Ấn tượng chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em”
  
Cập nhật:24/09/2024 10:05:54 CH
(CTTĐT) - Tối 24/09, tại Nhà hát Sông Hương, số 1 Lê Lợi, Thành phố Huế đã diễn ra Chương trình nghệ thuật “Mùa thu cho em” trong khuôn khổ lễ hội Festival Mùa thu Huế 2024. Đến dự có UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; cùng đông đảo khán giả và những người yêu âm nhạc.

“Mùa thu cho em” là một chương trình nghệ thuật nằm trong chuỗi Festival Huế mùa thu do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức thực hiện.

Với chủ đề “Mùa thu cho em”, chương trình nghệ thuật lần lượt đưa quý vị khán giả thưởng thức các ca khúc viết về mùa thu cũng như những ký ức âm nhạc của các tác giả Minh Kỳ - Nguyễn Hiền; Cung Tiến; Phạm Trọng Cầu; Dương Thiệu Tước; Trần Tiến; Trịnh Công Sơn; Phạm Mạnh Cương và Ngô Thụy Miên.

Giai điệu của ca khúc Tiếng hát học trò với hình ảnh biểu trưng như “Mùa Thu mây bay khắp trời/ Gieo niềm thương nhớ đầy vơi” của Minh Kỳ - Nguyễn Hiền đã mở đầu cho chương trình “Mùa thu cho em”.

Các tiết mục nghệ thuật tại chương trình

Với ca khúc “Hoài cảm” sáng tác năm 14 tuổi, Cung Tiến được xem là một nhạc sĩ trẻ nhất có sáng tác được phổ biến trong tân nhạc Việt Nam. Mặc dù chỉ xem âm nhạc như một thú tiêu khiển, nhưng Cung Tiến đã để lại những ca khúc bất tử như “Hương xưa”, “Hoài cảm”, “Thu vàng”. Giai điệu mang âm hưởng của mùa thu trong Thu vàng của Cung Tiến đã đem đến một cảm giác xao xuyến của tình yêu, những rung động mới chớm của đôi lứa... Bài hát có ca từ mộc mạc, giản dị nhưng đậm chất thơ. Giai điệu valse nhẹ nhàng, hân hoan quyến rũ cùng ca từ càng làm cho ca khúc Thu vàng của chàng trai Cung Tiến khi mới 15 tuổi thêm bền sức sống.

“Tiếng xưa” ấy của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước cũng là nỗi bâng khuâng, hoài cổ đúc rút từ “cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương” trong tác phẩm “Tỳ Bà hành” của Bạch Cư Dị. “Tiếng xưa” ấy cũng san sớt nỗi niềm tri âm của ca nương dìu dặt trên sông lặng, để “say khúc ưu tư” mơ màng cùng. Những ca từ của Tiếng xưa đã để lại ấn tượng trong lòng khán giả yêu âm nhạc.

Những tiết mục nghệ thuật để lại ấn tượng cho khán giả yêu âm nhạc

Với mùa thu, Trần Tiến có hai ca khúc tiêu biểu đó là Dòng sông mùa thu; Mùa thu trắng. Mùa thu của Trần Tiến chưng cất từ suy tư về những kỷ kiệm gắn cùng những ám ảnh về không gian và thời gian, và giàu sự chia sẻ, vì “Ai cũng có một dòng sông vắng xa /Trong nỗi nhớ trong kỷ niệm thiết tha, để rồi “Nhớ thương về đâu thương nhớ ơi /Tháng năm vội vàng năm tháng trôi”.

Những ảnh tượng về dòng sông, con đường gắn với “người bạn tuổi thơ” cùng “thời thiếu nữ” theo mùa thu cứ thế mà dặt dìu cùng Trần Tiến trong từng giai điệu…

Lời bài hát Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến đã để lại ấn tượng sâu sắc cho những người yêu âm nhạc 

Trần Tiến là một nhạc sĩ quá đỗi thân quen của âm nhạc Việt Nam. Nhắc đến Trần Tiến, người yêu nhạc sẽ nhớ đến ngay một người nhạc sĩ đầy chất lãng tử. Ông bình dị với phong cách đặc trưng: luôn cùng đàn guitar để hát về tình đời, tình người giữa dòng đời vội vã. Suốt nhiều thập kỉ qua, có thể nói tên tuổi và những sáng tác của ông đã quyện chặt vào kí ức đẹp của nhiều thế hệ yêu nhạc. Trần Tiến còn được mệnh danh là người “nhạc sĩ du ca" vì những lần ruổi rong cùng chiếc xe jeep từ những thập niên 90 để hát phục vụ khán giả.

Nhạc sĩ Trần Tiến và nhóm Du ca thể hiện ca khúc Mặt trời bé con tại chương trình

Đến với “Mùa thu cho em”, khán giả được thưởng thức những bản tình ca ngát hương của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Mạnh Cương, Ngô Thuỵ Miên. Trong gia tài âm nhạc của mình, Nhìn những mùa thu đi và Nắng thủy tinh đều là hai nhạc phẩm bất tử về mùa thu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai ca khúc đều lấy hình ảnh là một buổi chiều thu, nhưng nếu như Nắng thủy tinh là một “chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm” thì buổi chiều trong Nhìn những mùa thu đi lại “đơn côi bàn tay quên lối, đưa em về nắng vương nhè nhẹ”.

Trong cuộc đời của mỗi con người, ai rồi cũng sẽ phải đón nhận những mùa thu đi qua để cuối cùng chợt “nghe tên mình vào quên lãng”, biết vậy mà tiếp tục yêu thương và chờ đợi. Mùa thu đến và đi để lại bao cảm xúc bâng khuâng, ngậm ngùi. Đó là âm hưởng của ca khúc “Nhìn những mùa thu đi ” của Trịnh Công Sơn.

Nhạc sĩ Trần Tiến thể hiện ca khúc Phiêu bạt tại chương trình

Khép lại chương trình, khán giả được đắm mình trong những ca từ mà nhạc sĩ Ngô Thụy Miên gửi gắm trong ca khúc Mùa thu cho em. Mùa thu đến đem theo những cơn gió heo may dịu dàng, những con đường tràn ngập lá vàng rơi và cả khúc yêu thương của những trái tim “vương màu xanh mới”. Lời ca bay bổng, giai điệu ngọt ngào mỗi khi vang lên như khẽ nhắc nhở người nghe rằng mùa thu đã sang rồi. Khi thiên nhiên, đất trời thay áo mới, con người cũng khoác lên mình một tâm hồn mới, đầy ắp yêu thương và hy vọng.

Một số hình ảnh tại chương trình nghệ thuật:

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]