(Báo điện tử Nhân dân ngày 09/6) Sau hơn một năm thực hiện, Ðề án "Ngày Chủ nhật xanh" với mục tiêu "Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh, sạch và sáng" đã đem lại những khởi sắc, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức và hành động bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Nỗ lực xây dựng, phát triển đô thị xanh của Thừa Thiên Huế là nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến trúc đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa của nhân loại theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng một "đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường", tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Ðề án "Ngày Chủ nhật xanh" nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 24-CT/TU của Tỉnh ủy về mở cuộc vận động "Toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch - không rác thải". Từ ý tưởng "Ngày Chủ nhật xanh", nhiều phong trào được nhân rộng, đưa Thừa Thiên Huế trở thành điểm sáng trong toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường.
Huế vốn nổi tiếng là thành phố xanh với hệ thống hơn 64 nghìn cây xanh trên đường phố, trong công viên. Nhờ đó, tiêu chuẩn về chất lượng không khí ở Huế luôn bảo đảm. Sau hơn một năm phát động, phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" dần đi vào đời sống, nhiều cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, qua phong trào này đã tăng cường trồng cây xanh, thảm cỏ. Người dân tự giác thực hiện chiến dịch "60 phút sạch nhà đẹp ngõ" tại nơi làm việc, nơi sinh hoạt, cư trú. "Ngày Chủ nhật xanh" hướng đến xây dựng những mô hình điểm nhằm nhân rộng trên toàn tỉnh. Ở TP Huế có mô hình "Huế - thành phố bốn mùa hoa", "Dòng Hương trong xanh" được giao cho Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh chủ trì phát động và thực hiện; "Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - trật tự trị an" được giao cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân thực hiện tại các đường liên thôn, xóm...
Các hệ thống siêu thị, chợ tại Huế đã hưởng ứng phong trào "nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần" bằng việc sử dụng túi giấy, túi vải. Tại siêu thị BigC Huế, lá chuối được dùng để gói rau, củ; các loại bao bì hữu cơ từ lá, túi giấy dùng để đóng, gói hàng hóa thay túi ni-lông. Bà Lê Thị Ái, người dân TP Huế cho biết: "Lúc trước, mỗi lần đi chợ tôi đều bỏ hàng hóa trong túi
ni-lông. Từ khi hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh", tôi dùng giỏ nhựa, nhiều mặt hàng gói trong lá chuối vừa vệ sinh lại bảo vệ môi trường". Tại nhiều cơ quan, công sở, chai thủy tinh đựng nước trên bàn ở phòng họp, phòng làm việc đã thay cho chai nhựa. Tại thôn Căn Sâm, xã Hồng Thượng, huyện miền núi A Lưới, phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" của đồng bào dân tộc thiểu số là những con đường bê-tông chạy dài theo đồi chè xanh mướt, sạch đẹp. Tuyến đường xanh, sạch này là mô hình của người dân thôn Căn Sâm gây dựng. Già làng người dân tộc Tà Ôi Nguyễn Sỹ Nam cho biết: "Vào ngày chủ nhật, người dân không chỉ lên rẫy, lên nương mà còn chung tay nhặt rác và trồng hoa. Ðể thôn, bản sạch, rất cần sự hợp sức. Muốn xanh, sạch, đẹp thì phải cùng nhau dọn rác!"...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, Ðề án "Ngày Chủ nhật xanh" đã tạo được sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng và Thừa Thiên Huế trở thành điểm sáng trong toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường, "nói không với túi ni-lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần", được Thủ tướng Chính phủ nhiều lần biểu dương, xem đây là mô hình điểm cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước học tập, nhân rộng.
Ngày Chủ nhật xanh" tạo được sức lan tỏa lớn là nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh. Trong nhiều tháng đầu phát động phong trào, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đến tận các vùng quê cùng người dân nhặt rác, vệ sinh môi trường. Hai món quà (giỏ nhựa đi chợ và chai thủy tinh đựng nước) mà người đứng đầu chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng trong nhiều cuộc gặp mặt cán bộ, người dân, đã hàm chứa thông điệp về bảo vệ môi trường. Nhưng lãnh đạo, người đứng đầu chính quyền làm gương chứ không làm thay. "Ngày Chủ nhật xanh" không chỉ đơn thuần là thu dọn rác, tạo cảnh quan môi trường, mà phong trào còn hướng đến thay đổi nhận thức của người dân. Nếu bạn nhặt rác thì sẽ có một người nhặt rác cùng bạn và bớt đi một người xả rác.
Hiện, các địa phương đã huy động các tổ chức đoàn thể đều đặn phát quang bụi rậm, vớt bèo, lột bỏ nhãn quảng cáo, rao vặt trái phép và tuyên truyền vận động người dân tổng dọn vệ sinh tại các điểm sinh hoạt cộng đồng, tuyến đường, trường học. TP Huế mỗi ngày đẹp và thơ mộng hơn. Những vườn hoa, công viên hoa hai bên bờ sông Hương, trên tuyến đường nối từ các cửa ngõ phía nam và phía bắc vào trung tâm thành phố đã được đầu tư. Ðể tạo ra một tuyến đường trồng sen kiểu mẫu nối từ thị xã Hương Thủy với TP Huế, người dân sẵn sàng nhường mặt hồ để trồng sen tạo cảnh quan. Giữa mùa hè, hoa sen nở bạt ngàn trên tuyến đường vào cửa ngõ phía nam thành phố. Dòng sông Hương chảy vào lòng TP Huế cũng được bảo vệ bằng hành động cụ thể của các thành viên câu lạc bộ "Cảm ơn dòng Hương" (do những người yêu Huế lập ra) để tri ân, bảo vệ dòng sông di sản. Họ bỏ tiền túi mua những vật dụng cần thiết để vớt rác, giữ mầu nước xanh trong. "Cảm ơn dòng Hương" trở thành điểm nhấn của "Ngày Chủ nhật xanh" từ tình yêu với Huế và sự tự nguyện của mỗi
người dân.
Không chỉ ở khu vực thành thị, việc triển khai mô hình xây dựng "Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, trật tự trị an" được nhân rộng, mang lại hiệu quả cao tại khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Trong đó, đã có 47 phường, thị trấn của tám huyện, thị xã trong tỉnh triển khai đội hình ra quân lập lại trật tự đô thị hằng tuần. Tại thôn Lâm Lý, xã Quảng Phước (huyện Quảng Ðiền), nơi có tuyến đường kiểu mẫu do MTTQ và các đoàn thể của xã cùng người dân chung sức xây dựng. Con đường được rải bê-tông rộng 5 m không có rác thải, thay vào đó là cây xanh và các bồn hoa được người dân chăm sóc đang khoe sắc. Ðể tránh tình trạng hình thức hóa mô hình tuyến đường kiểu mẫu, MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch, tiêu chí đánh giá và phân công nhiệm vụ; phối hợp chính quyền và các đoàn thể tổ chức thực hiện mô hình điểm ở tất cả 11 xã, thị trấn trên địa bàn. Còn tuyến đường dẫn vào trung tâm xã biên giới Nhâm (huyện A Lưới) giờ đây rợp bóng cây xanh lá. Chủ tịch UBND xã Nhâm Phan Minh Cải cho biết: "Từ dọn rác, chúng tôi tuyên truyền người dân xây dựng mô hình điểm để nhân rộng. Việc thu gom rác được các tổ chức đoàn thể phân công thực hiện với nhiều lực lượng cùng vào cuộc. Tiếng kẻng báo vào những giờ cố định là để người dân cùng nhau làm vệ sinh môi trường".
Theo đánh giá của UBND tỉnh, phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, còn một bộ phận người dân thờ ơ với phong trào; sự phối hợp của một số sở, ban, ngành, đoàn thể thiếu nhịp nhàng; tình trạng "khoán trắng" phong trào cho mỗi đơn vị vẫn tồn tại; công tác phân loại rác chưa được triển khai đồng bộ; vẫn còn vương vãi khi người dân tập kết không đúng chỗ; một số người dân còn thói quen rải vàng mã trực tiếp xuống các sông... Hiện nay, trung bình mỗi ngày có hơn 650 tấn rác thải ra môi trường tại Thừa Thiên Huế, trong đó rác thải nhựa, ni-lông chiếm hơn 6% (tương đương hơn 35 tấn/ngày); tỷ lệ thu gom, xử lý rác mới đạt gần 70%. Bởi vậy, năm 2020, để phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" tiếp tục đạt hiệu quả, cần tiếp tục nâng cao nhận thức người dân; trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nêu gương thực hiện và chỉ đạo phong trào; tập trung hoàn thiện chế tài để kiểm tra giám sát và xử phạt vi phạm.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục quán triệt phương châm "quyết liệt - đồng bộ - kiên trì"; nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương nhằm đưa phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đi vào thực chất, với tinh thần "Mỗi mét vuông đều phải có một đơn vị, một người chịu trách nhiệm về bảo vệ môi trường". Phấn đấu đạt 80% số dân có những hành động bảo vệ môi trường, thực hiện ít nhất một việc làm tham gia "Ngày Chủ nhật xanh". Muốn vậy, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Chú trọng tổ chức các hội thi, hội diễn, sinh hoạt chuyên đề, đề xuất các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp tham gia thực hiện "Ngày Chủ nhật xanh"; nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, tuyên dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong thực hiện đề án.
Cuối năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Ðây là tiền đề và cơ sở cũng như khẳng định hướng đi đúng của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua khi luôn xem công tác bảo vệ di sản, môi trường là nhiệm vụ quan trọng. Ông Phan Ngọc Thọ cho biết: Có thể cần một thời gian nữa, nền kinh tế của Thừa Thiên Huế mới theo kịp các địa phương bạn. Nhưng điều mà tỉnh có thể tự hào và sánh vai với bất cứ đô thị nào trong cả nước, đó là những giá trị văn hóa, lịch sử, con người mà Thừa Thiên Huế đã và đang có. Và không gì hơn khi giá trị ấy được tỏa sáng trong một không gian xanh - sạch - sáng!