Chu Văn An
  

1. Vị trí con đường

Đường Chu Văn An nằm trên địa bàn của phường Phú Hội, về phía Nam sông Hương, khởi đầu từ đường Lê Lợi (điểm đối diện với khách sạn Century và Hương Giang), chạy qua ngã tư Võ Thị Sáu đến đường Nguyễn Thái Học (cạnh góc Sân vận động Huế), dài 360m. Đường lưu thông hai chiều.

2. Lịch sử con đường

Đường này nguyên là một kiệt nhỏ, được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ 20, năm 1908 sát nhập vào thành phố. Trước năm 1955 là đường Hương Mỹ. Năm 1956 đặt lại tên mới là đường Chu Văn An cho đến nay.

3. Tiểu sử nhân vật lịch sử gắn liền với con đường

 

Chu Văn An (Nhâm Thìn 1292 - Canh Tuất 1370), Cao sĩ đời Trần, tự là Linh Triệt, hiệu Tiều ẩn; quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Đàm (sau đổi thành Thanh Trì), tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông là một vị quan liêm khiết, một nhà giáo nghiêm khắc, mẫu mực, dạy học nổi tiếng. Đời Trần Minh Tông, ông làm quan Quốc Tử giám Tư nghiệp và thầy dạy trực tiếp của các hoàng tử. Vào lúc này ông soạn sách Tứ Thư Thuyết Ước. Học thuyết của ông là cùng lý, chính tâm, trừ tà, cự bế chú trọng về phương diện thực hành của Khổng giáo. Nhiều học trò của ông sau cũng trở thành danh sĩ như Lê Quát, Phạm Sư Mạnh. Đời Dụ Tông, ông dâng sớ xin vua chém 7 tên quyền gian, gọi là "Thất trảm sớ", song vua không nghe. Ông từ quan về ẩn ở núi Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, một thời gian sau ông mở trường dạy học. Mặc dù, sau đấy nhiều lần vua có chỉ triệu, nhưng ông đều từ chối. Nhưng mỗi khi nước nhà có biến sự, hội triều ông mới chịu đến tham nghị. Ngoài dạy học, ông còn viết sách làm thơ chữ Hán và Quốc âm. Năm 1370 ông mất, được vua Trần Nghệ Tông ban tên thụy là Văn Trinh, tước Văn Trinh Công, hiệu Khang Tiết thờ ở Văn Miếu. Con cháu ông nhiều đời sau cũng lắm người nổi tiếng. Ông là nhà giáo dục lớn của nước ta. <st1:place w:st="on">Chu Văn An để lại bộ sách Tứ Thư Thuyết Ước, tập thơ Tiều ẩn thi tập, Quốc ngữ thi tập (tập này bị quân Minh lấy đưa về Tàu).


Góc đường Chu Văn An

 

 Bản in]