Địa đạo Xuân Lộc
  

 

Địa đạo Xuân Lộc

Ngày 21/3/2011, UBND tỉnh có Quyết định số 656/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh Địa đạo Xuân Lộc (xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc). Đây là một chứng tích chiến tranh mang giá trị khoa học và lịch sử cao, để kịp thời phát huy giá trị di tích trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, phục vụ khách tham quan, nghiên cứu...

  

Những sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích

Mặc dù các chiến dịch, các trận đánh không diễn ra trực tiếp tại khu vực địa đạo, nhưng một số trận đánh của quân và dân ta ở mặt trận phía Nam Thừa Thiên Huế trong thời gian từ những năm 1974 – 1975 đều có sự liên quan đến Sở chỉ huy – địa đạo Sư đoàn 324.

Ngày 28/8/1974, khoảng 5 giờ sáng thực hiện lệnh của Sở Chỉ huy Sư đoàn 324, các chiến sĩ Trung đoàn 78 pháo binh nổ súng bắn phá dữ dội các trận địa pháo địch ở điểm cao 41, Bạch Mã, Phú Bài. Nhờ có phương án tác chiến linh hoạt, sự chuẩn bị kịp thời cả lương thực, thực phẩm, vũ khí, các lực lượng bộ đội ta đã nhanh chóng tấn công, chiếm lĩnh các điểm cao: 75, 76, 303, 144, 204, 273...

Ngày 3/9/1974, Trung đoàn 1 bộ binh của ta đóng ở điểm cao 203 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Phúc Thanh và Chính ủy Trần Hiếu Định thực hiện luồn sâu, bí mật vận động bao vây, áp sát khu vực điểm cao 31 (mật danh là điểm cao Hồng Hạ). Lệnh tiến công vừa phát ra, các chiến sĩ đồng loạt xung phong; sau 45 phút nổ súng đã đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 51 ngụy) diệt 274 tên, bắt 91 tên. Tiếp đó ngày 7/9/1974, Trung đoàn 2 (Sư đoàn 324) tiến công chiếm gọn các điểm cao 121, 141, núi Bông, núi Nghệ...

Ngày 14/9/1974, tiếp tục thực hiện kế hoạch Chiến dịch La Sơn – Mỏ Tàu, các đồng chí Nguyễn Duy Sơn (Sư đoàn trưởng 324), đồng chí Nguyễn Trọng Dần (Chính ủy Sư đoàn 324) đã chỉ đạo lực lượng binh chủng hợp thành quy mô Sư đoàn (thiếu), tiến công đánh chiếm điểm cao Hồng Hạ và khu vực địch ở phía Đông điểm cao 52, 41. Sau gần trọn một ngày chiến đấu quyết liệt, quân ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa, đánh thiệt hại hai Tiểu đoàn của Trung đoàn 1 và Trung đoàn 51 của Sư đoàn 1 ngụy.

Ngày 24/9/1974, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Nguyễn Phúc Thanh giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia chiến dịch gồm: Tiểu đoàn 2 được tăng cường một khẩu ĐKZ 75, 22 khẩu 12,7 mm, tiến công trên hướng chủ yếu vào khu B từ Tây-Bắc Mỏ Tàu; Tiểu đoàn 3 được tăng cường một khẩu ĐKZ 75, hai khẩu 12,7 mm, một Trung đội B72, một Trung đội A72, tiến công khu A trên hướng Đông-Bắc; Tiểu đoàn 1 được tăng cường một khẩu cối 82, một khẩu 12,7 mm, tiến công từ hướng Nam-Đông-Nam; Trung đoàn 6 Thừa Thiên Huế được tăng cường một khẩu cối 120, hai khẩu cối 82, một khẩu ĐKZ 75, hai khẩu 12,7 mm, tiến hành đánh từ hướng Nam-Tây-Nam.

Ngày 26/9/1974, Sở Chỉ huy Sư đoàn họp nhằm đánh giá lại những việc đã làm được và những việc chúng ta chưa làm được, đồng thời rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai nhiệm vụ cho từng đơn vị chuẩn bị để tấn công đánh chiếm Mỏ Tàu, vị trí then chốt của Chiến dịch La Sơn – Mỏ Tàu.

Ngày 27/9/1974, trận đánh Mỏ Tàu bắt đầu. Sau suốt một giờ pháo binh bắn phá, các chiến sĩ bộ binh dùng bộc phá liên tục phá rào mở cửa. Trên hướng Tiểu đoàn 2, Đại đội Trưởng Đại đội 6 Nguyễn Hán dẫn đầu đánh vào vị trí B2 và phát triển sang B5. Đại đội 7 đánh chiếm B3, Đại đội 5 đánh chiếm B1. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Hà Quang Đinh tổ chức và dẫn đầu mũi thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm diệt gọn sở chỉ huy Tiểu đoàn 2 ngụy. Chớp thời cơ các chiến sĩ bộ binh lao vào công kích. Như rắn mất đầu, bọn địch rối loạn đội hình, sức chống cự yếu dần, đám tàn quân Tiểu đoàn 2 ngụy bỏ căn cứ Mỏ Tàu chạy về hướng Đá Đen. Chúng bị lực lượng phục kích của ta tiêu diệt gọn.

10 giờ 30 phút ngày 28/9/1974, cờ giải phóng phấp phới tung bay trên cứ điểm Mỏ Tàu. Trận đánh chiến lược quan trọng này được các chiến sĩ Sư đoàn 324 và Trung đoàn 6 thực hiện một cách xuất sắc. Chiến dịch La Sơn – Mỏ Tàu (K.18) kết thúc thắng lợi: Sau 30 ngày đêm chiến đấu liên tục với 4 đợt tiến công, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống 1.800 tên, diệt gọn 2 Tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 9 Tiểu đoàn khác, thu 2.734 súng các loại và bắn rơi 5 máy bay địch, thu hẹp vùng chiếm đóng của chúng, phá vỡ hệ thống phòng ngự phía Tây-Nam Huế...

Các chiến sĩ Sư đoàn 324 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã giao phó, xứng đáng với lòng tin yêu của toàn Quân đoàn 2 và quân dân Trị - Thiên Huế. Ngày 27/10/1974, Sư đoàn đã bàn giao tuyến phòng thủ và địa đạo lại cho Đoàn 74 thuộc Quân khu Trị - Thiên Huế, hành quân lên A Lưới để thực hiện nhiệm vụ mới.

Khảo tả Di tích

Địa đạo Sư đoàn 324 nằm trên một quả đồi (nay thuộc khu rừng tái sinh) có độ cao khoảng 186,7m so với mặt nước biển, thuộc bản Phúc Lộc, xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ vị trí bản Phúc Lộc cách đường Tỉnh lộ 4km chúng ta đi theo hướng Tây lên đến gần đỉnh đồi thuộc thửa đất

Theo tờ Bản đồ số 1 đất lâm nghiệp. Tại đây, có một địa đạo mà theo các tài liệu và nhân chứng kể lại đây là nơi đóng quân của Sở Chỉ huy Sư đoàn 324 trong chiến dịch La Sơn – Mỏ Tàu năm 1974. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Sư đoàn 324 bàn giao lại cho Đoàn 74 tiếp quản, tiếp tục bám trụ và chiến đấu đến khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 1975.

Qua khảo sát thực địa, chúng tôi nhận thấy: tổng thể địa đạo có hình chữ Y, dài 100m, chiều cao trung bình 1,5m, rộng 1m. Trong đó, nhánh chính dài 80m đi từ cửa hướng Đông thông ra cửa hướng Tây; nhánh phụ dài 20 rẽ về hướng Tây - Nam.

Địa đạo Sư đoàn 324 gồm có hai cửa:

Cửa số 1: Nằm ở hướng Đông (theo cách phát hiện và đặt tên của đoàn khảo sát), đoạn gần đỉnh đồi, miệng cửa có hình vòm: cao 1,5m, rộng 1,1m. Nối liền với cửa số 1 là hệ thống giao thông hào tỏa đi hai hướng Bắc-Nam. Hiện nay, theo ghi nhận của đoàn khảo sát vẫn còn một đoạn giao thông hào dài hơn 8m, rộng 1m, cao 0,9m. Ngoài ra, cửa số 1 địa đạo còn nối liền với đường đi lên đỉnh đồi, nơi bộ đội ta xây dựng trận địa pháo chuẩn bị cho Chiến dịch K18.

Từ cửa số 1 đi vào lòng địa đạo chúng ta sẽ thấy các hầm ếch được bố trí hai bên (có chiều cao 80cm, rộng 60cm). Đây có thể là nơi nghỉ ngơi và cũng là nơi để các quân trang, quân dụng của các đồng chí mỗi khi ra vào địa đạo. Tiếp tục đi sâu vào địa đạo chừng 60m chúng ta bắt gặp một ngã ba chia làm 2 ngã rẽ. Trong đó, nhánh phụ rẽ về hướng Tây-Nam dài 20m và không có cửa thông ra ngoài. Theo các nhân chứng cho biết, đây là nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng, chỉ đạo tác chiến. Đồng thời, đây cũng là kho quân lương phục vụ cho chiến dịch. Từ ngã ba này chúng ta đi theo hướng Tây chừng 20m thì thông ra cửa số 2.

Cửa số 2: Nằm ở hướng Tây, miệng cửa cũng có hình vòm: cao 1,5m, chân rộng 1,1m.  Điểm đặc biệt là cửa số 2 nằm giữa một khe nước chảy từ đỉnh núi xuống. Hiện nay, qua thời gian và khí hậu mưa, nắng, kiến tạo địa chất, đất sụt lỡ đã làm lòng địa đạo ở cửa số 2 vùi lấp một đoạn hơn 15m, miệng cửa cũng đang bị sụt lỡ nghiêm trọng.

Qua khảo sát thực tế, lòng địa đạo được đào khá đơn giản, ít quanh co, khúc khuỷu… Mặt khác, kiến tạo địa chất ở đây chủ yếu là đá non, nên công tác đào địa đạo diễn ra tương đối thuận lợi, chỉ sau nửa tháng với dụng cụ rất thô sơ (cuốc, xẻng), các đơn vị công binh đã hoàn thành địa đạo để phục vụ cho chiến dịch K18. Theo các nhân chứng kể lại, quá trình đào địa đạo từ Tây sang Đông, đất, đá đào đến đâu đều đưa ra phía sau đổ xuống khe nước. Lợi dụng dòng nước chảy để xóa dấu vết, tránh khỏi sự phát hiện của địch từ máy bay.

Đánh giá giá trị Di tích

Lịch sử quân sự Việt Nam đã chứng minh, từ xa xưa ông cha ta với bản lĩnh kiên cường, ý chí quyết tâm vì độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Dù trong hoàn cảnh nào cũng tìm được cách đánh địch thông minh, sáng tạo, bất ngờ, hiệu quả nhất. Truyền thống tốt đẹp đó được kế thừa và phát huy một cách linh động, được áp dụng vào từng thời điểm, từng chiến dịch cụ thể. Sự ra đời của địa đạo Sư đoàn 324 phục vụ chiến dịch La Sơn – Mỏ Tàu và sau này là chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 trên đất Thừa Thiên Huế là một minh chứng lịch sử hùng hồn cho truyền thống đó.

Địa đạo Sư đoàn 324 ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân Thừa Thiên Huế, cụ thể địa đạo Sư đoàn 324 đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch La Sơn – Mỏ Tàu năm 1974. Một chiến dịch ta đã thành công trong việc cắt đứt tuyến đường bộ Huế đi Đà Nẵng và làm phá sản kế hoạch bình định lấn chiếm vùng căn cứ cách mạng của bọn ngụy quyền.

Địa đạo là nơi che chở an toàn, bí mật cho các cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 324 cùng với các đơn vị tham gia hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, sự ra đời của địa đạo là bằng chứng khẳng định tinh thần quyết tâm cao của Sở chỉ huy Sư đoàn 324 nhằm đảm bảo kịp thời trong lãnh chỉ đạo cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi. Để có được thắng lợi đó, toàn bộ Sư đoàn cùng với các đơn vị tham gia chiến dịch phải nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thử thách đôi khi tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng, với tinh thần dũng cảm, sự nhất trí đồng lòng từ Sở chỉ huy đến các chiến sĩ bộ đội biết vượt qua khó khăn, chấp nhận sự hy sinh bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó. Đây là bài học quí giá, bổ ích, thể hiện vai trò trong nghệ thuật lãnh đạo: đó là nghệ thuật chỉ huy, tạo yếu tố bất ngờ, tranh thủ thời cơ tiêu diệt địch để đi đến thắng lợi của chiến dịch, tạo bàn đạp, thế tiến công chiến lược, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 ở Thừa Thiên Huế.

Địa đạo Sư đoàn 324 ra đời có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Những người được sinh ra và lớn lên trong hoà bình nhìn nhận đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ mà các thế hệ cha anh đã chiến đấu kiên cường, hy sinh dũng cảm để giành những chiến thắng quan trọng, tạo bước ngoặc đi đến thắng lợi cuối cùng trước một tên đế quốc hùng mạnh hơn ta gấp hàng trăm, hàng ngàn lần cả về kinh tế và quân sự. Với một mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Để từ đó giúp họ có những suy nghĩ và hành động đúng, xứng đáng với truyền thống đấu tranh vẻ vang của dân tộc, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập.

 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 3 4 Trang kế Trang cuối  

Du lịch

Dịch vụ