Chỉ thị 40-CT/TW tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Hương Trà
  
(CTTĐT) - Cùng với nguồn vốn của Trung ương, nguồn vốn được tỉnh phân bổ, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã góp phần không nhỏ giúp Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Hương Trà có thêm nguồn lực đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho người dân trong vay vốn phát triển kinh tế
Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương hỗ trợ cho người dân trong vay vốn phát triển kinh tế

Năm 2017, tận dụng nguồn vốn kết dư từ dự án phi chính phủ tài trợ, UBND phường Hương Xuân đã thu hồi và chuyển giao số tiền 149 triệu đồng sang NHCSXH thị xã để bổ sung thêm nguồn vốn giải quyết nhu cầu vay của các hộ dân trên địa bàn phường. Đây là một trong số rất ít địa phương cấp xã thực hiện chuyển vốn sang NHCSXH để cho vay.

Chủ tịch UBND phường Hương Xuân (thị xã Hương Trà) Trần Lưu Đức cho hay, nhu cầu vay vốn NHCSXH trên địa bàn rất lớn, nhưng nguồn vốn này hiện không nhiều. Để đồng hành cùng nguồn vốn tín dụng chính sách, Đảng ủy, UBND phường đã tăng cường tuyên truyền huy động người dân tham gia gửi tiết kiệm, đồng thời tận dụng nguồn vốn kết dư từ dự án phi chính phủ để bổ sung cho vay. Dù số vốn này không lớn, nhưng cũng góp phần giải quyết phần nào nhu cầu vốn tại chỗ cho người dân.

Ngoài ra, hàng năm HĐND, UBND thị xã cũng chuyển bình quân từ 500- 600 triệu đồng sang NHCSXH thị xã để bổ sung vào nguồn vốn cho vay. Hiện, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách thị xã chuyển sang NHCSXH thị xã để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt 5,4 tỷ đồng.

Để nguồn vốn này phát huy được hiệu quả, Thị ủy, UBND thị xã thường xuyên chỉ đạo NHCSXH thị xã, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất huy động các nguồn lực, lồng ghép, gắn kết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thị xã. Đảm bảo lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tổ chức tập huấn và hướng dẫn người dân các kiến thức cơ bản về tài chính, ngân hàng, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, sử dụng vốn vay hiệu quả, khuyến khích người vay tham gia xây dựng các mô hình sản xuất, chuỗi liên kết, tổ hợp tác... nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội.

Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc NHCSXH Hương Trà cho biết, từ khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn nhận được nhiều hơn sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đến gần với người dân hơn, chất lượng tín dụng ngày một nâng lên. Tính đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp trên 8.000 hộ trên địa bàn thị xã vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 7 nghìn lao động (gần 300 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 27.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 2.000 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách…

Tỷ lệ hộ nghèo toàn thị xã đến cuối năm 2021 xuống còn 3,57% theo chuẩn nghèo mới và đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã còn 1,5%.

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]