Add Content...

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023
  

 (Theo Báo cáo số 588/BC-UBND ngày 04/12/2023 của UBND tỉnh)

A. TÌNH HÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 11 và 11 THÁNG NĂM 2023

I. Những kết quả đạt được

1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ

Tập trung hoàn thiện các quy hoạch, đề án quan trọng: (i) Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Ngày 09/10/2023, hồ sơ quy hoạch đã được Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thông qua (có chỉnh sửa); ngày 20/10/2023, đã trình HĐND tỉnh thông qua; đến nay, đã rà soát, tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hồ sơ quy hoạch và gửi xin ý kiến Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh; (ii) Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Bộ xây dựng thẩm định; Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền đạt tiêu chí đô thị loại IV đang trình Bộ Xây dựng thẩm định; theo kế hoạch thì các quy hoạch, đề án trên sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý IV/2023. Tổ chức Hội thảo cuối kỳ và đang hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2024. Hiện đang tập trung triển khai lập Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; cơ bản hoàn thành Đề án “Khu Công nghệ cao Thừa Thiên Huế” Đề án “Xây dựng Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia”. Ngoài ra, đã phối hợp với Tổng Cục Thống kê hỗ trợ điều tra bổ sung và thu thập thông tin, rà soát một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đến cấp huyện để hoàn thiện các quy hoạch, đề án nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ.

UBND tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình 12-CTr/TU ngày 13/5/2022 của Tỉnh ủy (khóa XVI) thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định 84/2022/NĐ-CP, ngày 20/10/2022 của Chính phủ về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế. Tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại Thông báo số 137/TB-VPCP ngày 18/4/2023 và Chủ tịch Quốc hội kết luận tại Thông báo số 1812/TB-VPQH ngày 31/7/2023.

Trình Tỉnh ủy sơ kết 04 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn giám sát của Ban Kinh tế Trung ương về giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Tình hình phát triển kinh tế

a) Lĩnh vực dịch vụ

Hoạt động du lịch: Ngành du lịch tiếp tục duy trì đà phục hồi tốt. Trong tháng 11, lượng khách ước đạt 217,6 nghìn lượt, tăng 21,5% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước đạt 100,5 nghìn lượt, gấp 2 lần. Doanh thu từ du lịch ước đạt 450 tỷ đồng, tăng 8,1%. Từ đầu năm đến nay, lượng khách du lịch ước đạt 2.786,2 nghìn lượt, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 942,2 nghìn lượt, gấp 4,7 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 6.089 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 11 ước đạt 4.728 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.464 tỷ đồng, chiếm 73%, tăng 12%. Lũy kế 11 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 50.594 tỷ đồng, tăng 14,7% so cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 37.329 tỷ đồng, chiếm 74%, tăng 13%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 dự ước tăng khoảng 0,7% so với tháng 10/2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng tăng 2,1% so với bình quân cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng hóa trong tháng 11 ước đạt 82,2 triệu USD giảm 9,6% so với cùng kỳ. Lũy kế tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 941 triệu USD giảm 10,9% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Xơ, sợi dệt các loại ước đạt 188,7 triệu USD, tăng 5,5%; hàng may mặc ước đạt 481,2 triệu USD, giảm 15,8%; gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 87,6 triệu USD, giảm 27,3%.

Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hóa tháng 11 đạt 55 triệu USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Lũy kế KNNK 11 tháng ước đạt 622,2 triệu USD giảm 19,9%. Các mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu: Thủy sản ước đạt 7,2 triệu USD, tăng gấp 2,4 lần, nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 393,7 triệu USD, giảm 27%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng ước đạt 118,2 triệu USD tăng gấp 2,3 lần.

Hoạt động ngân hàng: Ước đến cuối tháng 11/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 68.100 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) ước đạt 77.000 tỷ đồng, tăng 3,6%. Tính đến 31/10/2023, nợ xấu tại các TCTD trên địa bàn ở mức 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,95% (cao hơn mức tỷ lệ 0,7% vào thời điểm cuối năm 2022).

Hoạt động vận tải:

Trong tháng 11, vận tải hành khách ước đạt 2.752 nghìn hành khách, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 17,4% so với cùng kỳ. Hàng hóa vận chuyển ước đạt 1.798 nghìn tấn, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 13,4% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 411 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 17,2% so với cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng, vận tải hành khách ước đạt 28.787 nghìn lượt khách, tăng 42,7% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 18.439 nghìn tấn, tăng 9,1%. Doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 4.246 tỷ đồng, tăng 17,5%.

b) Lĩnh vực công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh tháng 11 ước tăng 6,5% so với cùng kỳ; tính chung 11 tháng ước tăng 2,7% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng ước tăng 0,7%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,5%; Ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 3,7%; Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%.

 Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ gồm: bia 330,4 triệu lít, tăng 18,5% so với cùng kỳ (trong đó: bia lon 219,8 triệu lít, tăng 19,2%; bia chai 110,6 triệu lít, tăng 17,2%); tôm đông lạnh 5.990,8 tấn, tăng 6,6%; Xi măng 1.784,6 nghìn tấn, tăng 3,3%; sợi các loại 108,4 nghìn tấn, tăng 4,4%; quần áo lót 377,6 triệu SP, tăng 0,3%; điện thương phẩm 1.925,8 triệu KWh, tăng 5%; Quặng inmenit 20,6 nghìn tấn, tăng 9,9%; Đá xây dựng 848,3 nghìn m3, tăng 20,5%; dăm gỗ 719,5 nghìn tấn, tăng 1,3%;...

Các sản phẩm công nghiệp có mức sản xuất giảm so cùng kỳ: men frit 251 nghìn tấn, giảm 4,4%; điện sản xuất 1.576,8 triệu KWh, giảm 6,2%;....

c) Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

Trồng trọt: Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra đợt mưa lớn từ ngày 13/11 đến 16/11/2023 gây ngập trên diện rộng, kéo dài, gây thiệt hại 178 ha các loại cây rau màu vụ Đông (tập trung các huyện: Quảng Điền, Phong Điền và thành phố Huế) và 24 ha diện tích hoa trồng luống bị ngập. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương thống kê thiệt hại, kịp thời có các giải pháp khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại cho người dân; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại giống để gieo trồng lại [1]. Tình hình cây trồng trên địa bàn: Cây vụ Đông các loại đã trồng 1.000ha; Hoa chậu các loại phục vụ Tết đã trồng: 152.610 chậu; Sắn 3.300ha/4.031ha; Cây ăn quả 3.420 ha (trong đó: Cam 375 ha; bưởi 1.347ha; chuối 763ha; dứa 143 ha…); Hồ tiêu 210 ha; Cây cao su 5.637ha.

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm: Đàn lợn 154.332 con, giảm 789 con, tương ứng giảm 0,5% so với cùng kỳ; đàn Trâu 15.233 con, giảm 131 con, tương ứng giảm 0,9%; đàn Bò 28.344 con, giảm 184 con, tương ứng giảm 0,6%[2]; đàn gia cầm 4.985 nghìn con, tăng 54 nghìn con, tương ứng tăng 1,1%. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: Thịt Lợn đạt khoảng 13.579 tấn, tăng 392 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ; thịt Trâu đạt khoảng 850 tấn, giảm 1,3%; thịt Bò đạt khoảng 1.091 tấn, giảm 1,0%; thịt Gia cầm đạt 14.396 tấn, tăng 1,6%.

Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 11/2023 ước đạt 418 ha, tăng 4 ha, tương ứng tăng 1% so với cùng kỳ, lũy kế 11 tháng ước đạt 7.693 ha, tăng 104 ha, tương ứng tăng 1,4%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 11/2023 ước đạt 1.029 tấn, tăng 43 tấn, tương ứng tăng 4,4% so với cùng kỳ, Lũy kế từ đầu năm ước đạt 18.659 tấn, tăng 768 tấn, tương ứng tăng 4,3%. Sản lượng thủy sản khai thác tháng 11/2023 ước đạt 1.677 tấn, tăng 32 tấn so với cùng kỳ; trong đó, khai thác biển 1.316 tấn, tăng 31 tấn, khai thác nội địa 361 tấn, tăng 1 tấn. Lũy kế sản lượng thủy sản khai thác từ đầu năm ước đạt 40.392 tấn, tăng 884 tấn; trong đó, khai thác biển 36.745 tấn, tăng 900 tấn, khai thác nội địa 3.647 tấn, giảm 16 tấn.

Lâm nghiệp: Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 5.631,1ha/6.200 ha kế hoạch, tăng 6,7% so với cùng kỳ, chủ yếu là rừng sản xuất được trồng lại sau khi khai thác trắng, trong đó diện tích trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 169 ha/250 ha kế hoạch. Về trồng rừng gỗ lớn và chứng chỉ quản lý rừng bền vững: đến nay là 13.154 ha (trong đó diện tích được cấp chứng chỉ QLRBV là 11.498 ha). Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng ước đạt 546.634m3/550.000m3 (đạt 99% kế hoạch), gieo ươm được khoảng 18,7 triệu/20 triệu cây giống các loại (trong đó khoảng 1,2 triệu cây giống bản địa). Duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,15%.

3. Thu chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước 11 tháng ước đạt 9.230 tỷ đồng, bằng 93% dự toán, bằng 71% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 21,5% so với cùng kỳ; trong đó: Thu nội địa ước đạt 8.757 tỷ đồng, bằng 93,6% dự toán, bằng 71,3% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 22%; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 549 tỷ đồng, bằng 99% dự toán, bằng 80,7% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 3,4% so với cùng kỳ; Thu viện trợ, huy động đóng góp 17 tỷ đồng, vượt 55% dự toán, bằng 42,6% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 50% so với cùng kỳ. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 12.170 tỷ đồng, bằng 83,8% dự toán, trong đó: Chi đầu tư phát triển 4.039,4 tỷ đồng, bằng 72,7% dự toán.

4. Tình hình đầu tư và xây dựng

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 11 tháng ước đạt 28.500 tỷ đồng, bằng 92% KH, tăng 17% so với cùng kỳ.

- Phân theo cấp quản lý: vốn do Trung ương quản lý 6.340 tỷ đồng, bằng 82,4% KH, tăng 8,4%; vốn do địa phương quản lý 22.160 tỷ đồng, bằng 95,1% KH, tăng 19,7%.

- Phân theo nguồn vốn: vốn ngân sách nhà nước đạt 6.390 tỷ đồng, bằng 82,7% KH, tăng 7,6%; vốn tín dụng đạt 9.680 tỷ đồng, bằng 88,8% KH, tăng 14,7%; vốn đầu tư của doanh nghiệp 2.830 tỷ đồng, bằng 78,6% KH, giảm 5,5%; vốn đầu tư của dân 6.130 tỷ đồng, vượt 22,6% KH, tăng 44%; vốn viện trợ nước ngoài 530 tỷ đồng, bằng 68,4% KH, giảm 13,1%; vốn đầu tư nước ngoài 2.940 tỷ đồng, bằng 98% KH, tăng 38%.

* Giải ngân vốn đầu tư công: Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm đến 22/11/2023 là 5.408,266 tỷ đồng/5.758,257 tỷ đồng kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, đạt tỷ lệ 94%, xếp thứ 04/63 tỉnh thành và thuộc nhóm có tỷ lệ giải ngân cao của toàn quốc[3]. Cụ thể các nguồn vốn như sau: (i) Vốn ngân sách địa phương: giải ngân 3.053,266 tỷ đồng/3.053,266 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. (ii) Vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước): giải ngân 1.880 tỷ đồng/2.021,041 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch. (iii) Vốn nước ngoài (ODA): giải ngân 69% kế hoạch. Ước giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 từ đầu năm đến hết ngày 31/01/2024 đạt 5.653,266 tỷ đồng/5.758,257 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, trong đó vốn ngân sách trung ương (bao gồm vốn trong nước và vốn nước ngoài) là 2.600 tỷ đồng/2.704,991 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch.

Tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, Đường Nguyễn Hoàng và cầu Vượt sông Hương, dự án Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2. Hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án: Đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3,... Đôn đốc thực hiện 05 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội[4]. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ đưa vào khai thác sử dụng một số dự án trọng điểm như: Đường Phú Mỹ - Thuận An, Điện Kiến Trung,...

5. Về phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

- Tính đến 22/11/2023, có 636 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.998 tỷ đồng, giảm 15,2% về lượng và tăng 53,6% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại 311 doanh nghiệp, giảm 131 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động là 515 doanh nghiệp, tăng 16 doanh nghiệp; giải thể tự nguyện 114 doanh nghiệp, tăng 02 doanh nghiệp; giải thể theo quyết định thu hồi 185 doanh nghiệp, tăng 182 doanh nghiệp.

- Đã cấp phép cho 22 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 9.022,4 tỷ đồng (gồm 08 dự án FDI vốn đăng ký 140 triệu USD tương đương 3.220,4 tỷ đồng), trong đó:

(i) Trong Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới đã cấp mới 11 dự án đầu tư[5] với tổng vốn thu hút đầu tư là 4.084,4 tỷ đồng; điều chỉnh tăng/giảm vốn đầu tư cho 05 dự án[6] với vốn tăng thêm 1.842 tỷ đồng; ước cả năm 2023 đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, đạt kế hoạch năm 2023. Vốn thực hiện 11 tháng đạt 2.900 tỷ đồng, ước cả năm đạt khoảng 3.400 tỷ đồng; đạt 85% so với kế hoạch năm 2023. Các dự án có khối lượng giải ngân lớn: i) Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Gilimex, ii) Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế, iii) Dự án Nhà máy Kanglongda Huế.

(ii) Ngoài địa bàn Khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 11 dự án với vốn đăng ký 4.938 tỷ đồng. Điều chỉnh tăng/giảm vốn 08 dự án với vốn tăng thêm 1.833 tỷ đồng (điều chỉnh tăng vốn 06 dự án với vốn tăng thêm 1.878 tỷ đồng; điều chỉnh giảm vốn 01 dự án giảm 45 tỷ đồng). Ngoài ra, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 6.431 tỷ đồng . Chấm dứt hoạt động 08 dự án  với số vốn đăng ký 182 tỷ đồng.

6. Văn hóa - xã hội

a) Về văn hóa - thể thao

Đã tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền, cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ lớn, tạo khí thế chính trị trên địa bàn toàn tỉnh: Tổ chức dâng hoa, dâng hương kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và triển lãm “Nhật ký trong tù - Bảo vật quốc gia” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; tổ chức Lễ hội làng Dương Nỗ với chủ đề “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm” tại cụm Di tích quốc gia đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Phú Dương, thành phố Huế. Tổ chức chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng sen” nhân dịp kỷ niệm 155 năm ngày sinh bà Hoàng Thị Loan và 133 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức thành công Tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế “Tinh hoa Nghề Việt”, Lễ hội Huế - Kinh đô Ẩm thực.

Tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động ý nhĩa nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023). Tổ chức thành công Hội thảo “Kết nối Việt Nam” lần thứ 14 thu hút gần 600 đại biểu trong nước và quốc tế. Tổ chức Lễ hội Áo dài Festival Huế, Lễ hội Điện Huệ Nam, Triễn lãm mỹ thuật Khu vực IV Bắc miền Trung lần thứ 28.

Trong tháng 11/2023, tổ chức thành công Chương trình “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023”; tham gia trưng bày triển lãm “Bảo tồn và Phát triển nghề truyền thống Huế” tại thành phố Hà Nội và triển lãm “Không gian Di sản văn hoá và sản phẩm thủ công truyền thống” tại tỉnh Ninh Bình. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11,...

Tổng lượng khách tham quan di tích đến ngày 22/11/2023 là 2,1 triệu lượt, tăng 72,8% so với cùng kỳ; tổng doanh thu bán vé tham quan đạt hơn 318 tỷ đồng, tăng 83,7%.

Trong 11 tháng, nhiều giải thể thao quốc gia, cấp tỉnh được tổ chức thành công, cụ thể: Giải Bóng đá Cúp Quốc gia và hạng Nhất Quốc gia năm 2023; Giải Vô địch Taekwondo học sinh, sinh viên toàn quốc lần I; Giải Golf Faldo Series Châu Á 2023 lần thứ 14; Giải chạy VnExpress Marathon Impertal Huế 2023; Giải Việt dã truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XXXI năm 2023 (Lễ phát động Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Hưởng ứng Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2023),... Đã cử các đoàn vận động viên tham gia thi đấu các giải quốc gia, khu vực và quốc tế đạt được 446 huy chương các loại: 123 HCV, 131 HCB, 192 HCĐ, trong đó có 10 huy chương quốc tế (6 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ).

b) Về khoa học và công nghệ

Tiếp tục triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 09/8/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 của HĐND tỉnh về nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh,…Xây dựng Kế hoạch thực hiện lộ trình thành lập Khu Công nghệ cao và phát triển các thiết chế công nghệ cao Thừa Thiên Huế đến năm 2030, xây dựng Đề án “Phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030”. Tiếp tục thực hiện các dự án nâng cao năng lực cho các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ.

Hoạt động quản lý nhiệm vụ nghiên cứu - thử nghiệm KH&CN được tăng cường, đã triển khai 13 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Tổ chức 07 hội nghị tuyển chọn, giao trực tiếp các đề tài/dự án cấp tỉnh; tổ chức Hội nghị nghiệm thu 04 đề tài/dự án; thẩm định cấp giấy chứng nhận 01 văn phòng đại diện;....

Tổ chức thực hiện Hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai Kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở gắn với hoạt động đầu tư chuyển giao công nghệ tại tỉnh Thừa Thiên Huế” và phát động cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Tổ chức thành công vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Các hoạt động quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ hạt nhân, hoạt động thông tin, thống kê khoa học - công nghệ được đẩy mạnh,...

c) Về giáo dục và đào tạo

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy (khóa XVI) về xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn của cả nước về giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thiện quy mô mạng lưới theo hướng tinh gọn, tập trung, đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa và tăng cường xã hội hóa, đến nay, có 405/568 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,3%.

Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được nâng lên, nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi. Tại kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia năm học 2022 - 2023 có 62 giải/80 học sinh dự thi, tăng 5 giải so với năm học trước và đứng thứ 7 của toàn quốc (02 giải Nhất, 17 giải Nhì, 18 giải Ba và 25 giải Khuyến khích); 01 học sinh nhận Bằng khen Kỳ thi Olympic Vật lý - Thái Bình Dương; 01 học sinh đạt giải Ba chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 23.

Hoàn thành công tác tuyển sinh, tổ chức thi, xét tuyển vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương, lớp 10 tại các Trường THPT trên địa bàn; tổ chức thành công kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 98,09%, tăng so với năm 2022 (năm 2022 đạt 96,55%). Hoàn thành việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 theo lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiến hành tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024. Tổ chức Lễ tuyên dương 386 học sinh danh dự toàn trường năm học 2022 - 2023.

Tiếp tục thực hiện Đề án phát triển Đại học Huế thành Đại học quốc gia, Đề án tái cấu trúc ĐHH xứng tầm đại học quốc gia. Làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về Đề án thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia khu vực miền Trung trên cơ sở sáp nhập Viện Công nghệ sinh học - Đại học Huế và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.

d) Về y tế - chăm sóc sức khỏe

 Đã triển khai nhiệm vụ y tế, chăm sóc sức khỏe 2023; triển khai hiệu quả Đề án “Chính sách thu hút nguồn nhân lực Bác sĩ cho ngành Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; đến nay, đã thu hút được 08 Bác sỹ về công tác tại bệnh viện tuyến cơ sở; tập trung ưu tiên chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực (khám, chữa bệnh thông minh; chăm sóc sức khỏe thông minh; quản trị thông minh). Ước tổng số lượt khám chữa bệnh đạt 1.731.308 lượt, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành công tác an toàn vệ sinh thực phẩm vào các dịp lễ hội năm 2023. Chủ động trong công tác phòng chống dịch, bệnh, đặc biệt là Covid-19, Sốt xuất huyết và các bệnh dịch khác. Rà soát nhu cầu vắc xin phòng Covid-19 trong những tháng cuối năm. Đến nay, 100% đơn vị khám chữa bệnh đã triển khai áp dụng phần mềm phục vụ công tác quản lý KCB và thanh toán BHYT. Triển khai hệ thống Hồ sơ sức khỏe toàn dân. Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh.

e) Về lao động - việc làm và an sinh xã hội

Tháng 11/2023, toàn tỉnh giải việc việc làm 2.507 người lao động, đưa 415 người đi lao động làm việc nước ngoài. Lũy kế từ đầu năm đến nay (22/11/2023), toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 17.034 người (vượt 0,2% kế hoạch); trong đó, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài 2.325 lao động (vượt 16,3% kế hoạch).

Tổ chức Ngày hội việc làm gắn với giảm nghèo bền vững tại huyện A Lưới. Chuẩn bị phối hợp tổ chức hội nghị tư vấn chính sách tạo việc làm, định hướng nghề nghiệp và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Triển khai Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện các dự án, tiểu dự án giảm nghèo năm 2023, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025. Đến nay, theo kết quả rà soát sơ bộ, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 còn 2,27% (giảm 1,29% so với năm 2022: 3,56%), tương ứng với số hộ nghèo giảm 4.192 hộ (từ 11.735 hộ năm 2022 xuống còn 7.542 hộ cuối năm 2023); vượt 0,52% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.

Triển khai Kế hoạch Phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023, kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề đối với thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an năm 2023. Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh 13.600 người, trong đó, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác: 10.010 người; trình độ cao đẳng, trung cấp 3.590 người. Số học sinh đã tốt nghiệp 9.257 người[7]. Ước đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 70% (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch).

Tập trung chăm lo chu đáo các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; tổ chức thành công Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023); khánh thành Nhà tưởng niệm Liệt sỹ Tiểu khu 67; tổ chức Đoàn đại biểu người có công, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu thăm Thủ đô và các tỉnh phía Bắc nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

7. Công tác cải cách hành chính, công tác đối ngoại và đảm bảo quốc phòng, an ninh

Công tác cải cách hành chính được tập trung đẩy mạnh: Từ đầu năm đến nay, 100% văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND ban hành đều được tiến hành lập đề nghị trình cơ quan có thẩm quyền. Công tác cải cách thủ tục hành chính cơ bản đáp ứng và giải quyết tốt các giao dịch hành chính đối với tổ chức, cá nhân. Các cơ quan quản lý nhà nước đã thường xuyên rà soát, đơn giản thủ tục hành chính, hệ thống hóa TTHC, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ TTHC. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.106 TTHC (tỷ lệ 100%) được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, các Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. UBND tỉnh đã duy trì đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo tỉnh với cá nhân, tổ chức tại chuyên trang, chuyên mục “Trao đổi và tháo gỡ” và “chính quyền với người dân” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh nhằm giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư, nguyện vọng của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Nội vụ Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Tổ chức Hội thi trực tuyến tìm hiểu công tác CCHC giai đoạn 2021-2025 trong cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.

Năm 2022, chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị thứ 6 toàn quốc, tăng 02 bậc so với năm 2021; hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp vị thứ 5 toàn quốc, giảm 04 bậc so với năm 2021; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp vị thứ 19 toàn quốc, giảm 15 bậc so với năm 2021.

Công tác đối ngoại: Đã đón tiếp, làm việc với 782 đoàn khách quốc tế/4950 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư – thương mại (tăng 348 đoàn/3005 lượt người so với cùng kỳ). Tổ chức thành công “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023”. Ngày 20/11/2023, đã tổ chức lễ ký kết bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và Chính quyền tỉnh Kyoto (Nhật Bản).

Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì và tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế và hợp tác hữu nghị với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế; khai thác hiệu quả các mối quan hệ đối tác, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, lao động…với các địa phương nước ngoài; triển khai các hoạt động hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hoá và ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh. Công tác đối ngoại tiếp tục phục vụ có hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Quốc phòng, an ninh: Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững. Đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành dự án “Xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So thuộc huyện A Lưới”. Ban hành quyết định phân bổ chỉ tiêu tuyển quân năm 2024. Tập trung triển khai kế hoạch về tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động “tín dụng đen”.

Về trật tự, an toàn xã hội: 11 tháng năm 2023, tội phạm về trật tự xã hội xảy ra, nắm được 485 vụ, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 31 vụ (- 6%).

Tháng 11 năm 2023, tội phạm về trật tự xã hội xảy ra  56 vụ, làm 14 người bị thương, thiệt hại tài sản hơn 5,8 tỷ đồng; so với tháng trước tăng 17 vụ. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế: phát hiện 07 vụ/07 đối tượng; tăng 04 vụ so với tháng trước. Tội phạm ma túy: phát hiện 23 vụ/34 đối tượng; thu giữ hơn 27,294g và 5.902 viên ma túy tổng hợp, giảm 02 vụ so với tháng trước. Tội phạm về môi trường: phát hiện 01 vụ/01 đối tượng, so với tháng trước tăng 01 vụ. Cháy xảy ra 02 vụ, thiệt hại khoảng 42 triệu đồng, không tăng giảm so với tháng trước; tăng 01 vụ so với cùng kỳ.

An toàn giao thông: Từ đầu năm đến 14/11/2023, toàn tỉnh xảy ra 225 vụ tai nạn giao thông, làm 102 người chết, 159 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2022 giảm 16 vụ (-6,6%), giảm 66 người chết (-39,3%), tăng 18 người bị thương (+12,8%).

Tháng 11/2023 (Thống kê từ 15/10/2023 - 14/11/2023), toàn tỉnh xảy ra 32 vụ, làm 12 người chết, 17 người bị thương; so với tháng trước tăng 05 vụ, tăng 06 người chết, giảm 03 người bị thương. Tuần tra kiểm soát, phát hiện 4.272 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, quyết định xử phạt 4.644 trường hợp, phạt tiền hơn 9,3 tỷ đồng, tước 1.105 giấy phép lái xe, tạm giữ 1.658 phương tiện.

B. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 12 NĂM 2023

1. Tập trung hoàn thiện các nội dung trình Tỉnh ủy, HĐND tỉnh cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm: (i) Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; (ii) Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và phân bổ dự toán ngân sách năm 2024; (iii) Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023 và kế hoạch đầu tư công năm 2024. Chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

2. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ. Trọng tâm:

a) Tập trung phối hợp Văn phòng chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2023. Chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tỉnh và xây dựng Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý IV/2023: Hoàn thiện Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được Bộ Xây dựng thẩm định; Đề án đề nghị công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I; Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập thị xã Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đạt tiêu chí đô thị loại IV; hoàn thành Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý I/2024. Tập trung triển khai lập Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế.

c) Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị định số 84/2022/NĐ-CP ngày 20/10/2022 về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế; thực hiện tốt thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây.

4. Tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp đảm bảo ổn định sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư hạ tầng triển khai thực hiện dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex; KCN Phú Bài giai đoạn IV, đợt 1; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN Phong Điền-Viglacera; KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn-Chân Mây. Đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ các dự án sớm đi vào hoạt động tạo bước đột phá cho ngành công nghiệp: Nhà máy Kanglongda Huế, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế,...

5. Tập trung khắc phục, nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường giao thông, tuyến đê điều, hệ thống thủy lợi, sạt lở bờ sông, bờ biển,…do mưa lũ gây ra. Tiếp tục theo dõi tình hình thủy văn và nguồn nước trên các sông, hói, hồ chứa để chủ động điều tiết hợp lý; tăng cường kiểm tra các công trình, hồ đập, bảo đảm an toàn cho người dân; có các phương án phòng, chống thiên tai, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bảo đảm ổn định sản xuất tại các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; kịp thời ứng phó với rét đậm, rét hại; hỗ trợ kịp thời giống cây trồng, vật nuôi, vắc xin, hóa chất sát trùng, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định cho các địa phương để nhanh chóng phục hồi sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, ổn định đời sống cho nhân dân. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2023 - 2024. Hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định huyện A Lưới thoát huyện nghèo Quốc gia vào cuối năm 2023.

6. Theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, phòng chống gian lận thương mại; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm đảm bảo sản xuất đáp ứng nhu cầu xã hội, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho những tháng cuối năm và chuẩn bị Tết Nguyên đán. Tổ chức các hoạt động Lễ hội mùa Đông trong khuôn khổ Festival Huế 2023;

7. Về giải ngân vốn đầu tư công và quản lý tài chính ngân sách:

- Tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2023; quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu Quốc gia; các công trình, dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên,… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Rà soát các dự án đầu tư công, đánh giá mức độ quan trọng các dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 10% (tính đến thời điểm hiện nay) để chấm dứt dự án; đồng thời, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng. Phấn đấu hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2024.

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý thu, chi ngân sách; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành ngân sách, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Tập trung tháo gỡ, hướng dẫn thủ tục cho các dự án đầu tư đang trong quá trình hoàn tất thủ tục kêu gọi đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất, ưu tiên các dự án trọng điểm trong danh mục dự án thu tiền sử dụng đất năm 2023. Tiếp tục triển khai có hiệu quả thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước tại Nghị quyết 38/2021/QH15 ngày 13/11/2021.

8. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

Tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống, hỗ trợ kịp thời đối với người có công, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ...Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người nghèo, nhất là trước và sau Tết Nguyên đán.

Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền, trưng bày, triển lãm kỷ niệm các ngày lễ lớn trong những tháng cuối năm 2023. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho các cấp học; ưu tiên thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Triển khai tốt các nhiệm vụ năm học mới 2023 - 2024.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, hệ thống y tế dự phòng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hành nghề y, dược, an toàn thực phẩm, mỹ phẩm, dân số, BHYT,...Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh như: Covid-19, bệnh sốt xuất huyết, các bệnh truyền nhiễm thường xuất hiện hằng năm. Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với duy trì thực hiện tốt Đề án “Ngày Chủ nhật xanh”, đẩy mạnh phong trào “Nói không với túi ni lông sử dụng 01 lần”; thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn; phân loại rác thải tại chỗ,…

9. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, văn hoá lớn được tổ chức trong những tháng cuối năm 2023. Tập trung hoàn thành công tác tuyển quân 2024. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06/CP về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, trọng tâm là triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Hoàn thành việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở chung cư, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn toàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh nhằm giảm tội phạm, đặc biệt là tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm ma tuý và tội phạm công nghệ cao; vi phạm trên lĩnh vực kinh tế, môi trường, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Thực hiện các giải pháp quyết liệt bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng; công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

10. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số

Đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai hiệu quả các kế hoạch duy trì và nâng cao các chỉ số hành chính về PAR-Index; PAPI-Index, PCI, ICT. Triển khai Đề án chuyển đổi số và phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Nâng cao hiệu quả của việc xây dựng chính quyền điện tử và phát triển dịch vụ đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số. Nâng cấp cơ sở vật chất và hoàn thiện các quy trình vận hành Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Thực hiện tốt quy định về tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm đúng thời gian, quy định, không để tồn đọng kéo dài và khiếu kiện vượt cấp. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.



[1] Đối với cây sắn, rau màu, hoa… tiến hành thu hoạch diện tích sắn bị đổ ngã, trong quá trình thu hoạch tiêu hủy các thân cây sắn bị bệnh khảm lá để hạn chế nguồn bệnh. Sau khi nước rút tiến hành thu gom các cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy và vệ sinh đồng ruộng; diện tích còn lại tiến hành xới đất kịp thời để tạo độ thoáng  tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân vi sinh, phân hữu cơ... Kiểm tra các đối tượng bệnh hại, phun trừ bằng các loại thuốc có hoạt chất Metalaxyl, Mancozeb, Hexaconazole,… nhằm hạn chế bệnh phát triển lây lan trên diện rộng.

[2] Hiện nay, ở khu vực nông thôn nhiều ngành nghề có thu nhập khá đã thu hút lao động nông thôn nên người chăn nuôi ngày càng giảm, bên cạnh đó đồng cỏ chăn nuôi trâu bò ngày càng thu hẹp.

[3] theo số liệu công khai giải ngân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

[4] Dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang đã giải ngân 75,2 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 47%; Dự án cơ sở trợ giúp xã hội tỉnh đã giải ngân 1,3 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,9%; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) đã giải ngân 1,5 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,9%; dự án đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho bệnh viện đa khóa Bình Điền và Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền đã giải ngân 0,81 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 1,5%; dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 31 trạm y tế tuyến xã đã giải ngân 12,6 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 29,3%.

[5]. Dự án Nhà máy may mặc AMP Việt Nam - Phong Điền với tổng vốn đăng ký 92,6 tỷ đồng, diện tích 2,5 ha; Nhà máy may JA Việt Nam với tổng vốn đăng ký 333,1 tỷ đồng, diện tích 2,9 ha (Khu C, KCN Phong Điền); Dự án Sản xuất gia công kết cấu thép, vật tư xây dựng với tổng vốn đăng ký 82 tỷ đồng, diện tích 9,2 ha (KCN Tứ Hạ); Nhà máy sản xuất đá thạch anh cao cấp Thịnh Quang với tổng vốn đăng ký 194 tỷ đồng, diện tích 3,7 ha (Khu B, KCN Phong Điền); Dự án Malpensa Plant Việt Nam với tổng vốn đăng ký 118,1 tỷ đồng, diện tích 1,5 ha (KKTCMLC); Dự án nhà máy sản xuất keo, chất kết dính và sản phẩm làm từ nhựa Okura Industrial Co., Ltd với tổng vốn đăng ký 295,5 tỷ đồng, diện tích 2,1 ha (KKTCMLC); Nhà máy sản xuất men frit, công suất 150.000 tấn/năm với tổng vốn đăng ký 610 tỷ đồng, diện tích 6 ha (KCN Phú Bài); Dự án nhà máy sản xuất FRP và sản phẩm liên quan FRP với tổng vốn đăng ký 42,3 tỷ đồng, diện tích 0,7 ha (KKTCMLC); Dự án nhà máy chế biến cât thạch anh công nghệ cao creanza (diện tích 12,7ha) với tổng vốn đầu tư 2.186,7 tỷ, Dự án Kho chứa hàng hóa với tổng vốn đầu tư 60 tỷ đồng; Dự án nhà máy sản xuất thiết bị âm thanh 0,79 ha với tổng vốn đầu tư 69,9 tỷ.

[6]. Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu Cristobalite điều chỉnh nâng vốn đầu tư lên 762,2 tỷ đồng, tăng 94 tỷ đồng (Khu C, KCN Phong Điền); Dự án đầu tư sản xuất kinh doanh và xuất khẩu bia và đồ uống không cồn khác điều chỉnh nâng vốn đầu tư lên 3.405,8 tỷ đồng, tăng 1.427 tỷ đồng (KCN Phú Bài); Dự án mở rộng Nhà máy sản xuất bao bì giấy Carton điều chỉnh nâng vốn đầu tư lên 30 tỷ đồng, tăng 3,5 tỷ đồng (KCN Phú Bài); Nhà máy may mặc Hanex Huế điều chỉnh giảm vốn đầu tư xuống 127,5 tỷ đồng, giảm 47,4 tỷ đồng (KCN Phú Bài); Khu phức hợp du lịch và dịch vụ Kim Long Lăng Cô điều chỉnh nâng vốn đầu tư lên 2.104,7 tỷ đồng, tăng 365 tỷ đồng (KKTCNLC).

[7] cao đẳng, trung cấp 1.907 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 7.350 người

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]