1. Vị trí con đường
Thuộc Khu QH An Hòa – Hương Sơ
Điểm đầu: Đường QH 19,5m
Điểm cuối: Đường QH
2. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường
Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887), chí sĩ yêu nước, lãnh tụ phong trào Cần Vương tại Quảng Nam, người làng Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam.
Năm Kỷ Mão (1879), thi đỗ Phó bảng, được bổ nhiệm làm quan phụ đạo tại Huế, được phong Hồng lô tự khanh nên người đời gọi là Hường Hiệu.
Hưởng ứng dụ Cần vương của vua Hàm Nghi, Nguyễn Duy Hiệu cùng Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến, Nguyễn Tiểu La, thành lập Nghĩa hội Quảng Nam (Trần Văn Dư làm Thủ hội) rồi ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa. Sau khi Trần Văn Dư bị Pháp giết chết, đầu năm 1886, Nguyễn Duy Hiệu chính thức làm Hội chủ mới của Nghĩa hội và ông đã chọn thung lũng Trung Lộc thuộc Quế Sơn đặt tổng hành dinh với tên gọi là Tân tỉnh Trung Lộc.
Từ nơi đó, Nguyễn Duy Hiệu đã tổ chức đi đánh nhiều trận, gây cho đối phương nhiều thiệt hại, như trận tập kích đơn vị công binh Pháp đang mở con đường qua đèo Hải Vân (tiêu diệt trọn đội công tác này), trận Bãi Chài (phá đội ca nô ở vàm Vân Ly trên sông Thu Bồn), trận phục kích quân Pháp và quân triều đình ở Cẩm Muồng.
Tháng 2 năm 1886, quân Pháp tấn công căn cứ Tân tỉnh Trung Lộc. Thấy không thể cầm cự được nữa, Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến liền ra lệnh đánh vượt vòng vây chạy về một làng ở gần cửa biển An Hòa thuộc Tam Kỳ. Quân Pháp liền xua quân theo càn quét rất ngặt. Không thể để nghĩa quân bị giết hại hết, nghe lời thủ lĩnh Hiệu, Phan Bá Phiến uống thuốc độc tự sát để tránh bị bắt, còn ông Hiệu thì tự trói mình nạp mạng cho đối phương để nhận lãnh hết trách nhiệm về mình. Hôm đó là ngày 5 tháng 8 năm Đinh Hợi (21 tháng 9 năm 1887).
Sau khi Nguyễn Duy Hiệu bị giải về Huế, triều đình Đồng Khánh bèn dùng danh lợi để dụ hàng, nhưng ông không chấp thuận. Cuối cùng, Viện Cơ mật của Nam triều đã kết án tử hình ông vào ngày rằm tháng 8 năm Đinh Hợi (01/10/1887) tại Huế.