"Công nghiệp Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, đang vượt ngưỡng"
  
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng khi vào làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế tháng 3/2009. Bộ trưởng đã đánh giá cao những thành quả về kinh tế- xã hội mà Thừa Thiên Huế đã làm được trong những năm qua cũng như những tháng đầu năm 2009. Bộ trưởng cho rằng: Tình hình kinh tế, an sinh xã hội của Thừa Thiên Huế phát triển rất rõ nét, nhất là lĩnh vực công nghiệp. Ông nhấn mạnh “công nghiệp Thừa Thiên Huế đang vượt ngưỡng và chuyển sang giai đoạn mới”, cụ thể năm 2008 giá trị SXCN cả nước bình quân chỉ đạt 14%, trong lúc Thừa Thiên Huế đạt 17,7%, giá trị xuất khẩu cả nước bình quân tăng 29,1% thì Thừa Thiên Huế tăng 36,9%.. Bộ trưởng cho rằng cách đi của Thừa Thiên Huế là đúng hướng, tỉnh đã làm rất tốt quy hoạch cả về công nghiệp lẫn thương mại.
Một góc Khu công nghiệp Phú Bài
Một góc Khu công nghiệp Phú Bài

Để có được một nền công nghiệp “mạnh” vượt ngưỡng hôm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có khá nhiều điều chỉnh về cơ cấu kinh tế. Nếu giai đoạn 2001 - 2005 là giai đoạn đầy biến động của cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực của Thừa Thiên Huế với hàng loạt doanh nghiệp công nghiệp bị phá sản như bao bì Thái Hòa, da giày, cơ khí ô tô, chế biến thủy hải sản… đến nay vẫn chưa giải quyết xong hậu quả thì giai đoạn từ 2006 đến nay với nghị quyết của tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp” đã giải quyết hàng loạt vướng mắc về đầu tư trước đây, đưa ngành công nghiệp Thừa Thiên Huế bước sang giai đoạn mới, chất lượng, hiệu quả hơn. Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Khu công nghiệp Phú Bài và các cụm công nghiệp, làng nghề khác đã từng bước phát huy hiệu quả, giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng tăng cao. Nếu năm 2007 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.000 tỉ đồng, sang năm 2008 dù kinh tế có khó khăn nhưng giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng trưởng khá, đạt trên 4.700 tỉ đồng, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng GDP của Thừa Thiên Huế lên 10,05%; xuất khẩu đạt 110,732 triệu USD, tăng 36,9%; thu ngân sách vượt kế hoạch, đạt 1.933 tỉ đồng, xếp thứ 20 cả nước; chỉ số cạnh tranh xếp thứ 10 cả nước. Năm 2009 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt trên 5.700 tỉ đồng, tăng trên 20% (kế hoạch 19,9%); kim ngạch xuất khẩu đạt trên 140 triệu USD; tổng thu ngân sách nhà nước lần đầu tiên vượt trên 2.000 tỉ đồng (2.100 tỉ đồng); có 98,5% số hộ sử dụng lưới điện quốc gia, giảm tổn thất điện năng xuống còn 5,79%... Những sản phẩm chủ yếu là: xi măng 2.500 nghìn tấn, bia 160 triệu lít, sợi các loại 22.500 tấn, hải sản đông 1.500 tấn, men nền Frit 25.000 tấn, thuốc viên 307 triệu viên, tinh bột sắn 15.000 tấn, Ilmenhit 32.724 tấn, gạch men sứ
1,8 triệu m2; dăm gỗ 300.000 tấn, điện sản xuất 170 triệu kwh...

Năm 2009 cũng đón nhận nhiều dự án công nghiệp được triển khai như dự án mở rộng Nhà máy dệt kim 1,5 triệu USD; dây chuyền 2 nhà máy Bia Phú bài gần 9 triệu USD, dây chuyền 5 của Công ty Xi măng Luskvaxi 1,8 triệu tấn/năm (2.978 tỉ đồng), nhà máy xi măng Long Thọ II 350.000 tấn clanhke/năm (468,8 tỉ đồng), nhà máy xi măng Đồng Lâm 1,4 triệu tấn/năm (3.642 tỉ đồng), nhà máy xi măng Nam Đông 1,8 triệu tấn/năm (3.282 tỉ đồng), nhà máy ô tô Thống Nhất Huế Phú Bài công suất 8.000 xe/năm (234 tỉ đồng), dây chuyền luyện nhựa Alkyd của Công ty Sơn Hoàng Gia … Những dự án mới đưa vào hoạt động như Sợi Phú Thạnh, Phú Nam, dệt may Scavi, HBI Việt Nam, thủy điện Bình Điền… được hỗ trợ tối đa để phát huy năng lực sản xuất. Chưa kể đến hàng chục dự án khác tỉnh đã có chủ trương đồng ý và chủ đầu tư đang xúc tiến các thủ tục như dự án khai thác khoáng sản vàng ở Hương Thủy; chế biến vàng ở A Lưới; Sản xuất đồng hồ và hàng trang sức ở cụm công nghiệp Hương Sơ; nhà máy may xuất khẩu và sản xuất phụ liệu ngành may tại cụm công nghiệp Hương Sơ, sản xuất sản phẩm thủy tinh chất lượng cao ở Phong Điền; Nhà máy chế biến thủy sản tại khu công nghiệp Phong Điền; dự án sản xuất than bùn, đầu tư mỏ đá, nguyên vật liệu xây dựng ở Hương Trà, Phong Điền…

Thừa Thiên Huế cũng làm rất tốt công tác qui hoạch như ngoài 9 dự án thủy điện bậc thang trên sông Hương được Bộ Công Thương phê duyệt thì tỉnh cũng qui hoạch 12 dự án thuỷ điện nhỏ khác với tổng công suất 106,5 MW; quy hoạch phát triển công nghiệp đến 2020; quy hoạch các khu công nghiệp; khôi phục và phát triển các làng nghề; danh mục các ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn và các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; hoàn thành đề án điều chỉnh Chương trình xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ giai đoạn 2007 - 2015, chương trình phát triển thương mại nội địa đến 2020, điều chỉnh quy hoạch phát triển thương mại Thừa Thiên Huế đến 2020, quy hoạch mạng lưới chợ, siêu thị; quy hoạch mạng lưới xăng dầu..

Ông Hồ Xuân Mãn - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: Thừa Thiên Huế nhiều năm qua rất chú trọng phát triển các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động như dệt may. Ngoài các dự án của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng Công ty Dệt may Phong Phú… tỉnh đã cấp phép cho các Tập đoàn dệt may của Mỹ, Hungari và sẵn sàng cấp phép đầu tư, mở rộng cho các dự án khác của Tập đoàn Dệt may Việt Nam… Trong hướng phát triển sắp đến, Ông cũng đề nghị khôi phục và lắp mới tuyến dẫn dầu từ cảng Chân Mây đến Trung và Nam Lào; mở rộng kho xăng dầu ở cảng Chân Mây lên 70.000m3; đầu tư các Trạm hạ thế 110 KV phục vụ cho Nhà máy xi măng Nam Đông và một số dự án khác; di dời nhà máy lắp ráp ô tô của tập đoàn Công nghiệp - ô tô Việt Nam ra khỏi thành phố về khu công nghiệp để tránh ô nhiễm môi trường; hỗ trợ vốn cải tạo lưới điện nông thôn (dự án ReII); dự án liên doanh mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài…

Tuy đã “vượt ngưỡng” nhưng để ngành công nghiệp Thừa Thiên Huế có bước phát triển đúng hướng, chất lượng, hiệu quả và bền vững, xứng đáng là đô thị hạt nhân của vùng, Thành phố trực thuộc Trung ương sắp đến… Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã đề xuất với tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm đến 5 vấn đề:

1/ Cần quan tâm đến phát triển công nghiệp, thương mại một cách bền vững, những dự án ảnh hưởng đến môi trường cần cương quyết xử lý, di dời.

2/ Tỉnh cần quan tâm phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ - cung cấp nguyên phụ liệu cho các cơ sở sản xuất lớn.

3/ Lưu ý đến việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề đang hạn chế về số lượng, cần mở rộng.

4/ Cần quan tâm hơn nữa lĩnh vực thương mại, nhất là hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ.

5/ Thừa Thiên Huế là địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nên cần lưu ý đến việc phát triển vùng, làm hạt nhân để lan toả ra các tỉnh lân cận trong khu vực.

Với những giải pháp phát triển công nghiệp đầy hiệu quả của giai đoạn 2006 - 2010 cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, chính sách kích cầu của địa phương, tin rằng giá trị sản xuất công nghiệp của Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, những chỉ tiêu của năm 2010 như GDP bình quân đầu người đạt 950 USD; kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt mức 300 triệu USD; thu ngân sách trên 2.500 tỉ đồng… Thừa Thiên Huế sẽ vượt kế hoạch đề ra.
Trần Minh Tích
 Bản in]