Sáng 5/2, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng. Đoàn Thừa Thiên Huế tham dự hội nghị có UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.
Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của Vùng
Với chủ đề "Liên kết - Đột phá từ kinh tế biển - Phát triển nhanh và bền vững", đây là hội nghị "3 trong 1" với các nội dung chính: Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và giới thiệu nông sản đặc trưng của Vùng; công bố, triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Tại phiên thảo luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề vì sao Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ chưa phát triển ngang tầm tiềm năng, cơ hội, lợi thế về con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa - lịch sử, thu nhập bình quân đầu người so cả nước còn thấp.
Tại Hội nghị, các báo cáo và ý kiến tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Nghị quyết 26-NQ/TW, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của vùng; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để triển khai Nghị quyết 26 và Chương trình hành động của Chính phủ, từ đó khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đạt được các mục tiêu.
Các đại biểu khẳng định Chương trình hành động của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Vùng. Cùng với đó là các giải pháp thúc đẩy các đột phá phát triển của các địa phương trong vùng như: Phát triển khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), đẩy mạnh hành lang kinh tế Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; phát triển du lịch Quảng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang tầm khu vực và quốc tế; xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung; phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; phát triển Khu công nghệ cao TP. Đà Nẵng; phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam)…
Phân tích về hiện trạng phát triển vùng, các đại biểu cho rằng, các cấp, ngành, địa phương đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng.
Thống nhất với các báo cáo và ý kiến phát biểu, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng trong cả nước và một số lĩnh vực có thể so với khu vực và thế giới, như các di sản được UNESCO công nhận.
Đoàn Thừa Thiên Huế tham dự hội nghị
Phát huy những tiềm năng khác biệt
Tham dự hội nghị với tham luận có chủ đề: “Giải pháp xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã thông tin tiến trình xây dựng tỉnh hiện nay.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hoàn thành Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lựa chọn mô hình đô thị trực thuộc trung ương đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữa thành thị và nông thôn, vừa giữ được nét đặc sắc của một đô thị có đặc thù về di sản mà vẫn đảm bảo những tiêu chí, tiêu chuẩn của một thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thời gian tới, tỉnh ưu tiên phục hồi và phát triển ngành du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn; khôi phục, tôn tạo lại các điểm di tích bị hư hỏng, xuống cấp thuộc Khu vực I Kinh thành Huế sau khi hoàn thành công tác di dời dân cư…
Đánh giá về dư địa để phát triển các khu công nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, Thừa Thiên Huế ưu tiên nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh... “Thừa Thiên Huế định hướng phát triển Cảng Chân Mây cùng với Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài để hình thành trung tâm logistics phía Bắc của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đầu ra tuyến hành lang kinh tế Đông Tây”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cũng thông tin về mục tiêu phát triển hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trở thành “Công viên đầm phá Quốc gia’’, đồng thời khẳng định việc tập trung xây dựng, phát triển 4 trung tâm: Văn hóa - du lịch đặc sắc; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học công nghệ và trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.