Chương Dương
  

1. Vị trí con đường

Đường Chương Dương nằm trên địa bàn phường Phú Hòa, khởi đầu từ đường Trần Hưng Đạo (giáp Bắc cầu Trường Tiền), chạy vòng ra phía bờ sông Hương ôm lấy chợ Đông Ba đến gặp lại đường Trần Hưng Đạo (có một nhánh mới lòn qua gầm cầu Gia Hội gặp đường Huỳnh Thúc Kháng), dài 700m.

2. Lịch sử con đường

Đường được hình thành vào đầu thế kỷ 20, nguyên xưa là đất bờ sông được triều đình Huế chọn để dời chợ Qui Giả từ cửa Đông Ba ra lập tại đây, nhân đấy mà mở đường này. Trước chỉ là con đường đất men sông rất nhỏ, dành cho xe kéo và người gồng gánh hàng hóa vào chợ. Sau một thời gian cơ giới phát triển, lại đặt bên cạnh chợ một bến xe lam nên đường này sớm mở rộng. Năm 1956 đặt tên là đường Chương Dương, từ đấy đến nay không thay đổi. Dân gian thường gọi là đường Bến đò Đông Ba, có người lại gọi là đường Bờ sông Đông Ba.

3. Địa danh lịch sử gắn liền với con đường

Chương Dương Là tên gọi một bến bãi ở bên phải sông Hồng, còn có tên là bãi Tự Nhiên, nay thuộc xã Chương Dương, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Tên đất có từ thời nhà Ngô lập quốc. Là nơi Bình Vương Dương Tam Kha bị Tấn Vương Ngô Xương Văn đày tới ở, và hạ tước xuống làm Chương Dương Công. Cũng chính nơi đây từng ghi nhiều chiến công chống ngoại xâm của cha ông ta ngày trước, đặc biệt nhất là triều Trần đánh thắng đại thủy quân Nguyên Mông vào tháng 6/1285, khiến bọn Thoát Hoan phải tháo chạy. Sau chiến thắng Chương Dương, Hàm Tử, Trần Quang Khải đi rước hai vua Trần từ hành cung chiến khu trở về Thăng Long, ông cảm xúc đã viết bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư" (Phò giá về kinh), như sau: "Chương Dương cướp giáo giặc, Hàm Tử bắt quân thù. Thái bình nên gắng sức, Non nước ấy ngàn thu". Địa danh Chương Dương được nhiều thành phố, thị xã trong cả nước lấy đặt tên đường phố. Cạnh đường Chương Dương hiện còn lưu lại bến đò dọc xuôi phá Tam Giang, Đại Lược; bến đò ngang Tòa Khâm xưa, nay vẫn tấp nập thuyền bè đi về nhiều ngả sông nước.


Góc đường Trần Hưng Đạo (Trước Nhà văn hóa Thành phố Huế)

 

 Bản in]