Thừa Thiên Huế - thành tựu và triển vọng
xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương
  
Thừa Thiên Huế là một tỉnh ven biển phía Nam Bắc miền Trung, có vai trò rất quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là một điểm nhấn trên hành lang kinh tế thương mại Đông – Tây, một vùng đất văn hiến có bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, nơi hội tụ nhiều danh nhân của đất nước. Một trong những địa phương nổi tiếng của Việt Nam với hai Di sản Văn hóa thế giới vật thể và phi vật thể đầu tiên của Việt Nam là quần thể di tích Huế và Nhã nhạc cung đình Huế.
Một góc thành phố Huế
Một góc thành phố Huế

Sau khi cùng quân và dân cả nước lập nên kì tích trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng mùa Xuân 1975, tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn quê hương trong tháng ba rực rỡ cờ hoa chiến thắng; Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế bước vào một thời kỳ lịch sử mới muôn vàn khó khăn gian khổ, kể cả đổ mồ hôi và xương máu để rà phá bom mìn khắc phục, hàn gắn những vết thương về vật chất và tinh thần do chiến tranh để lại. Đoàn kết, tìm bước đi thích hợp, vững chắc để trả lại màu xanh, sự sống cho mặt đất ở khắp địa bàn miền núi, trung du và đồng bằng ven biển quê hương, vết sẹo chiến tranh bởi đạn, bom, chất độc hóa học dần phai mờ nhường chỗ cho những cánh đồng lúa xanh, những mái trường mái ngói đỏ tươi… làm thay đổi với tốc độ ngày một nhanh bộ mặt nông thôn và thành thị Thừa Thiên Huế.

Trải qua 35 năm, địa vực có khi rộng, khi hẹp, khó khăn gian khổ chồng chất vẫn không ngăn cản được sức mạnh quyết tâm bảo vệ và xây dựng quê hương và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng dưới ánh sáng đổi mới của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng bộ Thừa Thiên Huế lần thứ XII, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh, toàn diện với tốc độ luôn đạt mức gần 13%, cao hơn so với trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp – nông nghiệp. Chất lượng tăng trưởng kinh tế từng bước được cải thiện, cơ sở vật chất, hạ tầng được tăng cường đầu tư, quá trình đô thị hoá nhanh tạo điều kiện thúc đẩy nền kinh tế - xã hội theo hướng bền vững lâu dài. Tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi quan trọng như: hệ thống Quốc lộ 1A, 49A, 14B, đường Hồ Chí Minh, đường tránh Huế, các đường tỉnh lộ, đường kinh tế quốc phòng ven biển, hệ thống cầu phá Tam Giang - Cầu Hai, hệ thống giao thông đối ngoại như cầu cảng Chân Mây, hầm đường bộ Hải Vân, sân bay Quốc tế Phú Bài; các công trình trọng điểm về thủy điện, các hồ đập thủy lợi Thảo Long, hồ Truồi, Tả Trạch… cảng Chân Mây là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây là một trong ba điểm đến của tuyến cao tốc trên biển đang được đầu tư và phát triển thành cảng tổng hợp. Các khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ, Phong Thu, các cụm điểm công nghiệp, du lịch đã và đang triển khai thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Tất cả đã và đang làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị, nông thôn Thừa Thiên Huế, tạo thế và lực mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Các thành phần kinh tế phát triển mạnh, quy mô sản xuất ngày càng cao, nhiều dự án lớn được đầu tư phát triển như Nhà máy Bia Huế, Sợi Phú Bài, xi măng Lucks, thủy điện A Lưới, Bình Điền, Hương Điền, xi măng Đồng Lâm, Nam Đông có vốn đầu tư nhiều nghìn tỉ đồng. Nhiều khách sạn quy mô hiện đại 4 đến 5 sao được xây dựng như: Khách sạn Morin, Hương Giang, Century, Tân Hoàng Cung… Hoạt động thu hút đầu tư FDI phát triển nhanh với sự đột phá mới, có dự án đăng kí đầu tư lên đến gần 1 tỷ USD. Những năm đầu của thế kỷ XXI, hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ Festival, các lễ hội, thể dục thể thao tầm quốc gia được đầu tư và nâng cấp xây dựng mới. Nhiều khu đô thị mới được xây dựng hiện đại đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đô thị Huế. Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học được Trung ương và địa phương chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo, trở thành trung tâm đào tạo hiền tài cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, công viên cây xanh được nâng cấp, tôn tạo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xóa nghèo và an sinh xã hội, kết cấu hạ tầng ở vùng nông thôn, miền núi của Thừa Thiên Huế từng bước được đầu tư đồng bộ, khang trang. Đến nay, 100% số xã trong tỉnh có trường tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế; có đường ô tô đến trung tâm xã. Hệ thống đường liên thôn, liên xã đều được bê tông hóa và nhựa hóa; 100% số xã có điện sinh hoạt với hơn 98% số hộ được dùng điện; 87% số hộ được dùng nước sạch; 100% số xã được phủ sóng truyền hình. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được đầu tư phát triển toàn diện; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng nâng cao chất lượng; các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao phát triển với nhiều hình thức, thể loại phong phú và đa dạng về chiều rộng và chiều sâu ngày càng mang tính xã hội hóa cao. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các loại hình Di tích lịch sử văn hóa đạt được nhiều thành tựu mang tầm quốc gia và quốc tế, trong đó có hai di sản là quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế được công nhận là di sản vật thể và phi vật thể của nhân loại, góp phần tạo cơ sở vật chất, văn hóa, lịch sử để xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng có công với nước, các gia đình thương binh, liệt sĩ được đặc biệt chú trọng về chất lượng, và trở thành phong trào mang tính xã hội cao được nhân dân, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp hưởng ứng tích cực. Huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của cộng đồng quốc tế... Qua đó, khai thác và phát huy các nguồn lực nhằm thực hiện tốt các chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà ở tạm trên địa bàn. Đến nay, cả tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 9.425 ngôi nhà mới cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo khó khăn với tổng kinh phí trên 110 tỉ đồng, đạt 135% kế hoạch đã đề ra. Những năm gần đây, với quan điểm nhất quán, tăng trưởng kinh tế ổn định phải gắn liền với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững, hàng loạt chủ trương, chính sách, chương trình liên quan đến xóa đói, giảm nghèo của Trung ương và của tỉnh được tổ chức thực hiện có hiệu quả trên địa bàn. Nhờ vậy, các chỉ tiêu về xóa đói, giảm nghèo hằng năm của địa phương đều đạt và vượt kế hoạch; đời sống vật chất, tinh thần của đại đa số nhân dân được cải thiện rõ nét. Bộ mặt nông thôn, miền núi, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhiều khởi sắc và có sự thay đổi đáng kể; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm từ 21,17% cuối năm 2005 xuống còn 12,1% cuối năm 2008. Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở 2 huyện miền núi giảm khá nhanh, huyện Nam Đông từ 24,9% năm 2005 giảm còn 11,4% năm 2008; huyện A Lưới từ 48,47% năm 2005 giảm còn 27% năm 2008. Công tác quốc phòng an ninh được quan tâm củng cố, chủ quyền quốc gia, an ninh biên giới, biển đảo được giữ vững, thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng và củng cố gắn liền với thế trận an ninh nhân dân. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định là nền tảng vững chắc cho sự phát triển xã hội, tạo niềm tin và sự an tâm, an toàn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến Thừa Thiên Huế.

Ngày ngay, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế tiếp tục viết nên những trang sử mới trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020, thành lập mới thêm các khu công nghiệp (KCN) mới ở Quảng Vinh (huyện Quảng Điền), nâng cấp các cụm công nghiệp Phú Đa (huyện Phú Vang), La Sơn (huyện Phú Lộc) thành khu công nghiệp. Đồng thời, mở rộng thêm các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Thu... đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của địa phương trong giai đoạn mới. Hiện Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng 4 khu công nghiệp gồm: KCN Phú Bài, KCN Tứ Hạ, KCN Phong Thu, KCN Chân Mây. Trong đó KCN Phú Bài được thành lập sớm nhất (giai đoạn I và II có tổng diện tích là 184,96 ha), với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ, và đã có 28 doanh nghiệp hoạt động tại KCN, lấp đầy diện tích giai đoạn I và II; riêng việc mở rộng KCN Phú Bài giai đoạn III đang được chuẩn bị đầu tư hạ tầng với diện tích 118,5 ha. Khu công nghiệp Tứ Hạ có diện tích quy hoạch là 100 ha... Công ty TNHH JK Global (Hàn Quốc) làm chủ dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 KCN Phong Thu, với diện tích quy hoạch là 100 ha, tổng vốn đầu tư 6,5 triệu USD. Theo cam kết của nhà đầu tư, đến cuối năm 2010 sẽ xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Tại đây đã có Công ty Scavi Huế đầu tư và đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 1.300 lao động tại chỗ. Theo thống kê, các KCN trên địa bàn đã thu hút 41 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký 2.928 tỉ đồng, tổng diện tích thuê đất 272 ha, trong đó có 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn đăng ký 77 triệu USD.

Song song với quy hoạch đầu tư phát triển các khu công nghiệp, Thừa Thiên Huế đã áp dụng một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn với điều kiện dự án được thực hiện theo đúng tiến độ cam kết. Trong các chính sách ưu đãi, nhà đầu tư sẽ được thuận lợi hơn về giá thuế đất. Cụ thể, theo quy định mới thì đơn giá thuê đất một năm tại thành phố Huế được tính bằng 0,65% giá đất do tỉnh ban hành hàng năm. Tại huyện Hương Thủy, giá thuê đất được tính bằng 0,5%; các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc được tính bằng 0,35% (đối với đất tại các xã) và 0,5% (đối với đất tại các thị trấn); các huyện Nam Đông, A Lưới được tính bằng 0,25% (đối với đất tại các xã) và 0,35% (đối với đất tại các thị trấn). Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng công trình giao thông, điện, nước, viễn thông, hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Với truyền thống đấu tranh cách mạng, những bài học kinh nghiệm thành công và thất bại trong 35 năm bảo vệ và xây dựng quê hương Thừa Thiên Huế, lại được các cơ quan ban ngành ở Trung ương, các địa phương trong nước quan tâm ủng hộ, được bạn bè quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng, đã tạo lập nên một nền tảng vững chắc cho Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế vững tin tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo kết luận của Bộ Chính trị.

Phương Hảo
 Bản in]
Các bài khác
    Trang đầu Trang trước 1 2 Trang kế Trang cuối