Thừa Thiên Huế: Trung tâm giáo dục giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao
  
Bên cạnh các thế mạnh về văn hóa, du lịch, y tế, Thừa Thiên Huế còn biết đến là một trung tâm giáo dục đào tạo lớn của khu vực miền trung và cả nước.

Đại học Huế có bề dày lịch sử trên 50 năm, là một trung tâm đào tạo đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, có quy mô đào tạo lớn nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hiện nay, Đại học Huế có 07 trường đại học thành viên, 03 khoa trực thuộc gồm: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Y Dược, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Nghệ thuật, Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Ngoại ngữ, Khoa Giáo dục Thể chất, Khoa Du lịch và Khoa Luật cùng 01 phân hiệu tại tỉnh Quảng Trị, 08 viện và trung tâm nghiên cứu. Tính đến cuối năm 2009, Đại học Huế có 94 ngành đào tạo đại học, 63 chuyên ngành đào tạo sau đại học, 22 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ; có hàng trăm giáo sư, phó giáo sư, 350 tiến sĩ, 784 thạc sĩ, 538 giảng viên cao cấp, giảng viên chính, 65 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú. Việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển các chuyên ngành đào tạo và quan hệ hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của Đại học được phát triển mạnh mẽ. Với những thành tích và bề dày kinh nghiệm của một đại học ở vùng đất Cố đô Huế, có truyền thống hiếu học và môi trường thuận lợi, Đại học Huế được xác định là một đại học vùng và là đại học trọng điểm của cả nước; tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tư xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia trước năm 2015 với các thiết chế của trung tâm đào tạo đa ngành, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo đại học và sau đại học cho khu vực miền Trung và cả nước.

Học viện Âm nhạc Huế

Cùng với Đại học Huế, học viện Âm nhạc Huế, Trường Đại học dân lập Phú Xuân và hệ thống các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đây là một lợi thế rất lớn của Thừa Thiên Huế trong việc cung cấp nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao.

Ngoài hệ thống các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, Thừa Thiên Huế có mạng lưới trường học từ mầm non đến THPT rộng khắp trên địa bàn với các loại hình công lập, dân lập, tư thục, được phân bố theo điều kiện phù hợp với thành thị, nông thôn, miền núi và gắn với địa bàn dân cư. Trong đó  trường phổ thông trung học Quốc Học - Huế đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xây dựng thành một trong ba trường THPT trọng điểm chất lượng cao của cả nước.

Trường Quốc Học Huế

Mạng lưới giáo dục thường xuyên với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật thực hành hướng nghiệp và Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) đang hoạt động ở các xã/phường, thị trấn có hiệu quả, góp phần vào thực hiện mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao công nghệ và đào tạo nghề cho người lao động, đào tạo tại chức...

Với những tiềm năng và lợi thế về giáo dục - đào tạo, cùng với thế mạnh về văn hóa, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế. Tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2020 xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Châu Á...”.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]