Núi Kim Phụng
  

Núi Kim Phụng còn có tên gọi khác là Thương Sơn hoặc Thiên Dữu, dân gian gọi là hòn Đốn hay hòn Đụn, thuộc địa phận làng Hải Cát, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà.

Núi Kim Phụng là một biểu tượng được khắc trên Chương đỉnh đặt trong Đại Nội, là nơi an táng Chánh cung hoàng hậu họ Phạm của Hoàng đế Quang Trung và là nơi Thành ủy Huế trú đóng, làm trạm tiền tiêu của Bộ trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Núi Kim Phụng còn được biết đến là ngọn núi cao nhất thành phố Huế với độ cao khoảng 427 mét.

Trên núi có giếng nước rất trong nhưng mùa khô sẽ cạn. Đỉnh núi có tượng Phật nhỏ và tượng thần Núi Thương với những bát hương. Trước mặt tượng Phật về bên phải, có một nơi khá im mát có thể làm nơi cắm trại cho nhiều người - Không khí trong lành, mát rượi. Từ đỉnh cao này sẽ nhìn thấy bao quát thành phố Huế kề cận bên dòng sông Hương quanh co.

Trên đỉnh núi có thể nhìn thấy cả một vùng rộng lớn: Nếu nhìn theo hướng Đông - Nam sẽ thấy hai trụ biểu của lăng Gia Long, nhìn về hướng Đông thấy lăng Minh Mạng và cầu Tuần, tượng Bồ Tát Quán Âm trên núi Tứ Tượng. Phía bên phải cầu Tuần là ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng Tả Trạch và Hữu Trạch hợp lưu thành sông Hương.

Có nhiều cách để du khách đến chân núi Kim Phụng, nhưng ngắn nhất là từ cầu Tuần chạy khoảng 4 - 5 km tới khu khai thác đá Khe Phèn và chạy thêm 1 km nữa sẽ gặp chỗ gửi xe.

Con đường vào núi Kim Phụng khá hiểm trở và heo hút, thảm thực vật ở đây vì vậy còn hoang sơ và mang một vẻ đẹp cuốn hút bởi một màu xanh tít tắp.    

Môi trường ẩm ướt nơi đây tạo điều kiện cho không chỉ cây thân gỗ phát triển mà hệ thống cây bụi, những loài cây săn mồi cũng hết sức phong phú. Đó là những cây nắp ấm vốn được nhiều người chơi cây cảnh hiện nay ưa chuộng được mọc rải rác bên các khe suối, lẩn quất trong những bụi cây sim, cây mua ngay bên chân du khách khi tới đây tham quan.

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]