Sở Tư pháp - đơn vị dẫn đầu trong cải cách hành chính
  
Cập nhật:03/05/2017 3:48:37 CH
Sau hai năm liên tiếp dẫn đầu trong bảng đánh giá, xếp hạng cải cách hành chính khối cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2015-2016), Sở Tư pháp đã cho thấy sự quyết tâm của đơn vị trong cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, từng bước hoàn thiện các thủ tục theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện cho người dân.
Ông Đào Chuẩn - Giám đốc Sở Tư Pháp (bên phải) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về làm tốt công tác cải cách hành chính năm 2016
Ông Đào Chuẩn - Giám đốc Sở Tư Pháp (bên phải) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về làm tốt công tác cải cách hành chính năm 2016


Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai

Thực hiện chủ trương của tỉnh về tăng cường công tác cải cách hành chính, Sở Tư pháp luôn xác định công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, phục vụ tốt nhất các nhu cầu của tổ chức, công dân. Từ năm 2015-2016, Sở Tư pháp đã chọn một số nội dung làm khâu đột phá trong công tác cải cách hành chính của Sở. Cụ thể sở Tư pháp đã rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó chú trọng đến đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở, được tổ chức, công dân đồng tình ủng hộ cao. Thực hiện chuẩn hóa thủ tục hành chính bằng các quy trình ISO. Đến nay, Sở Tư pháp có 128 TTHC (Khối Văn phòng Sở là 65 thủ tục), đã xây dựng và ban hành 65 quy trình ISO. Việc chuẩn hóa quy trình ISO theo các thủ tục hành chính, đã giúp Sở Tư pháp kiểm soát thời gian giải quyết TTHC ở từng khâu, từng phòng chuyên môn nghiệp vụ, từ đó có giải pháp khắc phục xử lý kịp thời. Sở Tư pháp đã Mạnh dạn thí điểm việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với một số TTHC, nhất là việc cấp phiếu Lý lịch tư pháp số 2 mà trước đây công dân phải đến nộp trực tiếp. Triển khai phối hợp với Bưu điện tỉnh cung cấp dịch vụ trả kết quả giải quyết hồ sơ theo địa chỉ yêu cầu của công dân, tổ chức. Cải tạo mở rộng diện tích và trang thiết bị của Bộ phận Tiếp nhận và hoàn trả kết quả đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định tại QĐ 09/ ttg-cp…Công tác ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh như ứng dụng 05 phần mềm dùng chung của tỉnh và các phần mềm chuyên ngành trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ và cải cách thủ tục hành chính đã góp phần nâng cao chất lượng công việc, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ thủ tục, tiết kiệm được thời gian và kinh phí.


Cá nhân, tổ chức đến giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Sở tư pháp)

Về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông , Sở Tư pháp đã thực hiện nghiêm túc việc niêm yết công khai các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp tại Bộ phận một cửa và các phòng Công chứng, kể cả niêm yết các mức phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Trung bình mỗi năm Sở Tư pháp thực hiện cấp hơn 4 nghìn phiếu lý lịch tư pháp, hàng trăm hồ sơ hộ tịch các loại. Ông Phan Văn Quả, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Để công tác cải cách hành chính của đơn vị đạt được kết quả tốt, ngoài quyết tâm lãnh đạo của tập thể Đảng ủy, chỉ đạo của Ban giám đốc Sở, còn có sự nỗ lực, chủ động của tất cả các phòng chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị trực thuộc trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, từ xây dựng kế hoạch, xác định những nhiệm vụ trọng tâm của từng năm, từng giai đoạn; việc theo dõi, giám sát, kiểm tra thực hiện công tác cải cách hành chính được tiến hành thường xuyên tại các phòng, đơn vị. Trung bình mỗi năm Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra 5/12 phòng, đơn vị, trong đó kiểm tra lặp đi lặp lại ở những phòng chuyên môn, đơn vị có giải quyết thủ tục hành chính cho đến việc rà soát, chuẩn bị hồ sơ tài liệu, kết quả thực hiện cải cách hành chính bảo đảm theo các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 402/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh”.

Quyết tâm giữ vị trí đứng đầu

Có thể thấy rằng, chính việc thực hiện công tác chấm điểm, đánh giá, xếp loại CCHC các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (theo Quyết định số 402/QĐ-UBND ngày 26/02/2015 của UBND tỉnh) đã tạo động lực thúc đẩy, làm chuyển biến tích cực, mạnh mẽ tình hình, kết quả công tác CCHC tại các đơn vị. Thực tế đã minh chứng, việc xếp hạng là động lực thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị. Điều đó giúp cho việc ngày càng phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và của tập thể trong thực hiện công tác cải cách hành chính tại mỗi cơ quan, đơn vị.

Việc dẫn đầu và duy trì vị trí dẫn đầu về công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp là sự ghi nhận của tỉnh đối với những nỗ lực của tập thể Lãnh đạo, tập thể thể công chức, viên chức của Sở trong thời gian qua. Trong thời gian tới, Sở Tư pháp xác định mục tiêu là duy trì vị trí đứng đầu, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến mục tiêu thực chất hơn, hiệu quả hơn trong giải quyết các thủ tục cho người dân. Thời gian tới, chúng tôi đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong công tác cải cách hành chính:Một là, Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xây dựng, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa  văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo 100% văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và ban hành đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Hai là, Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Sở. Tăng cường cải cách thủ tục hành chính theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản và dễ hiểu. Nâng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với các dịch vụ công do Sở Tư pháp cung cấp đạt trên 80%. Ba là, Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các phòng, đơn vị thuộc Sở gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Bốn là, Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc trong cơ quan, đơn vị; nâng cao vai trò trách nhiệm thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính theo Chỉ thị số 32/CT-UBND ngày 22/12/2016 của UBND tỉnh. Năm là, Nâng cao hiệu quả thực hiện chế độ khoán biên chế và kinh phí tại cơ quan, khoán xe công theo chức danh lãnh đạo Sở; thực hiện kinh phí được cấp có hiệu quả; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức của cơ quan. Sáu là, Phấn đấu cung cấp dịch vụ công mức độ 3,4 đối với 100% THHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; triển khai ứng dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh; duy trì và đảm bảo hoạt động tốt Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 tại Sở Tư pháp. Bảy là, Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, ban ngành của tỉnh và UBND cấp huyện trong việc thưc hiện  nhiệm vụ cải cách hành chính nói riêng và nhiệm vụ công tác tư pháp nói chung đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất, góp phàn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Phan Văn Quả, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết thêm.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]