Lễ Đăng Quang
  

Với ý nghĩa chính thức mở đầu một triều vua, mở đầu một giai đoạn mới của chế độ, lễ Đăng Quang (vua lên ngôi), được coi là một đại lễ trang trọng hàng đầu, không chỉ liên quan tới cuộc sống cung đình mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ cuộc sống xã hội của đất nước.

(Thế tổ Cao Hoàng Đế - vua Gia Long – đăng quang ngày 12-5-1806.

Thánh tổ Nhân Hoàng Đế - vua Minh Mạng – đăng quang ngày 1 tháng Giêng – 1820.

Hiến tổ Chương Hoàng Đế - vua Thiệu Trị - đăng quang ngày 20 tháng Giêng – 1841....)

Nhìn chung, nghi tiết, điển lễ lên ngôi qua các đời vua không thay đổi nhiều lắm. Lễ Đăng Quang của vua Thiệu Trị (1841-1847) – vị vua kế thừa ngôi báu của Minh Mạng, kế thừa giai đoạn thịnh trị nhất của vương triều Nguyễn được tổ chức theo nghi thức.

Trước mấy ngày, bộ Lễ cử người đến làm lễ tế ở đàn Nam Giao, Thái Miếu, Triệu Miếu để kính cáo thiên hạ, liệt thánh, dọn dẹp trong và ngoài Kinh thành cho sạch đẹp, nhất là những địa điểm được chọn làm nơi tổ chức các nghi lễ cần thiết. Trước lễ một ngày, tại điện Thái Hòa, bộ Lễ đặt sẵn 2 hoàng án trước ngai vàng; 2 châu án ở hai gian tả, hữu; 2 đội tiểu nhạc ở tả, hữu bệ rồng; 2 đội đại nhạc ở tả, hữu thềm điện.

Vào canh năm ngày lễ, ở lầu Ngọ Môn vừa gióng lên 3 hồi trống, trên Kỳ Đài lập tức treo cờ khánh hỷ, biền binh đưa đại giá lỗ bộ đến sân sau điện Thái Hòa, đặt một long đình có che tàn lọng trước cửa Ngọ Môn và dàn bày nghi thức thường triều tại sân điện Cần Chánh.

Tờ mờ sáng, Nội Các cử người đến điện Cần Chánh lĩnh hòm ấn ngọc, hộp son, ống kim phụng đựng tờ chiếu đưa ra điện Thái Hòa, hòm ấn ngọc đặt trên hoàng án chính giữa, hộp son trên châu án ở gian bên tả. Đồng thời, bộ Lễ cử người nhận hòm kinh sách, hòm biểu mừng, lễ mừng đặt lên các án còn lại trong điện. Các viên quan tuyên chiếu, đọc biểu đứng chực ở chái đông. Hoàng tử, hoàng thân, hoàng công, hoàng đệ và bách quan văn, võ theo ban tập hợp đông đủ trong, ngoài điện Thái Hòa. Các tôn nhân, tôn sinh, giám sinh đứng ở tả, hữu phía nam cầu Kim Thủy. Quan Kinh Doãn phủ Thừa Thiên hướng dẫn kỳ lão các huyện thuộc phủ đến chực hầu ở hai bên sân Phu Văn Lâu.

Đến giờ, sau khi bộ Lễ và viên Thị vệ đại thần cho vua biết công việc sửa soạn đã nghiêm chỉnh, đầy đủ vua Thiệu Trị trong phẩm phục đại triều từ nội điện bước ra, uy nghi lên ngự tọa ở điện Cần Chánh. Ty Loan giá đưa kiệu tới thềm điện, tâu mời vua lên xa giá. Chuông trống gióng giả vang lên trên lầu Ngọ Môn. Đến thềm phía bắc điện Thái Hòa, nhà vua ung dung bước lên các bậc cấp. Chuông trống ngừng bặt trên lầu Ngọ Môn, 9 tiếng súng lệnh nổ vang. Bây giờ, vua ngự lên ngai vàng. Thái giám đốt lò trầm hương nghi ngút. Bách quan, trong tư thế bày hàng định sẵn, đồng loạt lạy 5 lạy làm lễ tấn tôn, xong tất cả đều quỳ.

Một viên quan Nội Các kính cẩn bưng hòm đựng Kim sách đặt lên trên hoàng án ở phía trước ngai vàng. Quan đọc kim sách bước đến thềm điện ở gian giữa, mặt hướng về ngai vàng, quỳ xuống tiếp nhận kim sách do quan Nội Các giao, sau đó sang sảng tuyên đọc:

“Trộm nghe: đặt ra vua thầy là chí lý của thượng đế thương dân chúng, lên ngôi hoàng đế là danh hiệu của thánh nhân”.

Sau khi nêu rõ di chiếu truyền ngôi cho đức kim thượng của vị vua quá cố (Minh Mạng), đức độ của vua kế nhiệm và ý nghĩa suy tôn của bề tôi, sách văn kết thúc bằng những lời trang trọng.

“Cúi xin: trước thì nghĩ lo tính kế lâu dài cho nhà nước, sau thì chiếu cố lòng suy tôn của thần dân. Danh hiệu vẻ vang, sớm lên ngôi báu. Noi theo nghiệp lớn, trời Nam soi sáng bốn phương, bảo vệ nhân dân vận nước muôn phúc hưởng thụ. Bọn tôi hết mực trông mong, không xiết vui mừng”.

Bách quan đứng dậy lễ 5 lạy.

Tiếp theo, làm lễ Khánh hạ. Hai quan Nội Các chia nhau bưng hòm biểu mừng và hòm lễ mừng trên các châu án, sau đó giao cho viên quan đọc biểu quỳ ở thềm điện trước ngai vàng. Vị này mở hòm biểu và đọc to. Đọc xong, bách quan quỳ vái rồi đứng dậy làm lễ 5 lạy.

Một viên quan bộ Lại quỳ tâu: Xin vua dùng ấn ngọc. Hai quan Nội Các mở  hòm ấn ngọc và ống kim phụng đựng tờ chiếu vua ban, lấy ấn ngọc đóng vào tờ chiếu. Lễ Khánh hạ mừng vua lên ngôi đến đây hoàn tất. Vua Thiệu Trị rời ngai vàng. Trên lầu Ngọ Môn phát 9 tiếng súng lệnh. Đến diện Cần Chánh, nhà vua ngự lên bảo tọa để các hoàng tử nhỏ tuổi, các hoàng đệ, công tử vào làm lễ 5 lạy. Xong, vua rời bảo tọa vào nghỉ ngơi ở nội cung.

Tại điện Thái Hòa, sau khi vua Thiệu Trị rời ngai vàng vào điện Cần Chánh, bộ Lại và Nội Các cử người giao ngay các hòm ấn ngọc, hộp son, hòm đựng ân chiếu vua ban tới các trực, tỉnh cho các quan Thái giám đưa vào cung vua. Một đoàn rước tờ chiếu đựng trong ống kim phụng ra Ngọ Môn được thành lập bao gồm đại biểu các bộ, nha, ty, sở, các hoàng thân, hoàng công, hoàng tử, hoàng đệ. Đoàn rước vượt qua sân Đại Triều, cầu Trung Đạo, chia ban đứng trên lầu Ngũ Phụng, trước và sau cửa Ngọ Môn.

Sau khi lập ban xong, viên quan Tuyên chiếu bước tới gian chính giữa lầu Ngũ Phụng xướng to: “Có chiếu vua ban”. Bách quan nhất nhất quỳ xuống. Tờ ân chiếu được hai quan Nội Các bưng ra. Quan Tuyên chiếu hướng mặt về phía nam đọc to. Sau khi ca ngợi công đức, sự nghiệp của vua tiền nhiệm và vua cha Minh Mạng vừa quá cố, việc chuẩn bị đại lễ Đăng Quang, mục đích và ý nghĩa mình nhận ngôi thiên tử, nguyện vọng của thần dân cả nước, bản tuyên chiếu công bố 23 điều ân thưởng:

1. Ban thưởng cho hoàng thân công, quận công, hoàng đệ, phủ Tôn Nhơn.

2. Gia cấp bậc cho hoàng tử, thân phiên và quan viên văn,võ.

3. Kính tế đàn Xã Tắc, miếu Đế vương các đời, Văn Miếu, miếu Thành Hoàng ở Kinh đô và vật thần kỳ trong tự điển ở Kinh và các trấn.

4. Kính tế ở danh sơn, đại xuyên.

5. Miễn thu thuế tiền thóc năm Thiệu Trị thứ nhất.

6. Miễn các thuế lệ tiền thóc, sản vật trước đây còn thiếu và số thóc công vay mượn.

7. Chuẩn mở ân khoa thi Hương, thi Hội.

Gia thưởng lương bổng cho các quan viên từ thất phẩm đến cửu phẩm.

8. Gia thưởng tiền lương cho các vị nhập lưu thư lại các nha và lễ sinh, y sinh, tượng y, pháp lục, chiêm hậu, nha lại các phủ, huyện.

9. Gia thưởng tiền thưởng cho các giám sinh, ấm sinh, học sinh, cử nhân, tú tài làm việc ở bộ và các tỉnh.

10. Gia thưởng tiền lương cho các biền binh ở Kinh, các trấn, và nhân công lò mổ ở Kinh.

11. Cấp đủ tiền hàng tháng cho lính giản ngũ.

12. Cấp tiền lương cho các phu trạm.

13. Gia thưởng tiền lương cho tráng hạng thuộc các hộ biệt nạp, dân đinh già ốm.

14. Cho khôi phục các nhân viên bị giáng.

15. Miễn cho số tiền bị xử phạt bổng.

16. Bổ dụng các nhân tài, phẩm hạnh tốt ẩn dật nơi rừng núi.

17. Bổ sung các nhân sĩ tinh thông võ nghệ, tài sức hơn người.

18. Lượng bổ tú tài 40 tuổi làm chức dạy học.

19. Miễn giảm mức phạt cho các tù tử hình và các tù phạm đang bị giam giữ.

20. Tha bổng cho phạm nhân bị tội quân, tội lưu trở xuống.

21. Miễn giảm cho kẻ trốn tránh, tự ra đầu thú.

22. Miễn giảm cho các án xử bôi lang chưa thanh toán.

Đọc xong, tờ chiếu được treo vào sợ dây tơ, do quan bộ Lại, bộ Hộ từ từ thả xuống sân Ngọ Môn. Bộ Lễ đón nhận tờ chiếu đặt lên phong đình. Ty Loan Nghi từ từ rước long đình ra Phu Văn Lâu giữa hai hàng tàn lọng, nghi trượng theo hầu. Sau đoàn rước là quan viên hai bộ Lại, Hộ.

Đến Phu Văn Lâu, tờ chiếu được dán lên, công bố rộng rãi cho dân chúng trong Kinh và các tỉnh biết. Quan Kinh Doãn phủ Thừa Thiên, quan đứng đầu các huyện hướng dẫn các kỳ lão nghe đọc chiếu và làm lễ 5 lạy. Tờ chiếu được bộ Lại, bộ Hộ đem phân phát cho các địa phương trong cả nước.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ