(CTTĐT) - Sáng 11/12, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khoá VIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn lãnh đạo đầu ngành liên quan đến lĩnh vực y tế, nội vụ. UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Văn Tuấn chủ trì. Tham dự còn có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Mở đầu phiên chất vấn, liên quan đến lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Văn Thạnh, Phó Trưởng ban Văn hoá – Xã hội của HĐND tỉnh nêu vấn đề, hiện nay, Bệnh viện y học cổ truyền đang xuống cấp nghiêm trọng; nhiệm vụ xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế trên cơ sở phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền đến năm 2025 theo Nghị quyết 08-NQ/TU của Tỉnh ủy chưa được triển khai thực hiện. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và giải pháp sắp đến như thế nào?
Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho rằng, Bệnh viện Y học cổ truyền là Bệnh viện chuyên khoa hạng II tuyến tỉnh có quy mô hoạt động là 100 giường bệnh nội trú (số giường nội trú thực kê là 140 giường), thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng bằng Y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại; NCKH, bảo tồn và phát triển y, dược cổ truyền; đào tạo, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật và là cơ sở thực hành về y, dược cổ truyền của các cơ sở đào tạo y, dược và các đơn vị có nhu cầu.
Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống bệnh viện y học cổ truyền toàn quốc giai đoạn 2014-2025 và nhu cầu thực tế trên địa bàn, định hướng phát triển trong tương lai, xác định quy mô hoạt động đến giai đoạn 2025-2030 của Viện Thái Y Huế là khám chữa bệnh ngoại trú 200-250 lượt/ngày, điều trị 250 giường nội trú.
Ngày 31/10/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 2315/QĐ-UBND về phê duyệt dự án Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh với quy mô 250 giường bệnh nội trú và tổng mức đầu tư 354.856 triệu đồng, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau đến nay dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện.
Dự án đầu tư xây dựng Viện Thái Y Huế đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua danh mục dự kiến đầu tư giai đoạn 2021-2025 tại Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 28/8/2020 với tổng mức đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng tại Công văn số 4162/SXD-QHKT ngày 21/12/2020, khu đất để xây dựng Viện Thái y Huế tại phường An Tây (diện tích giai đoạn 1 khoảng 2,0 ha; giai đoạn 2 có thể mở rộng đến hơn 5,0 ha), Ban QLDA đã phối hợp tổ chức lập quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ quy hoạch tổng mặt bằng dự án Viện Thái y Huế với tổng diện tích khoảng 4,0 ha (trong đó diện tích giai đoạn 1 khoảng 2,0 ha) phù hợp theo đề xuất của Sở Xây dựng.
Tuy nhiên, ngày 02/6/2021 UBND thành phố Huế đã có Công văn số 3241/UBND-QH về việc tham gia ý kiến hồ sơ chủ trương đầu tư dự án Viện Thái Y Huế, nêu rõ quy mô đất đai khoảng 4,0 ha chưa phù hợp với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu phường An Tây đang nghiên cứu (khu đất chỉ có 1,8 ha/ 4,0 ha là đất y tế).
Ngày 19/11/2021 Sở Xây dựng có Công văn số 4379/SXD-QHKT về việc báo cáo rà soát đề xuất địa điểm xây dựng trụ sở dự án Viện Thái Y. Sở Xây dựng đã thống nhất Bố trí Viện thái Y Huế tại khu đất có chức năng đất y tế (Ký hiệu YT) thuộc đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) khu vực Đàn Nam Giao và vùng phụ cận đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 23/QĐ-UBND ngày 05/01/2013, dự kiến quy mô khoảng 4,56 ha.
Hiện trạng khu đất này có số lượng mồ mả rất lớn, chưa được giải phóng mặt bằng và các tuyến giao thông quy hoạch xung quanh khu đất hiện trạng chưa được đầu tư vì vậy cho đến nay khu đất để đầu tư xây dựng Viện Thái Y vẫn chưa có.
Hàng năm, Bệnh viện Y học cổ truyền khám chữa bệnh ngoại trú cho khoảng 10.000-15.000 lượt người và chữa bệnh nội trú cho 2.200-3.000 lượt người.
Qua thời gian hơn 40 năm, bệnh viện đã xuống cấp nghiêm trọng. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, năm 2023 bệnh viện đã được chủ trương đầu tư nâng cấp và sửa chữa theo Quyết định số 1952/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 18/8/2023 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 3 tỷ 500 triệu đồng. Ngày 23/11/2023 UBND tỉnh đã có Quyết định số 2758 /QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình Sửa chữa Bệnh viện Y học cổ truyền. Năm 2024 bệnh viện đã tiến hành cải tạo, nâng cấp, sửa chữa giai đoạn 1 và đã hoàn thành với tổng mức đầu tư là 3 tỷ 500 triệu. Cơ sở vật chất của bệnh viện sau khi được đầu tư, sửa chữa đã khang trang, sạch đẹp hơn, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân, góp phần cùng Ngành y tế hoàn thành tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Văn Thạnh, Phó Trưởng ban Văn hoá – Xã hội của HĐND tỉnh nêu vấn đề tại phiên chất vấn
Cũng về lĩnh vực y tế, đại biểu Nguyễn Văn Thạnh, Phó Trưởng ban Văn hoá – Xã hội của HĐND tỉnh nêu vấn đề, theo phản ánh của cử tri, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế thuộc tỉnh quản lý chưa được chi trả lương kịp thời và từ tháng 7 đến nay hầu hết các bệnh viện công lập do Sở Y tế quản lý chưa thực hiện chi trả lương theo mức lương mới (theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ), làm ảnh hưởng đến đời sống và tâm lý của đội ngũ này. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và giải pháp để đảm bảo chế độ tiền lương cho đội ngũ này theo quy định.
Liên quan đến chế độ tiền lương cho đội ngũ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành y tế, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho rằng, theo như câu hỏi của đại biểu thì được hiểu là mức lương cơ sở được tăng lên 2.340.000 đồng từ ngày 1/7/2024 theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ nhưng ngành y tế chưa chi trả cho cán bộ công nhân viên.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 62/2024/TT-BTC thì nguồn kinh phí chi trả mức lương cơ sở mới của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập gồm: Nguồn cải cách tiền lương; nguồn thu từ giá dịch vụ y tế có kết cấu tiền lương.
Đối với nguồn cải cách tiền lương thì hiện nay các đơn vị trực thuộc Sở Y tế gần như không còn, do năm 2023 đã huy động gần hết để chi trả cho chế độ phụ cấp ưu đãi theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP (hưởng 100% phụ cấp ưu đãi tại các tuyến y tế cơ sở), vì vậy chỉ có các đơn vị sau đã chi trả được mức lương cơ sở mới từ nguồn cải cách tiền lương: Trung tâm Kiểm nghiệm; Phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ; Bệnh viện Y học cổ truyền; Bệnh viện Răng hàm mặt; Trung tâm Giám định Y khoa - pháp y; Văn phòng Sở.
Đối với nguồn thu giá dịch vụ y tế, nguồn thu hợp pháp khác, hiện nay, kết cấu tiền lương trong giá dịch vụ y tế chỉ ở mức lương 1.800.000 đồng theo Thông tư 22/2023/TT-BYT, do đó nguồn kinh phí từ giá dịch vụ y tế để chi trả mức lương cơ sở mới là không có.
Từ những vấn đề nêu trên, để đảm bảo có nguồn kinh phí, ngày 1/10/2024, Sở Y tế đã có văn bản xin bổ sung từ ngân sách nhà nước để chi trả mức lương cơ sở mới với số kinh phí xin cấp 66,7 tỷ đồng, khi được cấp có thẩm quyền bổ sung thì Sở Y tế sẽ chuyển kinh phí về cho các đơn vị đang thiếu hụt để chi trả ngay trong tháng 12.
Từ năm 2022 ngành y tế được giao 1.555 vị trí việc làm hưởng lương từ ngân sách, 1.448 vị trí việc làm hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP (tương đương với việc tự chi trả lương là 48,22%). Việc giao cho ngành y tế tự chi trả lương cho 1.448 vị trí việc làm là quá cao so với năng lực thực tế của ngành, cao hơn từ 120-150 vị trí việc làm. Điều này đã được Sở Y tế giải trình nhiều lần với Ban Văn hoá - Xã hội của HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và các cấp có thẩm quyền khi xin cấp bổ sung kinh phí thiếu hụt.
Việc thiếu lương này ngoài một số lý do chủ quan, phần lớn là do yếu tố khách quan. Đó là lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa tăng tương xứng với việc tăng mức lương cơ sở, đến thời điểm này ngành y tế vẫn đang thu giá khám chữa bệnh ở mức lương 1.800.000 đồng; cơ sở hạ tầng các đơn vị trực thuộc ngành y tế đã xuống cấp, nhiều năm chưa được đầu tư, sửa chữa quy mô lớn dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh khó thu hút được người dân đến khám bệnh, chữa bệnh; trên địa bàn tỉnh có quá nhiều các bệnh viện bộ ngành (là những đơn vị chuyên sâu, có trình độ chuyên môn cao cùng máy móc thiết bị y tế hiện đại đã tạo nên áp lực rất lớn đối với y tế địa phương.
Để có giải pháp kịp thời và đồng bộ phát triển ngành y tế nhằm đảm bảo thu nhập để đội ngũ y, bác sĩ yên tâm công tác, Sở Y tế vào thời điểm giao dự toán đầu năm, rà soát cụ thể năng lực tự chi trả lương của từng đơn vị để có sự phân bổ vị trí việc làm và ngân sách được hợp lý và khoa học. Đồng thời phát huy tối đa hiệu quả số kinh phí được cấp trong dự toán hàng năm cho nội dung mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế để phát triển danh mục kỹ thuật, từng bước nâng mức tự chủ của các đơn vị khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với việc tuyển dụng, chính sách thu hút theo NQ 33/HĐND, ngành Y tế thường xuyên, liên tục có kế hoạch phối hợp Trường đại học Y dược, Bệnh viện Trung ương Huế và các cơ sở khác để đào tạo chuyên môn, cập nhật kiến thức, trao đổi nguồn nhân lực, chủ động mở rộng hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước… nhằm từng bước nâng cao nghiệp vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, qua đó tạo nguồn thu tốt hơn cho đơn vị, từng bước chi trả lương được đảm bảo hơn.
Sở Y tế cũng đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh cho ngành y tế 120-150 vị trí việc làm hưởng lương từ nguồn ngân sách (thay vì từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị), phù hợp với năng lực thực tế hiện có của ngành y tế. HĐND tỉnh và các cấp có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị y tế hiện đại đồng bộ đáp ứng tiêu chuẩn phân tuyến kỹ thuật cho các cơ sở của ngành để từ đó thu hút được bệnh nhân đến khám bệnh, chữa bệnh, đội ngũ y bác sỹ có được cơ hội và môi trường phát huy năng lực và kiến thức đã được tích lũy, yên tâm công tác.
Đại biểu Hoàng Đăng Khoa cho biết, theo báo cáo của nhiều địa phương, đơn vị giáo viên ở các cấp học thiếu nhiều như huyện Phú Lộc thiếu 109 giáo viên, TX. Hương Thủy 174 giáo viên, các trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo thiếu 118 giáo viên, nhân viên ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh cho biết nguyên nhân vì sao số biên chế được giao trong năm 2024 không tuyển dụng (khoảng 362 biên chế, trong đó có 145 biên chế được Trung ương giao bổ sung) và giải pháp thời gian đến như thế nào?
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân trả lời chất vấn
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân cho biết, tổng biên chế viên chức giao năm 2024 cho các cơ quan địa phương là 22.531 người. Đến năm 2026, biên chế viên chức giao cho tỉnh là 21.308 người. Từ năm 2024 đến năm 2026 tỉnh cần phải giảm là 1.223 người. Năm 2024, ngành giáo dục và đào tạo được giao 19.238 người, chiếm 85,3% tổng số lượng người làm việc toàn tỉnh. Do biên chế giáo dục chiếm cơ cấu tỷ trọng quá lớn trong tổng số lượng người làm việc của tỉnh, nên UBND tỉnh phải cân đối giảm số lượng người làm việc đối với ngành giáo dục, cụ thể giao số lượng theo số có mặt tại thời điểm 31/12 hàng năm nhằm giảm biên chế để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Trung ương. Việc này, đề nghị ngành giáo dục cũng hết sức chia sẻ với lãnh đạo tỉnh và ngành Nội vụ.
Một số giải pháp trong thời gian tới:
Thứ nhất, đề nghị UBND cấp huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, cân đối điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Đồng thời, có phương án rà soát, sắp xếp lại các Trường học theo hướng liên cấp học để góp phần tinh gọn đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Thứ hai, ngày 31/10/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 14/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo. Trong năm 2025, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Tài chính và UBND cấp huyện xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các dịch vụ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ nhằm thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực giáo dục.
Thứ ba, trường hợp số biên chế giáo viên còn thiếu, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án cho phép hợp đồng làm chuyên môn nghiệp vụ ở ngành giáo dục và đào tạo theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Ngoài ra, đối với 145 biên chế giáo dục do Trung ương bổ sung, Sở Nội vụ sẽ báo cáo, tham mưu UBND tỉnh để thực hiện tuyển dụng 145 biên chế này vào đầu năm 2025.
Liên quan đến việc “thủ tục cấp, đổi giấy tờ cá nhân và các loại giấy tờ khác khi Thành phố Huế trực thuộc Trung ương”, đại biểu Hồ Nhật Tân đề nghị Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và Thủ trưởng các sở, ngành, địa phương có liên quan - thay mặt UBND tỉnh thông tin đến cử tri vấn đề này.
Đại biểu Hồ Nhật Tân đặt câu hỏi về việc “thủ tục cấp, đổi giấy tờ cá nhân và các loại giấy tờ khác khi Thành phố Huế trực thuộc Trung ương”.
Thông tin về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Minh Long cho biết, thực hiện Nghị quyết số 175/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 ngày 30/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP. Huế, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 435/KH-UBND ngày 2/12/2024 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Kế hoạch số 435/KH-UBND ngày 2/12/2024 của UBND tỉnh, việc chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân được hướng dẫn như sau:
Trên cơ sở các quy định của pháp luật, quy định tại Điều 21 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và văn bản hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh; UBND cấp huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức; đồng thời chỉ đạo các ĐVHC hình thành sau sắp xếp, thành lập phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ và không thu các loại phí, lệ phí khi thực hiện việc chuyển đổi do thay đổi địa giới ĐVHC.
Ưu tiên tiếp nhận, giải quyết thủ tục hồ sơ cấp đổi thẻ căn cước do sắp xếp ĐVHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện các giao dịch khác có liên quan. Đối với các loại giấy tờ khác còn lại, UBND các ĐVHC mới có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn để người dân chuyển đổi theo quy định (nếu có nhu cầu).
Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Thủ tục hành chính chuyển đổi các loại giấy tờ cho tổ chức, cá nhân do thay đổi ĐVHC phải được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến Nhân dân và được niêm yết tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.