PHỤC VỤ CÁC KỲ HỌP
<< < 1 2 3 4 > >>

Giải trình ý kiến cử tri

Trả lời kiến nghị cử tri tại Kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh khóa VII

Cử tri Thị xã Hương Thủy: Cử tri Thủy Thanh bày tỏ lo lắng khi Nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động có đảm bảo an toàn cho người dân sống xung quanh khu vực Nhà máy và vùng phụ cận: đặc biệt là việc xả thải nước ra các con sông qua xã Thủy Thanh với lưu lượng lớn có đảm bảo an toàn cho nhân dân sống trong vùng; trong khi hệ thống các con sông ở vùng xả thải nhỏ hẹp, có nhiều cống, đập, bèo tay làm cản trở dòng chảy; đề nghị tỉnh quan tâm nghiên cứu để có giải pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân trong vùng.
06/12/2020

Trả lời:

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Huế đang trong giai đoạn xây dựng, đô thị hoá rất nhanh, tuy nhiên hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, năng lực tiêu thoát nước thấp, dẫn đến tình trạng thường xuyên úng lụt tại một số khu vực khi trời mưa và môi trường đô thị bị ô nhiễm trầm trọng do sự ứ đọng của nguồn nước thải. Nguồn nước các sông và ao hồ bị ô nhiễm do phải tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý. Việc đầu tư xây dựng một hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho thành phố Huế để giải quyết tình trạng úng lụt và ô nhiễm môi trường là hết sức cần thiết và cấp bách.

Dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế được Chính phủ Nhật Bản tài trợ bằng nguồn vốn vay ưu đãi, thông qua Hiệp định vay số VNXV-07 được Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản ngày 31/3/2008 với tổng mức đầu tư 20,833 tỷ Yên Nhật. Phạm vi thực hiện bao gồm 10 phường ở khu vực phía Nam sông Hương thành phố Huế (Vĩnh Ninh, Phú Hội, Phú Nhuận, Vỹ Dạ, An Cựu, Phước Vĩnh, Trường An, Phường Đúc, Xuân Phú và An Đông). Quy mô đầu tư chính gồm: Nhà máy xử lý nước thải công suất 30.000 m3/ngày đêm, xây dựng 07 trạm bơm nước thải và tuyến ống truyền tải dẫn về Nhà máy, xây dựng các tuyến cống thoát nước hỗn hợp dài 183 km, nạo vét và kè sông, hói 4,2 km. Đến nay, Dự án theo quy mô được phê duyệt đã thực hiện cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong phạm vi dự án, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân trong khu vực.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo môi trường đối với dự án, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đảm bảo theo các quy định hiện hành của Nhà nước về bảo vệ môi trường; trong đó hạng mục Nhà máy xử lý nước thải, yêu cầu nước thải sau khi qua Nhà máy và thải ra ngoài môi trường phải đạt loại A theo quy chuẩn kỹ thuật hiện hành và có thể xả thải vào nguồn nước dùng để cấp nước sinh hoạt. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Chủ đầu tư sẽ xây dựng hồ sự cố để xử lý các sự cố xảy ra (nếu có) nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Điều này sẽ giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của nguồn thải ra môi trường.

Vì vậy, khi Nhà máy đi vào vận hành chính thức sẽ đảm bảo an toàn về mặt môi trường đối với đời sống của cộng đồng dân cư sống xung quanh khu vực nhà máy và vùng phụ cận. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các Sở, ban, ngành có liên quan thường xuyên giám sát quá trình vận hành từ khi thử nghiệm cho đến khi vận hành chính thức. Ngoài ra, trước khi Nhà máy vận hành chính thức, theo quy định Nhà máy là đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải đầu ra tự động, liên tục và được kết nối về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, điều này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước về môi trường giám sát chặt chẽ quá trình vận hành và xả thải của Nhà máy để giảm thiểu tối đa các tác động bất lợi đến môi trường và đời sống của người dân.

(Theo Báo cáo số 431/BC-UBND ngày 04/12/2020 của UBND tỉnh)

<< < 1 2 3 4 > >>