Không để bị động, bất ngờ trước áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão
  
Cập nhật:18/09/2024 5:13:51 CH
(CTTĐT) - Chiều ngày 18/9, UBND tỉnh có buổi họp trực tuyến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì cuộc họp.
Tàu thuyền đã được kêu gọi vào bờ an toàn
Tàu thuyền đã được kêu gọi vào bờ an toàn

Theo thông tin nhanh từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 13h ngày 18/9/2024, áp thấp đã ở trên khu vực phía Đông quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng khoảng 530km về phía Đông. Trong 6h tới di chuyển theo hướng Tây tốc độ 15km/h. Gần sáng 19/9 ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 5, có nơi cấp 6, giật 8. Từ trưa và chiều đến đêm 19/9 ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam gió mạnh 6-7, gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10; sâu trong đất liền có gió giật cấp 6-7.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, tính đến chiều 18/9, công tác kêu gọi các lao động, tàu thuyền hoạt động trên biển đã hoàn tất. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát thông tin, thông báo cho các phương tiện tàu thuyền nắm diễn biến tình hình của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.

Toàn tỉnh có tổng số 1.884 phương tiện với 10.685 lao động đến nay các phương tiện, lao động đã vào bờ và tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, hiện ở các điểm tránh trú có 23 phương tiện với 194 lao động ngoại tỉnh vào neo đậu.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh phát biểu tại cuộc họp

Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, trên đất liền tỉnh có mưa cường độ mạnh nhất tập trung từ chiều tối 18 đến trưa ngày 20/9. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm. Để chủ động ứng phó với ATNĐ các địa phương đã tổ chức rà soát, lên phương án di dời dân ứng phó bão với 16.349 hộ/ 52.186 khẩu.

Tỉnh đã yêu cầu  các địa phương, đơn vị, chủ hồ đập có phương án chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Yêu cầu các địa phương kịp thời triển khai công tác ứng phó ATNĐ, bão và tình hình mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ.

Các địa phương rà soát các kịch bản ứng phó thiên tai, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, khu vực ven biển, đầm phá, trên lồng bè, chòi canh đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khu dân cư có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, đây là cơn bão dự báo không mạnh nhưng hoàn lưu bão gây mưa lớn. Do vậy, yêu cầu các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu thuyền, lưu ý các tàu vận tải, tàu nhỏ thường chủ quan nên dễ gây thiệt hại.

Tập trung rà soát tình trạng ngập lụt, di dời dân đặc biệt ở địa bàn Thừa Thiên Huế. Trong đó, chú trọng vùng thấp trũng, vùng trọng điểm trượt lở núi và các khu vực đô thị. Ngoài ra, các địa phương cần có phương án đảm bảo sản xuất nông nghiệp đối với vùng ngập lụt sau khi nước rút. Chú ý khu vực vào thời điểm hoàn lưu bão gây mưa, có thể kết hợp triều cường, sóng lớn dẫn đến ngập lụt kéo dài, nước chậm rút.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]