Tăng cường quản lý chất lượng giáo dục thường xuyên và công tác phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở
  
(CTTĐT) - Chiều ngày 26/8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tăng cường quản lý chất lượng giáo dục thường xuyên (GDTX) và đánh giá công tác phân luồng học sinh sau thi tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS). UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị
Tại hội nghị

Theo báo cáo tại hội nghị, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Sở GD&ĐT đã triển khai sâu rộng cho đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên toàn ngành các văn bản liên quan đến công tác phân luồng. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về giáo dục hướng nghiệp theo định hướng phát triển nhân lực của tỉnh. Tỉ lệ phân luồng trong 3 năm học trở lại đây có sự chuyển biến, năm học 2023-2024 đạt trên 22%. Tuy nhiên, công tác phân luồng theo Đề án 522 của Chính phủ vẫn gặp nhiều hạn chế do tâm lý của người học và phụ huynh “chuộng” học tiếp lên đại học hoặc ở nhà tham gia lao động khi chưa qua đào tạo.

Lãnh đạo sở GD&ĐT báo cáo tại hội nghị

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 09 trung tâm GDNN-GDTX; 01 trung tâm GDTX tỉnh. Trong đó, có 03 trung tâm GDNN-GDTX có phối hợp với các cơ sở đào tạo trung cấp (dạy tại cơ sở đào tạo trung cấp) để dạy văn hoá theo chương trình GDTX cấp THPT. Qua đó, tiếp tục đưa nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương và kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH và các cơ sở đào tạo tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông như: Ngày hội tư vấn, hướng nghiệp; thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp; các hoạt động giao lưu của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục với các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân.

Về công tác quản lý chất lượng GDTX, việc duy trì số lượng tại các cơ sở trường dạy nghề có học viên theo học chương trình GDTX hiện đang có tình trạng suy giảm sau một thời gian nhập học. Kết quả học tập của nhóm học viên theo học chương trình GDTX của các cơ sở trường dạy nghề hiện chưa cao. Để thực hiện việc dạy văn hóa cho học viên vừa học văn hóa vừa học trung cấp, nhiều trung tâm phải hợp đồng thêm giáo viên nên việc bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được thường xuyên, khó khăn trong công tác quản lí. Việc bố trí giáo viên vẫn còn bất cập.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình lưu ý, kết quả thi cho thấy, chất lượng của các khu vực không đồng đều nên cần có giải pháp để nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục và địa phương. Phân tích, đánh giá để các địa phương biết năng lực của học sinh tại các đơn vị. Trên cơ sở dữ liệu của các địa phương, ngành giáo dục cần có cơ sở dữ liệu để quản lý chung và triển khai thực hiện; nghiên cứu cách thức để đảm bảo tính công bằng và nâng cao năng lực cho học sinh, đảm bảo phù hợp trong triển khai thực hiện, có giải pháp điều chỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trên phạm vi toàn tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cần áp dụng những phương pháp đánh giá đa dạng và toàn diện, không chỉ dựa trên kết quả thi cử mà còn phải xem xét đến các yếu tố khác như kỹ năng mềm, thái độ học tập, và khả năng ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, và xã hội trong quá trình định hướng và phân luồng cho học sinh. Đánh giá và xếp loại học lực chính xác là một giải pháp quan trọng và cần thiết nhưng cũng cần được thực hiện trong một hệ thống hỗ trợ đồng bộ và toàn diện để công tác phân luồng học sinh thực sự đạt được hiệu quả cao.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị các ngành giáo dục, lao động – thương binh và xã hội và các địa phương cần đánh giá lại năng lực của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên. Những cơ quan quản lý giáo dục tăng cường chỉ đạo đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt những hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động trong việc thực hiện phân luồng. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, đánh giá chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trên phạm vi toàn tỉnh.

w.w.w.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 5 Trang kế Trang cuối