HĐND tỉnh thảo luận, bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
  
(CTTĐT) - Sáng ngày 11/12, HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ hai để thảo luận về phương hướng phát triển kinh tế xã hội năm 2025, năm đầu tiên thực hiện các nhiệm vụ phát triển của một thành phố trực thuộc Trung ương. Chủ trì và điều hành phiên họp có ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu và các phó chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn và Hà Văn Tuấn. Tham dự phiên họp có chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Tại kỳ họp
Tại kỳ họp

Phiên họp dành phần lớn thời gian để các đại biểu thảo luận phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2025. Đây là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 – 2025.

Bên cạnh phân tích về những điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024, Đại biểu Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cũng đã chỉ ra những khó khăn còn tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, công tác thu hút đầu trong và ngoài nước, phát triển dịch vụ thương mại tại chợ Đông Ba chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế vốn có của một trung tâm thương mại lâu đời của Thừa Thiên Huế.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025, đại biểu Nguyễn Đại Vui cho rằng liên quan đến phát triển thương mại dịch vụ cần có sự kết nối phát triển, thực hiện chuỗi cung ứng, nhất là cần có sự liên kết trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa .


Đại biểu Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phát biểu tại kỳ họp

Ngoài những ý kiến của Đại biểu Nguyễn Đại Vui về  thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có việc phát triển các sản phẩm Ocop địa phương và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên quan đến quản lý ngành, đại biểu Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp đã đạt được mức tăng trưởng khá, nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng 3,4%.

Hiện ngành đã thực hiện đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế cao như cá ong, cá nâu, cá vẩu. Năm 2024, có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới; nâng toàn tỉnh lên 80/94 xã đạt chuẩn (đạt 85,1%). Tuy nhiên, trong năm mới 2025, do việc thực hiện sáp nhập các địa phương nên việc thực hiện hoàn thành mục tiêu chỉ tiêu xã đạt chuẩn nông thôn mới cần phải được quan tâm.

Tham gia thảo luận kinh tế xã hội, tư lệnh ngành văn hóa thể thao đại biểu Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho rằng, năm 2024, ngành cũng đã có nhiều đóng góp cho việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nhiều công trình di tích, văn hóa sau khi được trùng tu đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả, cho thấy được năng lực của  đội ngũ, chuyên gia, nghệ nhân địa phương đủ để trùng tu các công trình. Lĩnh vực văn hóa cũng đã lan tỏa nhiều giá trị, thay đổi nhận thức của cộng đồng về bảo tồn giá trị truyền thống vừa chủ động sáng tạo hội nhập với phát triển năng động hơn. Năm 2025, đại biểu Phan Thanh Hải đề xuất tiếp tục kết nối với các địa phương, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội và kiến nghị mở rộng Nghị quyết 38 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế đặc thù trong đầu tư công về văn hóa.

Năm 2025, Thừa Thiên Huế Huế đưa ra 14 chỉ tiêu kinh tế, xã hội cần đẩy mạnh thực hiện, trong đó, đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 8,5 - 9%. GRDP bình quân đầu người từ 3.200 - 3.500 USD. Về cơ cấu kinh tế, dịch vụ chiếm 48 - 49%, công nghiệp và xây dựng 32 - 33%, nông nghiệp 9 - 10% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 9%...

Để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đặt ra, tỉnh tiếp tục thực hiện đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mới.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]