Đặng Dung
  

1. Vị trí con đường

Đường Đặng Dung nằm trên địa bàn phường Thuận Thành, thuộc khu vực Thành Nội, khởi đầu từ đường Đoàn Thị Điểm, chạy qua trước mặt Đài Truyền thanh Huế, Trường THCS Thống Nhất đến đường Ngô Đức Kế, dài 582m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này hình thành vào đầu thế kỷ 19, cùng thời với việc xây dựng Kinh thành Huế. Từ 1955 trở về trước, tên chính thức trên bản đồ là đường Bộ Tham. Năm 1956 đặt lại là đường Đặng Dung, từ đó đến nay không thay đổi.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

Đặng Dung (Quý Sửu 1373 - Giáp Ngọ 1414) Danh tướng công thần số một đời Hậu Trần, con của Tri phủ Hóa Châu Đặng Tất quê ở huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh vào ngụ tại huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Sau khi cha của ông mất, ông cùng với Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy ra Thanh Hóa rước Trần Quí Khoách vào Nghệ An lập làm vua Trùng Quang, tiếp tục kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Trải qua nhiều trận đánh lớn ở Mô Độ, Thiên Quan, Thái Già ông từng làm cho quân Minh phải khiếp sợ. Ngoài việc cầm quân đánh giặc, ông còn là một nhà thơ, ông có bài thơ Thuật hoài lưu lại hậu thế, nói lên nỗi niềm uất hận và thương cảnh nước mất nhà tan. Đời sau, danh sĩ Lý Tử Tấn bạn đồng khoa với Nguyễn Trãi phê bình bài Thuật Hoài của Đặng Dung đã viết: "Phải hào kiệt chi sĩ bất năng" (nghĩa là không phải người hào kiệt không thể làm được). Lúc sa cơ, ông bị giặc Minh bắt cùng với Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy và vua Trần Quí Khoách, ông vẫn giữ lòng trung bất khuất với lý tưởng. Trường THCS Thống Nhất, Đài Truyền thanh Huế, Phòng Lao động Thương binh Xã hội. Khách sạn Thành Nội, Công an phường Thuận Thành nằm trên đường này.

Một góc đường Đặng Dung

 Bản in]