, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực. Bên cạnh đó, hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến,...đã giúp các doanh nghiệp, các làng nghề có được đội ngũ nhân lực, chuyên gia về năng suất, chất lượng, sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ.
Có thể nói việc triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia là một trong những hành động cụ thể đầu tiên để thể hiện quan điểm lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Các Chương trình này đã góp phần vào quá trình dịch chuyển, mở ra một hướng mới đó là tài trợ cho mối liên kết giữa viện, trường với các doanh nghiệp và kết quả đầu ra là các sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao trên thị trường.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, mỗi địa phương đều có cách làm riêng trong thực hiện chiếc lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các địa phương cần tăng cường liên kết với các tỉnh bạn, với các trường, viện và doanh nghiệp để khai khác và hình thành các sản phẩm đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của vùng về đổi mới sáng tạo góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng các cơ chế, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp khoa học công nghệ; đẩy mạnh việc khai thác các tiềm năng thế mạnh của địa phương trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xác định KHCN là trụ cột để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và ĐMST là nội dung rất quan trọng trong sự nghiệp phát triển KHCN và các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, hướng hàm lượng KHCN vào DN, thúc đẩy DN tham gia ĐMST để đóng góp phát triển kinh tế trực diện. Ngoài ra, tỉnh sẽ huy động cơ chế phối hợp 3 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học (nhà trường) - DN để phát triển ĐMST gắn với khởi nghiệp, cũng như tăng liên kết, hợp tác với các tỉnh, khu vực trong ĐMST để mở rộng phạm vi thực hiện, ứng dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của miền Trung và cả nước.