Với mục tiêu thành phố Huế trở thành đô thị giảm nhựa vào năm 2024, nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế đã có các mô hình, giải pháp hay, sáng tạo để giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
Nói không với túi nilon
Tận dụng địa thế gò đồi, nhiều mảnh vườn nằm bên bờ sông Hương được người dân xã Hương Thọ (thành phố Huế) tận dụng trồng cây thanh trà, bưởi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trước đây, phần lớn người dân sử dụng túi nilon, túi vải không dệt để bọc quả thanh trà thì trong hơn 1 năm trở lại đây, sau khi được chính quyền các cấp vận động thực hiện dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) tài trợ, người trồng thanh trà ở Hương Thọ không còn sử dụng túi nilon như trước.
Ông Lê Văn Chúng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thọ cho biết, việc sử dụng túi bọc làm từ áo quần cũ thay cho túi nilon, túi vải không dệt chứa nhiều chất nhựa nhằm giảm lượng rác nhựa thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Nhận thấy hiệu quả cao từ dự án nên xã Hương Thọ đã vận động 100% hộ dân trồng cây thanh trà và bưởi trên địa bàn tham gia vào mô hình, hướng tới mục tiêu sản xuất loại trái cây đặc sản xứ Huế theo phương pháp hữu cơ, an toàn và thân thiện môi trường.
Nhiều hoạt động tích cực trong việc thu gom rác thải nhựa
Cũng với mục đích giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường, từ năm 2021, tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) và phường Thuận An, thành phố Huế đã thành lập các CLB ngư dân trẻ vươn khơi bám biển với hàng chục thành viên là các ngư dân trẻ tham gia. Đến nay CLB ngư dân trẻ đã hỗ trợ 60 thùng rác, mỗi thành viên được hỗ trợ 1 thùng rác 240 lít để chứa rác thải vô cơ và 1 thùng rác 120 lít để chứa rác thải hữu cơ tại các tàu cá.
Anh Trần Văn Cường, Chủ nhiệm CLB ngư dân trẻ vươn khơi bám biển phường Thuận An cho biết, ngoài việc đánh bắt hải sản, làm dịch vụ hậu cần, thành viên CLB còn tích cực vớt rác thải nhựa trên biển đưa vào bờ bán gây quỹ giúp học sinh nghèo. CLB của anh Cường hện có hơn 30 thành viên với trên 10 tàu cá công suất lớn tham gia. Từ khi thành lập đến nay, CLB ngư dân trẻ của anh Cường đã thực hiện thu gom hơn 7,5 tấn rác thải nhựa trên biển. “Sau nhiều năm bám biến, tôi nhận ra rằng sản lượng tôm cá ngày càng giảm, trong khi rác thải nhựa trôi nổi trên mặt nước biển ngày càng nhiều hơn. Vì thế, ngoài thu gom rác thải nhựa trên biển, chúng tôi còn vận động ngư dân địa phương duy trì việc đánh bắt hải sản nhưng không xả rác thải gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời tuyên truyền ngư dân chung tay vớt rác trên biển, nhất là đối với rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy để bảo vệ môi trường biển”, anh Cường chia sẻ.
Tương tự, mô hình CLB “Sống xanh vì cộng đồng” được thành lập vào cuối năm 2020 tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, thành phố Huế đến nay có hơn 100 thành viên tham gia với nhiều hoạt động tích cực trong việc thu gom rác thải nhựa. Đến nay CLB đã thực hiện 280 đợt ra quân với gần 3.250 lượt thành viên tham gia, phát hơn 7.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa tại cộng đồng dân cư.
Ngoài các mô hình vừa kể, thông qua dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, đã có 43 trường học trên địa bàn áp dụng thí điểm mô hình trường học giảm nhựa, 30 doanh nghiệp cam kết tham gia giảm nhựa, hơn 29.500 túi phân loại được phân phát tại các hộ gia đình để phân loại rác tại nguồn; hơn 183 tấn rác thải nhựa thất thoát ra môi trường được thu gom.
Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” sẽ hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước, ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa thông qua các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương. Thành phố Huế cam kết đến năm 2024 sẽ trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi.