Chuẩn bị nội dung cho buổi cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí thường kỳ hàng tuần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:
1. Đối với vấn đề Báo Thừa Thiên Huế nêu: Hiện tình trạng sạt lở đất gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Được biết, tỉnh mới có bản đồ cảnh báo sạt lở tỷ lệ 1:50.000, do đó chưa cảnh báo được nguy cơ sạt lở. Trong thời gian tới, tỉnh có giải pháp gì để giảm thiệt hại do sạt lở đất.
2. Đối với vấn đề Báo Tiền phong nêu:
a) Khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) từng được các chuyên gia nghiên cứu, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất từ tháng 6/2020. Cụ thể, TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản, cho biết trên báo chí: năm 2019, đơn vị đã tiến hành điều tra với tỷ lệ 1:50.000 và đã có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại đây. Mới đây, vào tháng 6/2020, kết quả đề án này đã được chuyển giao cho Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của Thừa Thiên Huế. Vậy, thực hư việc chuyển giao này như thế nào? Tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh đã sử dụng kết quả này vào công tác cảnh báo, phòng chống giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn, trong đó có khu vực Rào Trăng hay chưa? Sử dụng như thế nào?
b) Thừa Thiên Huế trong 20 năm lại đây xảy ra nhiều vụ sạt lở núi. Đáng chú ý, trong cơn lụt lịch sử năm 1999, tại Đá Bạc (thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) từng xảy ra sạt lở núi gây chết nhiều người. Sau đó là sạt lở núi ở phía bắc đèo Phú Gia (huyện Phú Lộc). Đường ven núi Lộc Bình (QL49B), đường QL49A Huế đi A Lưới, đường HCM qua A Lưới... cũng thường xuyên xảy ra sạt, trượt lở núi. Gần đây nhất là hai vụ sạt lở núi thảm khốc ở Tiểu khu 67 và công trường thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền) làm chết rất nhiều người. Vậy xin hỏi, tỉnh Thừa Thiên Huế đến nay đã xây dựng bản đồ cảnh báo vùng sạt lở đồi núi để công khai thông tin đến người dân biết, cũng như phục vụ công tác phòng chống thiên tai hay chưa? Nếu chưa, sắp tới tỉnh sẽ có nghiên cứu, đánh giá, khoanh vùng sạt lở núi như thế nào?
3. Đối với vấn đề Báo Xây dựng nêu:
a) Khoảng 11h ngày 12/10 xảy ra tình trạng sạt lở vùi lấp 17 công nhân của thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế). Rạng sáng 13/10 khối trượt ở Trạm kiểm lâm 67 cách thủy điện Rào Trăng 3 hơn 10 km vùi lấp 13 người của đoàn cứu hộ. Khoảng 1h00 sáng ngày 18/10 khối trượt tại huyện Hướng Hóa Quảng Trị vùi lấp 22 người của đoàn kinh tế quốc phòng 337. Như vậy, 3 khối trượt gây chết người ở 3 thời điểm, địa điểm khác nhau đều do trượt lở từ các sườn dốc tự nhiên. Cùng trong đợt mưa lũ này có đến 41 điểm trượt lở trong khu vực thì chỉ có các điểm trượt lở do tự nhiên gây chết người. Kết quả nghiên cứu của TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản năm 2019 tại huyện Phong Điền, có 40/42 điểm trượt xảy ra tại taluy - sườn nhân tạo nhưng cũng không gây chết người. Vậy xin được hỏi:
- Tổng thể từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế trượt chủ yếu xảy ra trên sườn dốc tự nhiên hay tại những điểm có liên quan đến hoạt động của con người (làm đường, xây dựng…)?
- Trượt gây chết người chủ yêu do trượt tự nhiên hay do trượt lở có liên quan đến hoạt động của con người?
b) Được biết năm 2019, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã điều tra, lập bản đồ cảnh báo trượt lở tỷ lệ 1/50.000 và đã có cảnh báo hiện tượng trượt lở tại huyện Phong Điền, trong đó có khu vực Rào Trăng 3. Khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đã được các chuyên gia nghiên cứu và cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất từ tháng 6/2020 thế nhưng dường như cảnh báo đó đã bị bỏ qua”. Vậy ý kiến của tỉnh về nhận định này như thế nào?
c) Tỉnh Thừa Thiên - Huế không phải là tỉnh miền núi nhưng diện tích vùng núi cũng không nhỏ, chiếm ¼ diện tích của tỉnh, tạo thành dải kéo dài xuyên suốt toàn tỉnh. Với điều kiện địa hình như vậy hàng năm nhân dân Thừa Thiên Huế phải luôn đối mặt với thiên tai trượt lở đất. Vậy, chiến lược lâu dài của tỉnh như thế nào để hạn chế thiệt hại do loại thiên tai này gây ra?
d) Kết quả điều tra hiện trạng trượt lở đất tại huyện Phong Điền, trong đó có khu vực thủy điện Rào Trăng 3 với tỉ lệ 1:50.000 đã được bàn giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và đang đề xuất điều tra chi tiết tỉ lệ 1:25000. Bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở tỷ lệ 1:25000 sẽ được Đề án tiến hành trong năm 2021”. Vậy kết quả nghiên cứu đó ngoài bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất và bản thuyết minh còn có có những tài liệu gì khác? Tỉnh đã triển khai sử dụng kết quả nghiên cứu đó trong việc xử lý, phòng ngừa trượt lở đất như thế nào? Các kết quả nghiên cứu đó có đáp ứng được yêu cầu dự báo, phòng ngừa trượt lở đất hay không?
đ) Từ trước đến nay các nhà khoa học nghiên cứu trượt lở đất theo xu hướng cảnh báo, nghĩa là điều tra, thu thập thông tin liên quan đến trượt lở (địa hình, thành phần và tính chất đất đá, chiều dày lớp phủ, lượng mưa hàng năm) từ đó phân chia vùng nghiên cứu thành các khu vực có mức độ nguy cơ trượt lở khác nhau gọi là bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở. Kết quả này chỉ cho biết khả năng xảy ra trượt lở của từng vùng chứ không thể dùng để dự báo trượt lở được trong khi cái mà người dân cần là dự báo thời điểm trượt lở để phòng tránh. Gần đây khoa học công nghệ nghiên cứu trượt lở đã rất phát triển, đã có công trình nghiên cứu dự báo được trượt lở. Vậy tại sao tỉnh không đầu tư cho nghiên cứu dự báo mà vẫn tiếp tục hợp đồng cho nghiên cứu cảnh báo?
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng BCH Phòng chống thiên tai và các cơ quan liên quan tham mưu câu trả lời cho báo chí, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 18/11/2020./.