Tối ngày 27/4, Lễ khai mạc Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 5 với chủ đề “Tinh hoa nhề Việt” đã diễn ra tại sân khấu Bia Quốc Học Huế. Tới dự Lễ khai mạc về phía Bộ, ngành Trung ương có đồng chí: Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lê Bảy, Phó Giám đốc cơ quan đại diện Văn phòng Bộ, Bộ văn hóa thể thao và du lịch tại Đà nẵng. Các đoàn khách quốc tế gồm đoàn Đại sứ cộng hòa Pháp, Phần Lan, Rumani…Đại diện các Tỉnh, Thành phố trong Hiệp hội các đô thị Việt Nam. Phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các đồng chí: Trần Thanh Bình - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ngô Hòa - UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo các địa phương, các nghệ nhân làng nghề truyền thống, đông đảo du khách và nhân dân thành phố Huế.
Festival nghề truyền thống lần thứ 5 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” đã có sự tham gia của 250 nghệ nhân, gần 20 làng nghề thủ công truyền thống Huế, 12 làng nghề nổi tiếng trên cả nước gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, An Giang, Ninh Thuận, Bình Dương….và sự tham gia của đối tác nước ngoài đến từ Pháp và Nhật Bản với các hoạt động triển lãm, trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống; hội thảo khoa học "Nghề và làng nghề truyền thống Huế với phát triển du lịch", các buổi biểu diễn nghệ thuật, thời trang và hoạt động văn hóa thể thao diễn ra liên tục từ ngày 26/4 đến 1/5 sẽ là cuộc biểu dương sinh động cho trí tuệ và tài năng của những bàn tay vàng các làng nghề thủ công truyền thống tại vùng đất di sản Huế.
Đây là lần đầu tiên trong năm kỳ tổ chức, Festival nghề truyền thống lần này có sự góp mặt của các đoàn nước ngoài là Pháp và Nhật Bản với nhiều hoạt động đặc sắc, hội tụ kỹ năng dệt may của năm châu lục với gần 100 mẫu dệt may độc đáo, từ cổ xưa đến hiện đại trên chất liệu thiên nhiên, cho thấy tính sáng tạo nhằm khẳng định tính đặc trưng và vai trò sứ giả của ngành dệt may, chứng tỏ kỹ năng dệt may được lưu truyền và phát triển nhờ vào bàn tay của những nhà tạo mẫu khắp thế giới.
Thông qua các hoạt động này là dịp tôn vinh các nghệ nhân, để gìn giữ, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống của Huế nói riêng và của các vùng miền trên cả nước nói chung. Mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, các làng nghề đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển thị trường để tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa vừa mang tính truyền thống vừa hiện đại đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần cho sự phát triển ngành du lịch Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế trên bước đường xây dựng Tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, đồng chí Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND thành phố Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival nghề truyền thống 2013 nhấn mạnh: Qua 4 kỳ Festival nghề truyền thống, có thể khẳng định thành công và những kết quả đem lại của việc tổ chức Festival Nghề truyền thống đó là đã tổ chức một dạng Festival chuyên đề, đúng định hướng về xây dựng thành phố Huế là một thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam theo tinh thần Quyết định số 143/2007/QĐ-TTg ngày 30/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Festival Nghề truyền thống lần thứ 5 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” là sự tiếp nối thành công của các kỳ Festival trước với sự kết hợp giữa hai yếu tố nghề thủ công truyền thống và lễ hội nhằm giới thiệu những thành tựu trong việc khôi phục, phát triển các làng nghề và nghề thủ công truyền thống mang tính đặc thù của từng vùng miền và của địa phương, đồng thời, giới thiệu những nét đặc sắc, độc đáo về văn hóa các làng nghề truyền thống.
Lễ khai mạc diễn ra trong 90 phút bằng chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV2 với gần 200 ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ các tỉnh, thành và các đoàn nghệ thuật: Nhà hát Ca kịch Huế, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển, Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Huế... đã tham gia biểu diễn 12 tiết mục ca múa nhạc đặc sắc và ấn tượng, mở đầu cho chuỗi các hoạt động tại Festival nghề truyền thống 2013 tại Huế.
Một số hình ảnh tại đêm khai mạc: