Kế hoạch tổ chức Festival chuyên đề Huế 2013
  

ỦY BAN NHÂN DÂN

THÀNH PHỐ HUẾ

 


Số: 1873/KH-UBND

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 


                              Huế, ngày 2 tháng 8 năm 2012

 

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC FESTIVAL CHUYÊN ĐỀ HUẾ 2013

                                   

 Kính gửi:

-          Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế;

-          Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Phát huy thành quả bốn kỳ Festival chuyên đề nghề truyền thống Huế những năm 2005, 2007, 2009, 2011 và thành công của Festival Huế 2012, thành phố Huế sẽ tiếp tục tổ chức Festival nghề truyền thống lần thứ năm trong tháng 4 năm 2013.

UBND thành phố báo cáo Kế hoạch tổ chức Festival chuyên đề Huế 2013 cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích

            - Tiếp tục tổ chức một lễ hội có chất lượng, có hiệu quả, mang tầm quốc gia, là thương hiệu lễ hội riêng của thành phố Huế - độc đáo và hấp dẫn.

            - Tiếp tục phát huy thương hiệu và vị thế của thành phố Festival, tiếp nối và phát huy thành quả của các kỳ Festival Huế.

- Thông qua tổ chức Festival chuyên đề Huế để tiếp tục thúc đẩy, phát triển có hiệu quả các nghề truyền thống đặc trưng của Huế, liên kết với các nghề truyền thống cả nước, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên Huế.

- Thực hiện Quyết định số 661/QĐ-UBND ngày 28-3-2009 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015.

          2. Yêu cầu

            - Thể hiện rõ nội dung chủ đề thông qua các hoạt động văn hóa, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn và gây được những ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc đối với công chúng.

            - Festival thực chất là sản phẩm văn hóa của cộng đồng, vì vậy phải thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng theo hướng xã hội hóa và công chúng hóa các hoạt động Festival.

            - Bảo đảm các yếu tố an toàn, tiết kiệm, hiệu quả và góp phần phát huy kết quả của Festival Huế 2012 và tích cực quảng bá cho Festival Huế 2014.

II. Chủ đề, quy mô và thời gian tổ chức:

1. Chủ đề: Festival Nghề truyền thống Huế 2013

Giới thiệu nghề và làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch.

2. Quy mô: Ngày 28/3/2009, UBND tỉnh đã phê duyệt một Đề án khá quan trọng: khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015. Đến nay, Đề án vẫn chưa được các ngành phối hợp triển khai tích cực và có hiệu quả. “Tăng năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp chặt chẽ giữa công nghệ cổ truyền và công nghệ tiên tiến, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với hoạt động du lịch - dịch vụ” là một trong 4 quan điểm phát triển quan trọng; “Gắn sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống và các loại hình dịch vụ khác để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Sản phẩm của các làng nghề ngày càng tinh xảo, độc đáo, chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường” là một trong những nội dung quan trọng của các mục tiêu phát triển mà Đề án đặt ra. Mặt khác khi đề ra các nhóm giải pháp thì “Phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển du lịch” là một giải pháp được chú trọng.

Festival nghề truyền thống với mục tiêu ngay từ ban đầu là để khôi phục và làm sống lại làng nghề - một nét văn hoá độc đáo và thực sự hấp dẫn mà nếu phát huy tốt sẽ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của du lịch Huế. Muốn “bảo tồn và phát huy” làng nghề Huế phải gắn với du lịch, phải trở thành một sản phẩm của du lịch... Muốn vậy, phải có sự “cộng tác, cộng đồng trách nhiệm” giữa: cơ quan nhà nước quản lý ngành nghề thủ công mỹ nghệ - các nghệ nhân và làng nghề - các doanh nghiệp du lịch cùng với sự hỗ trợ, tư vấn của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học.

3. Thời gian: 5 ngày, khai mạc ngày 27/4/2013, bế mạc ngày 01/5/2013.

III. Nội dung Festival chuyên đề Huế 2013:

1. Đặc điểm lịch sử:

Năm 2013 là năm thứ ba triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đại Hội Đảng bộ thành phố Huế lần thứ X, tiếp tục thực hiện nghị quyết của tỉnh về phát triển các ngành nghề tiểu thủ công mỹ nghệ truyền thồng. Đối với thành phố Huế: là năm kỷ niệm 225 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân, 20 năm quần thể di tích triều Nguyễn được công nhận là di sản thế giới và 10 năm nhã nhạc cung đình trở thành di sản phi vật thể của nhân loại.

Năm 2013 cũng ghi dấu các sự kiện lịch sử: 105 ngày xảy ra cuộc biểu tình chống thuế ở Huế (Bác Hồ lúc bấy giờ là cậu học trò Nguyễn Sinh Cung đã tham gia và khởi đầu cuộc hành trình cứu nước của mình), 100 năm Hội Đô thành hiếu cổ thành lập (AAVH), 50 năm Hội LHTN Giải phóng Trung trung bộ thành lập, 45 năm chiến thắng Xuân 68.

2. Các nội dung hoạt động tại Festival chuyên đề Huế 2013: 

2.1 Các hoạt động chính:

- Chương trình khai mạc và bế mạc (có kịch bản riêng)

- Tổ chức không gian trưng bày, thao diễn và giới thiệu các sản phẩm làng nghề góp phần phục vụ du khách mua sắm. Chú ý giới thiệu được các đặc trưng của những nghề gắn với du lịch. Kết hợp tour về các làng nghề.          

2.2 Các hoạt động hưởng ứng, lồng ghép:  

            1. Hội thảo khoa học (có kế hoạch riêng)

            2. Hội chợ làng nghề

          3. Triển lãm Ảnh nghệ thuật về làng nghề

          4.  Hội thi về một số nghề

          5. Hướng dẫn và dạy làm các sản phẩm thủ công truyền thống     

          6. Gặp gỡ, tọa đàm và tôn vinh các nghệ nhân

          7.  Đi bộ vì màu xanh quê hương

            8. Các chương trình biểu diễn văn nghệ, quảng diễn đường phố

  9.  Nghệ thuật sắp đặt

IV. CÁC ĐỐI TÁC MỜI THAM GIA FESTIVAL:

1. Các nghề đã có thương hiệu và có sản phẩm:

Đây là nhóm nghề đã từng được giới thiệu qua các kỳ Festival trước và đã có sản phẩm được du khách ưa chuộng, tuy nhiên, mặt hàng còn kém phong phú, mẫu mã chưa hấp dẫn cần được củng cố, nâng phẩm chất, cụ thể:

- Nón lá

- Thêu

- Đan đát mây tre

- Pháp lam

- Hoa giấy

- Dệt Zèng

- Mỹ nghệ gỗ

- Mỹ nghệ kim hoàn

- Đèn lồng và Diều Huế

- Phấn nụ

- Nhóm chế biến thực phẩm: Nem, Chả, Tré, Tôm chua, Mè xửng...

- Mỹ nghệ xương, Ngà

- Mỹ nghệ đồng

- Sơn mài

- Tranh làng Sình

 2. Các Làng nghề:

- Gốm Phước Tích

- Mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên

- Hoa giấy Thanh tiên

- Tịnh Tâm kim cổ

- Đan lát Bao la

- Đồng Phường Đúc

- XQ Cổ độ

- Nón Phú Cam, Nón Mỹ Lam

- Pháp lam

3. Các nghề và làng nghề liên quan nổi tiếng trong nước

- Gốm Bát Tràng

- Gốm Bình dương

- Thêu

- Các làng nghề Hội An

- Đồ mỹ nghệ các loại Hà Nội

- Đồ mỹ nghệ gỗ Lâm Đồng

- Đá Mỹ nghệ Non nước Đà Nẵng

- Mây tre thành phố Hồ Chí Minh

- Thổ cẩm Sơn La

- Chạm bạc Hà Nội

- Chạm đồng Bắc Ninh

4. Trung Tâm Bảo Tồn Di Tích Cố Đô Huế, Phân Viện Nghiên cứu VHNT tại Huế, Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ, các Đoàn nghệ thuật trong tỉnh, một số đơn vị nghệ thuật ở tỉnh, thành phố bạn và các Công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng tham gia các chương trình du lịch và ẩm thực.

V. Kinh phí: Khoảng 7 tỷ đồng, bao gồm:

1. Ngân sách thành phố

2. Đề nghị tỉnh hỗ trợ

3. Vận động tài trợ

VI. Định hướng triển khai:

            1. Thành lập Ban Chỉ đạo và Ban Tổ chức, thành lập các tiểu ban giúp việc cho BTC Festival chuyên đề gồm các Tiểu ban: Nội dung, Tài chính tài trợ, Tuyên truyền quảng bá, An ninh và Lễ tân. Đề ra lịch làm việc thường kỳ của Ban tổ chức, thường trực Ban tổ chức.

          2. Thiết kế không gian chính của Festival:

            - Khu vực sân khấu chính phục vụ lễ khai mạc, bế mạc

            - Khu vực trưng bày

            - Khu vực thao diễn, giao lưu và phục vụ công chúng

            3. Xây dựng kịch bản lễ khai mạc, bế mạc

            4. Tổ chức đoàn khảo sát thực tế theo nội dung chủ đề được thành phố thống nhất tại các địa phương trong tỉnh, các thành phố bạn…

Sau khi tiếp xúc, khảo sát cụ thể và làm việc với các làng nghề và nghệ nhân trong và ngoài tỉnh:

- Tháng 9/2012: họp với các nghệ nhân và các làng nghề, các doanh nghiệp kinh doanh làng nghề trong tỉnh và cụ thể nội dung tham gia.

- Đầu tháng 10/2012: gửi thư mời chính thức cho các làng nghề và nghệ nhân ngoài tỉnh.

           5. Xây dựng kế hoạch vận động kinh phí tài trợ:

Tháng 9/2012: lên phương án và các hồ sơ kêu gọi tài trợ. Đối với các đơn vị trong tỉnh và các đối tác truyền thống có quan hệ, đã từng tham gia các năm trước, làm việc và gửi hồ sơ xin tài trợ sớm...

            6. Xây dựng kế hoạch quảng bá, tuyên truyền cho Festival:          

- Bảo trợ thông tin: đề nghị Báo Tuổi trẻ, Lao động, Du Lịch, Văn Hoá, HTV, Vietnamnet, VTV Huế.

           - Cung cấp thông tin cho các báo Trung ương, địa phương sớm để có tuyên truyền, quảng cáo ở một số tờ báo: Tuổi Trẻ, Du lịch, Thừa Thiên Huế, Văn hóa đời sống và các trang thông tin điện tử từ đầu quý 3/2012...

- In và phát hành tờ gấp, Poster và tài liệu tuyên truyền liên quan từ đầu quý 3 năm 2012; thực hiện panô về Festival nghề tại thành phố.

- Làm việc và đề nghị Ban chuyên đề HTV thành phố Hồ Chí Minh, VTV Huế, TRT thực hiện các phim chuyên đề về nghề Huế và tuyên truyền cho Festival nghề truyền thống Huế 2013.

UBND thành phố báo cáo Kế hoạch tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2013 để UBND tỉnh biết, chỉ đạo.

 

 Nơi nhận:

- Như trên;

- Thường vụ Thành ủy;

- Thường trực HĐND TP;

- CT, các PCT UBND TP;

- P. VH&TT TP;

- VP: LĐ&CVVH;

- Lưu VT.

                     TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

                      CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

                      Phan Trọng Vinh

 

 

Tập tin đính kèm
STT Tên tập tin Tải về
1 Kế hoạch tổ chức Festival chuyên đề Huế 2013 ()
 Bản in]