Nghề Thêu
  
Kim, chỉ, thêu thùa, may vá là công việc bình thường của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng nghề thêu vẫn được xem là một nghề chuyên nghiệp ở Huế từ lâu, nhất là từ khi Huế là kinh đô nhà Nguyễn.

Với sự tinh tế, tỉ mỉ của người Huế, sản phẩm thêu ở Huế, nhất là vào giai đoạn thịnh trị của nhà Nguyễn đã thật sự mang đặc trưng độc đáo và có chất lượng tinh xảo. Thợ thêu Huế không chỉ đơn thuần giỏi kỹ thuật thêu mà còn biết sáng tạo mẫu, bố cục mảng màu, đơn giản hóa những chi tiết rườm rà, biến hóa màu sắc làm cho bức thêu sống động.
     Nghề thêu xưa ở Huế không hội tụ thành làng nghề, một số nghệ nhân giỏi ở hẳn trong nội cung, một số sống và đào tạo học trò bên ngoài. Nhiều sản phẩm của các nghệ nhân thêu Huế hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Nghệ thuật cung đình Huế đã thực sự trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc làm say lòng du khách bốn phương, như: bức thêu “Thất sư hý cầu” (bảy con rồng đang vờn một quả cầu) của cố nghệ nhân Lê Văn Hỡi, bức thêu bộ kinh “Kim Cương” của cố ni sư Diệu Tâm, bức thêu “Đêm trăng Vỹ Dạ” của cố nghệ nhân Lê Thị Bích Đàn...


     Những nghệ nhân tài hoa Huế không chỉ phục vụ cung đình mà còn làm nên những bộ sưu tập đa dạng, phong phú, đặc sắc như thêu tranh phong cảnh, chân dung các danh nhân, thư pháp, trướng liễn, kinh phật, hoàng bào, xiêm y… Phổ Cẩm Tú hình thành từ cuối những năm 20 của thế kỷ 20, nơi đào tạo hàng trăm thợ thêu tài hoa, mà đến nay vẫn còn những thợ thêu trụ cột ở các hãng thêu nổi tiếng như: Đức Thành, Thêu Thuận Lộc, Kim Long,...Các sản phẩm thêu Huế đạt đến trình độ tinh hoa của nghề nghiệp, thực sự là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, làm giàu thêm kho tàng văn hóa truyền thống Huế. 

 Bản in]