Đôi điều về Festival nghề truyền thống 2015
  
Festival Nghề truyền thống Huế diễn ra vào các năm lẻ đã để lại nhiều ấn tượng, sức hấp dẫn đối với người dân Huế cũng như du khách.

Cùng với các hoạt động lễ hội là các cuộc hội nghị, hội thảo, là cơ sở để hoạch định chương trình dài hơi nhằm phát huy, phát triển, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mở ra một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng trong giao lưu và thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ; làm rõ hơn vị trí của một trung tâm văn hóa du lịch đặc sắc của đất nước...

Tiếng lành đồn xa

Một thời gian dài Huế là kinh đô của đất nước. Với sức hút của nó, Huế thu hút nhiều nhân tài vật lực của đất nước đã hình thành nhiều ngành nghề truyền thống như đúc đồng, thêu, mộc, chạm khảm, kim hoàn, gốm sứ, đan lát... Và khi nói đến sản phẩm hàng tiểu thủ công mỹ nghệ truyền thống, người ta thường nghĩ đến những sản phẩm sang trọng, độc đáo, tinh xảo, có giá trị nghệ thuật cao. Trong suy nghĩ của nhiều người, đây là điều Huế cần hướng đến tạo nên sự khác biệt giữa Cố đô và các địa phương khác.


Sản phẩm gốm Bát Tràng tham dự Festival Nghề truyền thống Huế 2013. (Ảnh: HG-NetCodo)

Có thể nói, qua các kỳ Festival Nghề truyền thống, Huế đã thu hút sự chú ý của cả nước với sự họp mặt các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống trong cả nước. Ngành nghề truyền thống Huế từng bước được phục hồi và trong chừng mực nào đó đã tạo được thương hiệu cho riêng mình. Hiện nay, các chuông lớn được đúc trên cả nước phần lớn được thực hiện bởi các nghệ nhân Phường Đúc. Ở các hội chợ trong và ngoài tỉnh, ở đâu có gian hàng phấn nụ Cung đình là ở đó thường đông khách và luôn bị cháy hàng. Các mặt hàng tôm chua, mè xửng luôn là mặt hàng được du khách chú ý trong mua sắm quà tặng. Từ Minh Mạng thang, đến nay các sản phẩm rượu gạo Thủy Dương, rượu Làng Chuồn được vực dậy.

Nâng tầm thương hiệu

Hàng thủ công mỹ nghệ Huế bước đầu đã tạo được thương hiệu nhưng tầm vóc của thương hiệu như thế nào thì đây là điều mà thành phố phải tính đến. Và có thể nói, thiếu sự bắt tay thật sự của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nghệ nhân thì thương hiệu có đặc sắc đến đâu cũng khó phát huy được tác dụng, khó có được sự đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là xuất khẩu tại chỗ.


Festival Nghề truyền thống Huế đã thu hút sự họp mặt các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống. (Trong ảnh: nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc trình diễn nghề tại Festival Nghề truyền thống Huế 2013. Ảnh: HG-NetCodo)

Chúng ta đều biết, phấn nụ Cung đình là sản phẩm hấp dẫn du khách, thế nhưng sản phẩm sản xuất ở Huế thì còn rất nhỏ lẻ, trong lúc ở TP Hồ Chí Minh lại có cơ sở sản xuất lớn dù rằng cả hai nơi đều cùng một gia đình. Chúng ta đều biết rượu Minh Mạng thang đã có thương hiệu, nay thêm rượu Làng Chuồn, rượu gạo Thủy Dương... người Huế chúng ta đã tôn trọng thương hiệu của mình chưa trong lúc trên các bàn tiệc vẫn sính rượu ngoại dù hiện nay rượu “dỏm” khá nhiều.

Tất nhiên, để thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ Huế ở tầm quốc gia và quốc tế đòi hỏi phải có những nỗ lực từ nhiều phía. Để sản phẩm mang tính hàng hóa đòi hỏi phải có những doanh nhân có ước vọng làm ăn lớn. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có những chính sách thỏa đáng tạo cơ hội để các nhà đầu tư hút những nghệ nhân trở lại Huế thay vì đi nơi khác. Các nhà khoa học cần đánh giá lại chất lượng các sản phẩm từ cha truyền con nối, bí quyết nghề nghiệp đến hiện đại hóa các sản phẩm với căn cứ khoa học của nó. Đồng thời, tạo mối liên kết thật sự giữa các làng nghề, ngành nghề truyền thống với ngành du lịch.

Mỗi một kỳ Festival nghề truyền thống cũng là dịp thành phố soát xét lại quá trình xây dựng, phát triển các làng nghề, các ngành nghề truyền thống. Tiếp đến, thành phố cần tiến hành khảo sát các điểm kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm ở các điểm di tích. Tỷ lệ hàng thủ công mỹ nghệ Huế ở các quầy hàng này là những con số biết nói để thành phố có cái nhìn toàn diện hơn về sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Huế. Và quan trọng hơn, làng nghề, ngành nghề truyền thống Huế trình làng cái gì trong Festival Huế Nghề truyền thống 2015.


Theo Hải Lê (TTH.VN)
 Imprimer]
Les autres articles
    First Previous 1 2 3 4 5 Next Last