(Trích Quyết định số 2605/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2007của UBND tỉnh)
1. Phạm vi và giới hạn nghiên cứu:
1.1. Phạm vi nghiên cứu: Theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 116/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 1999, bổ sung một số khu vực phụ cận của thành phố Huế, bao gồm khu đô thị mới An Vân Dương các khu đô thị phía Tây thành phố, Bắc Hương Sơ, trục QL1A - Tự Đức và Đông Nam Thủy An.
1.2. Quy mô: Khoảng 7.099 ha.
1.3. Giai đoạn nghiên cứu:
a) Định hướng quy hoạch hệ thống thoát nước mặt đến năm 2020.
b) Quy hoạch hệ thống thoát nước mặt đến năm 2015.
c) Quy hoạch xây dựng đợt đầu các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2010.
1.4. Giới hạn nghiên cứu: Nghiên cứu hệ thống thoát nước mưa thành phố Huế đảm bảo thoát nước tốt, không gây ngập úng trong nội thị do các trận mưa có lượng mưa từ 50mm đến 150mm và lũ tiểu mãn thoát nước nhanh và không gây ngập úng cục bộ khi lũ xuống đối với những trận mưa có lượng mưa >150mm và lũ chính vụ.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu lâu dài:
a) Cụ thể hóa đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 116/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 1999 góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế đồng thời, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường.
b) Đưa ra giải pháp chống lũ và chống ngập úng cho thành phố Huế.
c) Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng thoát nước mặt toàn thành phố Huế, tạo điều kiện phát triển đô thị hiện đại phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh.
d) Tôn tạo và bảo tồn các di sản văn hóa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp đồng thời khai thác tối đa chức năng điều hòa của hệ thống ao hồ, kênh mương và sông suối tự nhiên trong thành phố.
đ) Nâng cao các điều kiện hạ tầng của thành phố nhằm đạt tiêu chuẩn thành phố môi trường của WHO và thành phố đô thị loại I.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
a) Làm cơ sở để quản lý xây dựng và triển khai công tác lập các dự án đầu tư theo quy hoạch.
b) Cải tạo, hoàn thiện hệ thống thoát nước mặt phù hợp với từng giai đoạn phát triển và chống úng ngập cho thành phố.
c) Tập trung nâng cao, khai thác tối đa chức năng điều hòa của hệ thống ao hồ, kênh mương và sông suối tự nhiên trong thành phố.
d) Nâng cao điều kiện, môi trường sống cho cư dân đô thị.
đ) Từng bước tách riêng hai hệ thống thoát nước mưa và nước bẩn trong các khu vực có mật độ xây dựng cao.
e) Cải tạo hệ thống thoát nước mưa khu vực trung tâm thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật.
g) Làm cơ sở pháp lý cho việc lập kế hoạch đầu tư xây dựng ngắn hạn và dài hạn hệ thống thoát nước mưa, phù hợp với quá trình xây dựng và phát triển thành phố Huế theo các quy hoạch đã được phê duyệt.
3. Nội dung chi tiết:
3.1. Định hướng các công trình đầu mối:
a) Tập trung đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi đầu nguồn đa mục tiêu lớn như hồ Tả Trạch, hồ Bình Điền (nhánh Hữu Trạch sông Hương), hồ Hương Điền và hồ Be Luông (sông Bồ). Dự kiến mực nước lũ cho vùng đồng bằng sông Hương và khu vực kinh thành Huế sẽ giảm ít nhất từ 0,8 m đến 1,0 m khi hai hồ Bình Điền, Hương Điền vào hoạt động giảm khoảng 1,6 m khi cả ba hồ Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch cùng đi vào hoạt động.
b) Bảo vệ, kè chống xói lở bờ các đoạn xung yếu của các sông, kênh rạch, hồ chống lấn chiếm dòng chảy, nạo vét định kỳ hằng năm để thông dòng, thoát lũ nhanh ra biển.
c) Đào thêm các hồ điều hòa, các kênh thoát theo Quy hoạch chung đô thị mới An Vân Dương, kết hợp tạo cảnh quan đô thị, điều tiết thoát nước chung và thoát lũ cho thành phố.
d) Cải tạo, nâng cấp một số công trình phòng chống lũ trên sông Hương.
đ) Kết hợp trồng rừng và bảo vệ thảm thực vật đầu nguồn các sông, có quy hoạch sử dụng đất đai đầu nguồn lưu vực sông hợp lý để hạn chế sự tập trung của lũ và chống xói mòn.
3.2. Định hướng quy hoạch hệ thống thoát nước mặt đến năm 2020:
a) Lựa chọn các loại hình thoát nước:
- Sử dụng loại hình thoát nước kết hợp, phù hợp cho các khu vực đặc thù trên địa bàn thành phố Huế.
- Đối với các khu vực hiện trạng hạn chế phát triển như trong và ngoài Kinh Thành Huế, khu vực Bắc Sông Hương, các khu vực xây dựng mật độ cao ở phía Nam sông Hương: Lựa chọn loại hình hệ thống thoát nước nửa riêng, mạng lưới cống chung được cải tạo để đảm bảo vệ sinh bằng cách xây dựng thêm hệ thống cống bao chạy ven các sông, hồ (trước vị trí các cửa xả) để tách nước thải và nước mưa đợt đầu dẫn về các trạm xử lý Bắc sông Hương (đặt tại phường Hương Sơ) và Nam sông Hương (đặt tại khu đô thị mới An Vân Dương) xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh trước khi xả ra các sông.
- Đối với các khu vực phát triển xây dựng mới: Lựa chọn loại hình hệ thống thoát nước riêng, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mặt và thoát nước thải riêng biệt theo quy hoạch được phê duyệt. Hệ thống mương, cống thoát nước mặt sẽ thu gom nước mưa đổ trực tiếp ra các sông, hồ hệ thống thu gom nước thải sẽ thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp dẫn về các trạm xử lý để làm sạch trước khi xả ra môi trường.
b) Hệ thống chỉ tiêu và phương pháp tính toán:
- Các chỉ tiêu:
+ Đến năm 2020, 100% mạng lưới đường của đô thị có đường cống thoát nước mặt tự chảy.
+ Giải quyết triệt để các điểm ngập úng cục bộ trong nội thị.
+ Kết hợp giữa cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước hiện trạng, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao để tách nước thải và đầu tư xây dựng mới hệ thống thoát nước theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu trước mắt và đảm bảo cho đô thị phát triển bền vững.
- Các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng:
+ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14 tháng 12 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
+ Thoát nước. Mạng lưới bên ngoài và công trình. Tiêu chuẩn thiết kế TCXDVN 51:1984.
+ Cấp nước. Mạng lưới bên ngoài và công trình. Tiêu chuẩn thiết kế TCXDVN 33:2006.
- Phương pháp tính toán: Sử dụng phương pháp cường độ giới hạn để tính toán mạng lưới thoát nước mưa cho thành phố. Chọn chu kỳ tràn cống Pt=1-3 năm.
- Các điều kiện biên:
+ Cao độ đáy cống tại các cửa xả phải nhỏ hơn mực nước thủy triều thấp nhất trung bình Hmin=-0,64m tại trạm Kim Long để đảm bảo thoát tốt và ít ảnh hưởng mỹ quan đô thị trong cả hai mùa mưa và mùa khô. Trong trường hợp cần thiết, hệ thống thoát nước sẽ phải làm việc dưới chế độ có áp, mức ngập cho phép tạo áp ở các giếng thu nước đầu tiên từ 0,0-0,2 m cách mặt đất.
+ Có tính đến khả năng lượng nước các khu vực liên thông tràn vào là 15% để chọn kích thước cống đảm bảo thoát cho từng lưu vực nhỏ.
c) Quy trình và phương án kỹ thuật thoát nước:
- Quy trình: Thoát nước mặt theo giải pháp tự chảy.
+ Nước mưa từ các sườn núi đồi về phía Tây Nam thành phố dồn về các khe tụ thủy tự nhiên, thoát vào các trục tiêu chính của thành phố và đổ ra các sông.
+ Nước mưa các khu vực còn lại được thu gom tuần tự từ rãnh thoát nước công trình ra các tuyến cống nhánh cấp 4, tiếp theo là các tuyến cống chính cấp 3, sau đó thoát vào các trục tiêu cấp 2 chính của thành phố để ra các sông.
- Kết cấu cống: Sử dụng các loại kết cấu như cống tròn bê tông cốt thép, mương hở và cống hộp.
+ Cống tròn sử dụng trên các trục chính đô thị, các khu vực trung tâm và các tuyến có độ dốc cho phép.
+ Kênh bê tông hở sử dụng tại các tuyến vành đai và tại các vị trí phù hợp để đón nước từ các tuyến cống chính của khu vực.
+ Mương nắp đan, cống hộp được sử dụng trong các khu vực dân cư, khu vực có độ dốc nền nhỏ và các đoạn cuối tuyến thoát ra các sông nhằm giảm thiểu cao độ đáy cống, tránh ảnh hưởng mực nước thủy triều.
- Độ dốc thuỷ lực: Để tiêu thoát nước tốt, ít lắng cặn trong đường cống, đồng thời tránh phá vỡ đường ống trên những đoạn tuyến có độ dốc lớn dự kiến khống chế độ dốc thủy lực như sau:
+ Độ dốc thủy lực tối thiểu: 1/D (D là đường kính ống, tính bằng mm).
+ Độ dốc thủy lực tối đa: 0,02 các đoạn cống có độ dốc > 0,02 cần thiết kế công trình tiêu năng.
- Độ sâu chôn cống và cao độ đáy cống:
+ Độ sâu chôn cống: Đối với cống tròn đặt trên vỉa hè, khoảng cách đứng từ mặt hè đến đỉnh cống phải lớn hơn hoặc bằng 0,5 m đối với cống đặt dưới lòng đường, khoảng cách đứng từ mặt đường đến đỉnh cống phải lớn hơn hoặc bằng 0,7m.
+ Cao độ đáy cống: Cao độ đáy cống tại cửa xả tối thiểu phải nhỏ hơn mực nước thủy triều thấp nhất trung bình Hmin = -0,64 m tại trạm Kim Long.
3.3. Quy hoạch hệ thống thoát nước mặt đến năm 2015:
a) Hệ thống công trình thoát nước mặt: Quy hoạch hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mặt tạo thành mạng lưới thống nhất, liên thông từ các công trình đầu mối thoát nước cấp 1, 2, tuyến chính cấp 3 đến các tuyến nhánh cấp 4 nhằm đảm bảo chống úng ngập cục bộ và thoát nước nhanh sau lũ cho toàn thành phố.
- Các công trình đầu mối thoát nước cấp 1: Bao gồm sông Hương và các nhánh sông chảy qua địa bàn thành phố. Khu vực phía Bắc sông Hương có các sông: Bạch Yến, Kẻ Vạn, An Hòa và Đông Ba khu vực phía Nam sông Hương có các sông: An Cựu, Như Ý, Cùng, Nhất Đông, Phát Lát, Phổ Lợi,...
Tiến hành giải toả, chỉnh trang cảnh quan hai bên bờ các sông đảm bảo hành lang thoát lũ, kết hợp xây dựng kè bờ chống sạt lở ở các vị trí xung yếu đồng thời khơi thông các dòng thoát lũ chính trong khu vực nội thị như các sông: An Cựu, Phát Lát,...
- Các công trình thoát nước cấp 2: Bao gồm các kênh, mương chính, cống hộp kích thước lớn và các hồ điều tiết nằm trong các khu vực là đầu mối tiếp nhận nước thoát cho từng lưu vực sau đó đổ vào các sông. Khu vực trong và ngoài Kinh Thành có Ngự Hà, Hộ Thành Hào kết nối liên thông với hệ thống khoảng 40 hồ trong Kinh Thành. Khu vực phía Nam sông Hương có các hói: Bà Niệm, Nhất Trí, Mộc Hàn kênh số 7,... với chiều rộng trung bình từ 5-10 m.
Tiếp tục nạo vét Ngự Hà, Hộ Thành Hào xây kè bảo vệ một số tuyến kênh, mương hở hoặc cải tạo các tuyến mương đất thành mương bê tông giải tỏa các hộ dân lấn chiếm, chỉnh trang các bờ hồ, kênh mương nạo vét, hoàn trả các cửa thoát nước ra các sông. Đào thêm các kênh tiêu và hồ điều hòa theo quy hoạch chung của khu đô thị mới An Vân Dương.
- Các công trình thoát nước cấp 3: Bao gồm cống dọc theo các đường giao thông có kích thước cống các loại >1.200 mm và cống qua đường với các loại kết cấu bao gồm cống tròn có kích thước từ F1.000 đến F1.500 và cống bản có kích thước từ (2.000x3.000)mm đến (3.000x3.000)mm.
- Các công trình thoát nước cấp 4: Bao gồm hệ thống mương, cống nhánh trong các ô phố với các loại mương nắp đan B400-1.000, cống hộp có kích thước đến 1.200 mm và cống tròn bê tông cốt thép có kích thước F500-1.200.
b) Các khu vực thoát nước: Phân chia phạm vi nghiên cứu quy hoạch thành các khu vực theo vị trí, tính chất, mật độ xây dựng và hướng thoát về các sông, trục tiêu chính để thuận tiện cho việc xác định quy mô hệ thống công trình thoát nước đáp ứng chống ngập úng cục bộ và thoát lũ nhanh cho từng khu vực. Trong quá trình nghiên cứu quy hoạch chi tiết và lập dự án đầu tư, các khu vực sẽ được phân chia thành các lưu vực nhỏ theo địa hình để giảm kích thước cống, độ sâu chôn cống.
- Khu vực 1: Khu vực trong và ngoài Kinh Thành (bao gồm các phường Thuận Hòa, Thuận Lộc, Thuận Thành, Tây Lộc, Phú Bình, Phú Hòa và Phú Thuận) thoát ra các hồ, Ngự Hà, Hộ Thành Hào và các sông: Hương, Kẻ Vạn, An Hòa, Đông Ba diện tích 750 ha.
+ Bảo tồn, khơi thông hệ thống cống cổ liên thông các hồ trong kinh thành với Ngự Hà và Hộ Thành Hào. Giải tỏa, chỉnh trang, trả lại dòng chảy cho Ngự Hà, Hộ Thành Hào thoát ra các sông Đông Ba, Kẻ Vạn.
+ Bổ sung các tuyến cống trên các đường hiện trạng chưa có cống làm thêm các giếng thu, giếng kỹ thuật, hoàn thiện toàn bộ mạng lưới cống thoát cho khu vực.
- Khu vực 2: Gồm các phường Phú Hiệp, Phú Cát, Phú Hậu thoát ra các sông: Hương, Đông Ba diện tích 291 ha.
+ Nạo vét, chỉnh trang mương Tân Yên thoát ra sông Đông Ba xây dựng mới một số tuyến cống chính để thoát nước khu vực ra sông Hương.
+ Bổ sung, xây dựng hoàn thiện hệ thống mương, cống nhánh cho các khu vực dân cư hiện trạng và các khu tái định cư.
- Khu vực 3: Khu vực xã Hương Long và phường Kim Long thoát ra các sông: Hương, Bạch Yến, Kẻ Vạn diện tích 412 ha.
+ Xây thêm các cống mới trên các tuyến đường hiện có và khu du lịch tiêu ra các sông, đảm bảo thoát nước tốt cho khu vực các nhà vườn cổ phục vụ tham quan, du lịch.
+ Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cống nhánh trong các ngõ hẻm, xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước dọc các trục đường mới theo quy hoạch tăng cường hệ thống giếng thu, giếng kỹ thuật nạo vét, tu sửa các cửa xả ra sông.
- Khu vực 4: Gồm các phường An Hòa, Hương Sơ và một phần xã Hương Vinh thoát ra các sông: Hương, An Hòa diện tích 197 ha.
+ Xây dựng cải tạo hệ thống thoát nước kết hợp với chỉnh trang, bảo tồn khu vực phố cổ Bao Vinh.
+ Từng bước hoàn thiện đồng bộ hệ thống thoát nước trong quá trình đô thị hóa và xây dựng mới các khu dân cư, khu tái định cư theo quy hoạch.
- Khu vực 5: Khu vực có mật độ xây dựng cao ở phía Nam sông Hương gồm các phường Phú Hội, Phú Nhuận, Vĩnh Ninh, và một phần của phường Xuân Phú thoát ra các sông: Hương, An Cựu, Phát Lát diện tích 443 ha.
+ Giải toả các điểm ngập úng cục bộ.
+ Bổ sung cống nhánh cho các trục đường mới và các khu vực dân cư.
+ Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước tại các khu vực xây dựng mới theo quy hoạch.
- Khu vực 6: Gồm một phần các phường Xuân Phú, phường An Đông và xã Thủy Dương thoát ra các sông: An Cựu, Phát Lát, Như Ý diện tích 458 ha. Đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước tại các khu dân cư, khu đô thị mới theo quy hoạch.
- Khu vực 7: Gồm các phường An Cựu, Phước Vĩnh, Trường An, Phường Đúc và xã Thủy Xuân thoát ra các sông: Hương, An Cựu diện tích 1.070 ha.
+ Nạo vét các tuyến mương hở, kênh tiêu ra các sông, cải tạo một số cống băng đường đảm bảo thoát nước kịp thời, chống ngập úng cục bộ tiếp tục giải toả, chỉnh trang, kè bờ và nạo vét sông An Cựu để thoát lũ nhanh.
+ Hoàn thiện mạng lưới thoát nước tại các khu vực đông dân cư bổ sung hệ thống cống, giếng thu và giếng kỹ thuật cho các trục đường chính của khu vực.
- Khu vực 8: Khu vực hai bên trục đường Tự Đức - QL1A đổ vào các kênh tiêu chính khu vực thoát ra các sông: Hương, An Cựu diện tích 670 ha.
+ Nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh tiêu chính trong khu vực.
+ Hoàn thiện hệ thống cống trục đường Tự Đức - QL1A, mở rộng khẩu độ một số cầu, cống trên QL1A xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước các khu vực xây dựng mới hai bên trục đường theo quy hoạch.
- Khu vực 9: Gồm phường Vĩ Dạ và xã Thuỷ Vân thoát ra các sông: Hương, Như Ý, Cùng, Nhất Đông và các kênh dự kiến theo quy hoạch chung khu đô thị mới An Vân Dương diện tích 885 ha.
+ Hoàn thiện hệ thống thoát nước khu quy hoạch Nam Vỹ Dạ và các khu dân cư hiện trạng để chống ngập úng cục bộ.
+ Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, giếng thu và giếng kỹ thuật dọc theo hệ thống đường giao thông.
- Khu vực 10: Gồm các xã: Phú Thượng, Phú Mỹ và một phần xã Phú Dương thoát ra các kênh dự kiến theo quy hoạch chung khu đô thị mới An Vân Dương, hói Mộc Hàn và các sông: Hương, Phổ Lợi diện tích 1.014 ha.
+ Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước trong quá trình thực hiện dự án đầu tư các khu đô thị, khu dân cư và khu chức năng.
+ Đào thêm các hồ điều hòa, kênh tiêu chính theo quy hoạch chung khu đô thị mới An Vân Dương.
3.4. Quy hoạch xây dựng đợt đầu các dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2010:
Tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước trong khu vực nội thị ưu tiên giải quyết các khu vực ngập úng cục bộ: đặt thêm các tuyến cống mới cải tạo, nạo vét các cống hiện trạng xây thêm các giếng thu, giếng kỹ thuật khơi thông hệ thống cống liên thông giữa các hồ nạo vét, hoàn trả dòng chảy các kênh tiêu chính của các khu vực thông ra các sông.
a) Thứ tự ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình:
- Nạo vét các trục tiêu hở, cửa xả và các cống hiện có khu vực trong và ngoài kinh thành, các khu phố cũ có mật độ xây dựng cao.
- Giải tỏa dòng chảy bị lấn chiếm ở các hồ, Ngự Hà, Hộ thành hào, các kênh tiêu chính khu vực và các bờ sông.
- Bổ sung các tuyến cống mới tại các khu vực có mật độ xây dựng cao hoàn thiện hệ thống giếng thu, giếng kỹ thuật trên các tuyến cống dọc đường để thu gom hết nước ứ đọng trên đường.
- Xây dựng và kiên cố hóa các tuyến mương hở, các trục tiêu chính của thành phố.
b) Các hạng mục công trình ưu tiên đầu tư đến năm 2010 theo từng khu vực:
- Khu vực 1:
+ Phường Phú Bình: Xây dựng các tuyến cống nhánh tại khu vực chợ Đồn (Mang Cá nhỏ) dẫn ra Hộ Thành Hào.
+ Phường Tây Lộc: Xây dựng mới, bổ sung thêm cống các trục đường Thái Phiên và Thánh Gióng thoát ra hồ Khám và hồ Vuông.
+ Phường Thuận Lộc: Bổ sung cống các trục đường Lê Văn Hưu, Mang Cá, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Xuân Ôn.
+ Phường Thuận Hòa: Bổ sung cống dọc đường Tôn Thất Thiệp.
+ Phường Thuận Thành: Bổ sung cống các trục đường Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Nguyễn Chí Diễu, Lê Thánh Tôn, Ngô Đức Kế, Xuân 68 và Hàn Thuyên.
+ Bổ sung cống nhánh trên các đường kiệt, ngõ tăng cường các hố ga thu nước, nạo vét khơi thông các cống hiện trạng, cửa xả ra hồ và sông.
+ Tu bổ, khơi thông các cống ngầm cổ liên thông giữa các hồ trong kinh thành tiến hành giải tỏa, chỉnh trang, nạo vét hoàn trả dòng chảy cho Ngự Hà và Hộ Thành Hào thoát ra các sông: Đông Ba, Kẻ Vạn.
- Khu vực 2:
+ Bổ sung hệ thống cống cho các trục đường Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều và các khu vực dân cư mới.
+ Xây dựng đồng bộ hệ thống cống thoát kết hợp nạo vét, chỉnh trang mương Tân Yên thoát ra sông Đông Ba trong dự án đầu tư xây dựng đường Cao Bá Quát nối dài.
+ Bổ sung một số tuyến cống chính và cửa xả thoát ra sông Hương.
- Khu vực 3: Xây thêm các cống mới trên các đường hiện có và khu du lịch nhà vườn Phú Mộng - Kim Long tiêu ra sông Bạch Yến.
- Khu vực 4: Cải tạo hệ thống thoát nước trong quá trình chỉnh trang, bảo tồn khu vực phố cổ Bao Vinh.
- Khu vực 5:
+ Hoàn chỉnh, cải tạo một số tuyến cống dọc theo các trục đường để giải quyết các điểm ngập úng cục bộ tại các đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Tri Phương, Trần Quang Khải, Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Huệ, Bà Triệu và khu vực ngã 6 các đường Hùng Vương, Bến Nghé, Lê Quý Đôn, Đống Đa, Hà Nội.
+ Xây dựng mới các tuyến cống chính theo quy hoạch từ đường Bà Triệu đến sông Phát Lát, bổ sung các cống nhánh dọc theo các đường kiệt để hoàn thiện hệ thống thoát nước khu vực.
- Khu vực 6: Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước của các dự án khu dân cư, khu đô thị mới theo quy hoạch.
- Khu vực 7:
+ Hoàn thiện mạng lưới thoát nước tại các khu vực đông dân cư từ đường Điện Biên Phủ đến chân núi Tam Thai.
+ Cải tạo một số cống băng đường nạo vét các tuyến mương hở, kênh tiêu ra sông An Cựu và sông Hương.
+ Tiếp tục giải tỏa, chỉnh trang hai bờ sông, kết hợp xây kè và nạo vét sông An Cựu.
- Khu vực 8: Hoàn thiện hệ thống cống trục đường Tự Đức - QL1A nạo vét, khơi thông dòng chảy các kênh tiêu chính trong khu vực.
- Khu vực 9: Xây dựng hệ thống thoát nước của các khu dân cư hiện trạng, đấu nối hoàn chỉnh với hệ thống thoát nước khu quy hoạch Nam Vỹ Dạ.
- Khu vực 10: Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước của các dự án khu dân cư, khu đô thị mới theo quy hoạch.
3.5. Vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mặt toàn thành phố và phân kỳ đầu tư xây dựng:
Dự kiến tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mặt thành phố Huế theo phương án chọn là 988,2 tỷ đồng (chưa tính đến hệ thống cống bao và hệ thống giếng tách nước thải) trong đó, phân kỳ nguồn vốn đầu tư theo từng giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 (2006-2010): 203,4 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2 (2010-2015): 252,6 tỷ đồng.
- Giai đoạn 3 (2015-2020): 532,2 tỷ đồng.
3.6. Các giải pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mặt thành phố Huế:
a) Quản lý theo quy hoạch:
- Thực hiện nghiêm túc việc công bố quy hoạch, triển khai việc dự trữ quỹ đất để thực hiện các giai đoạn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mặt theo quy hoạch.
- Trong quá trình lập các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực và quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố phải xác định cao độ san nền và lập quy hoạch chi tiết hệ thống thoát nước mặt trên cơ sở hệ thống cao độ, tọa độ quốc gia và phù hợp với định hướng quy hoạch thoát nước mặt chung của toàn thành phố.
- Thiết lập cơ sở dữ liệu hệ thống thoát nước thành phố quản lý chặt chẽ việc đấu nối đồng bộ hệ thống thoát nước hiện có và hệ thống thoát nước của các dự án khu dân cư, khu đô thị mới.
- Tăng cường công tác quản lý hệ thống thoát nước, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ hệ thống hồ (đặc biệt là các hồ trong Kinh Thành), quy định chỉ giới hành lang bảo vệ các sông ngòi và kênh tiêu thoát chính trên địa bàn thành phố.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân có ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ hệ thống thoát nước không xả rác và các vật có thể gây tắc nghẽn vào hệ thống không lấn chiếm hành lang bảo vệ hệ thống sông ngòi và các kênh, mương tiêu thoát nước.
- UBND thành phố Huế căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định các chế tài để xử lý các trường hợp vi phạm cụ thể tổ chức lập Quy định về quản lý quy hoạch thoát nước trình Sở Xây dựng thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt, ban hành theo quy định.
b) Đầu tư xây dựng:
- Hệ thống thoát nước mặt được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ hệ thống thoát nước phù hợp với Quy hoạch thoát nước dưới mọi hình thức đầu tư. Các nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.
- Triển khai đồng bộ dự án đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Huế sử dụng nguồn vốn phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản nhằm xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thoát nước mặt thành phố Huế đến năm 2020 theo quy hoạch.
- Các đơn vị chủ đầu tư các dự án khu dân cư, khu đô thị mới phải đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mặt theo quy hoạch chi tiết được duyệt, phù hợp với quy hoạch hệ thống thoát nước mặt của thành phố đấu nối và bàn giao cho đơn vị quản lý, duy tu bảo dưỡng theo quy định.
- Khi cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là công trình giao thông có liên quan đến hệ thống thoát nước đô thị thì chủ đầu tư phải có phương án bảo đảm thoát nước bình thường và có nghĩa vụ cải tạo, phục hồi hoặc xây dựng mới đồng bộ các hạng mục công trình thoát nước có liên quan theo quy hoạch.