Đình Thanh Thủy Chánh - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh
  

Sự ra đời của Đình Thanh Thủy Chánh

Làng Thanh Thủy Chánh và xã Thủy Thanh là một trong những vùng đất có bề dày về truyền thống yêu nước và chống giặc ngoại xâm. Chính trên mảnh đất hiền hòa, tươi đẹp với những con người cần cù, bình dị nhưng anh dũng, bất khuất này, các phong trào yêu nước đấu tranh và cách mạng đã hình thành và phát triển, góp phần cùng nhân dân huyện Hương Thủy và Thừa Thiên Huế viết nên những trang sử hào hùng. Đình làng Thanh Thủy Chánh chính là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử cách mạng trọng đại của dân làng Thanh Thủy Chánh.

Trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám năm 1945, đình làng trở thành địa điểm thành lập và ra mắt chi bộ Đảng xã, các tổ chức quần chúng cách mạng như Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ phản đế…, sau là trụ sở của Ủy ban Cách mạng Lâm thời và nơi tập trung huấn luyện dân quân du kích chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Tại đây, vào ngày 20/8/1945 đã diễn ra buổi mít tinh thành lập chính quyền mới của dân làng, góp phần cùng nhân dân cả nước lật đổ chính quyền thực dân phong kiến.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đình làng trở thành nơi tập luyện, cất giấu vũ khí chuẩn bị cho phong trào Đồng Khởi 1964. Ngày 31/10/1964 cùng với nhân dân trong xã, sau khi tổ chức mít tinh tại đình làng, nhân dân trong làng đã tỏa ra các hướng nổi dậy phá kìm giành quyền làm chủ, giải phóng toàn xã.

Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân (1968), tại khu vực đình làng, lực lượng du kích địa phương đã phối hợp với bộ đội chủ lực huyện Hương Thủy đánh bại cuộc càn quét của tiểu đoàn biệt động 39 của địch. Mùa xuân năm 1975, đình làng trở thành địa điểm đóng quân của một bộ phận Ban chỉ đạo chiến dịch của huyện Hương Thủy chỉ huy bộ đội đánh địch giải phóng Huế.

Cùng với mảnh đất và con người nơi đây, Đình làng Thanh Thủy Chánh đã góp phần tô điểm thêm truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân làng Thanh Thủy Chánh trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đang chứng kiến những thay đổi ngày càng tốt đẹp hơn trong đời sống kinh tế, văn hóa,  xã hội của địa phương, cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trải qua thời gian đình làng Thanh Thủy Chánh được trùng tu vào các năm 1972, 2005... Trong quá trình trùng tu sửa chữa một số bộ phận mái, cột kèo... và  xây kè đá quanh hồ bán nguyệt.

Khảo tả Di tích

Đình Thanh Thủy Chánh nằm trong thửa đất có ký hiệu CDK, gồm có các công trình: Hồ Bán nguyệt; Trụ biểu, la thành; Bình phong; Sân đình và Đình. Ngoài các công trình chính đó, hiện nay tại đình còn lại một phần nền móng của nhà tăng trước đây (nhà tăng đã bị sập trong thời gian chiến tranh, đến nay vẫn chưa được dựng lại).

Hiện nay ở trong đình còn có một số hiện vật sau: 03 án thờ bằng gỗ lớn phía trước;   04 bức hoành phi bằng gỗ; 06 cặp câu đối chữ Hán bằng gỗ; 02 bộ lỗ bộ bằng gỗ; 01 trống cùng các đồ thờ tự trên các hương án: bình hoa, bát nhang, đài trầu nước, quả bồng…

Các hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra tại Di tích

Với truyền thống “Ly hương bất ly tổ”, ban nghi lễ của làng được thành lập, có nhiệm vụ tổ chức hội họp, duy trì các hoạt động lễ tế theo đúng thuần phong mỹ tục của địa phương. Hàng năm vào dịp thượng tuần tháng 7 âm lịch, Lễ Xuân tế, Thu tế, tết Nguyên Đán…đó là những ngày lễ lớn của làng, bà con đi làm ăn xa có dịp trở về tề tựu để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, các bậc tiền nhân, những người có công... cùng quây quần bên nhau ôn lại những thuyền thống tốt đẹp của dân làng, cùng chung tay gìn giữ bảo tồn thuần phong mỹ tục, xây dựng làng ngày một khang trang hơn.

Đánh giá giá trị Di tích

Là một trong những làng xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhưng làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét đặc trưng văn hóa của người Việt trên vùng đất mới. Hệ thống đình, chùa, miếu mạo, nhà thờ họ... gắn liền với các nghi thức tế lễ, hò vè, trò chơi dân gian… Ở làng Thanh Thủy Chánh còn có một công trình kiến trúc hết sức đặc sắc được xếp hạng di tích quốc gia – đó là Cầu ngói Thanh Toàn. Đây là một công trình có giá trị văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cao.

Trong số các công trình kiến trúc ở làng, đình có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tâm thức của người dân làng Thanh Thủy Chánh. Đó là nơi thiêng liêng để người dân tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân đã có công dựng làng, dựng nước, để gửi gắm những mong ước của dân làng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc; là trung tâm sinh hoạt của một cộng đồng dân cư trên một vùng đất; là nơi bảo tồn, gắn kết hiện tại với quá khứ và gắn bó mỗi cá nhân thành cộng đồng xã hội. Những lễ hội được tổ chức hàng năm ở đình cùng với những hoạt động sinh hoạt tập thể khác mang đậm nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, của người dân địa phương.

 Mặc dù có quy mô không lớn, nhưng Đình Thanh Thủy Chánh có giá trị về mặt kiến trúc mang phong cách nhà rường truyền thống của xứ Huế. Với hệ thống cột, kèo, xuyên, trến, cùng với các họa tiết chạm khắc trên gỗ, các môtip, đề tài trang trí ở phần mái, bờ nóc, bờ quyết; các đầu cù, vì kèo, xuyên... đã phần nào phản ánh tâm tư, tình cảm và ước vọng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước với mong muốn, cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, xã hội an bình, thịnh vượng.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình Thanh Thủy Chánh còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng trọng đại của dân làng: Là địa điểm tổ chức mít tinh giành chính quyền năm 1945 và trụ sở Ủy ban Cách mạng; là địa điểm thành lập và ra mắt chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể cách mạng của địa phương; là nơi tập trung huấn luyện dân quân du kích... Vì vậy, đình làng Thanh Thủy không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa vật chất, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của làng, mà còn là nơi để giáo dục về lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường và ghi nhớ những hy sinh mất mát của cha ông để bảo vệ quê hương. Để từ đó thế hệ trẻ hôm nay ý thức được trách nhiệm của mình trong việc lưu giữ và ngày càng phát huy tốt hơn những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của cha ông, đoàn kết, chung sức, chung lòng xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.    

Ngày 21/3/2011, UBND tỉnh đã có Quyết định số 653/QĐ-UBND công nhận Đình Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. 

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]

Du lịch

Dịch vụ