Hệ sinh thái động vật vườn quốc gia Bạch Mã
  

Vườn quốc gia Bạch Mã đã được Chính phủ phê duyệt thành lập vào năm 1991, có diện tích 22.031ha và vùng đệm 21.300ha. Toàn bộ vườn và vùng đệm nằm trên địa phận hành chính của 9 xã, 2 thị trấn thuộc huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng. Phía Bắc và Đông Bắc của vườn có đầm Cầu Hai, đầm An Cư; phía Nam, Tây Nam vườn nối dài với phần đuôi của dãy Trường Sơn Bắc cao khoảng 1.000-1.300m (chỗ núi Mang cao tới 1.702m). Vườn quốc gia Bạch Mã chiếm một phần khối núi granitoiđ có phương á vĩ tuyến và án ngữ ở phía Nam tỉnh. Đại bộ phận các đỉnh núi cao từ 1.000-1.444m. Sườn núi dốc từ 20 đến 350, có nơi đến 40 - 450 và bị các sông suối chia cắt mạnh. Thảm thực vật ở đây khá phát triển, thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa cận nhiệt đới (á nhiệt đới) ở địa hình cao trên 1.000m và kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên địa hình dưới l.000m. Tuy nhiên, do chất độc hóa học hủy diệt, khai thác gỗ, đất rừng làm rẫy bừa bãi trong thời gian dài mà hiện nay diện tích rừng nguyên sinh còn ít và diện tích rừng tái sinh, rừng phục hồi chiếm tỷ lệ đáng kể. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, địa hình núi cao, lớp phủ thực vật rừng dày nên chế độ nhiệt ẩm Vườn quốc gia Bạch Mã tương đối ổn định: nhiệt độ trung bình năm 16-220C, tháng lạnh nhất 5-80C, tháng nóng nhất không vượt quá 250C, lượng mưa trung bình năm lớn nhất Việt Nam, phổ biến là 3.400-4.000mm/năm, đôi khi lớn hơn, thậm chí đến 9.000mm/năm.

Theo kết quả tổng hợp và điều tra, ở hệ sinh thái Vườn quốc gia Bạch Mã đã xác định được: lớp côn trùng có 894 loài, 580 giống, 125 họ, 17 bộ; lớp cá có 57 loài, 48 giống, 17 họ, 6 bộ; lớp ếch nhái có 21 loài, 7 giống, 5 họ, 1 bộ; lớp bò sát có 31 loài, 24 giống, 10 họ, 2 bộ; lớp chim có 358 loài, 186 giống, 55 họ, 15 bộ; lớp thú có 132 loài, 72 giống, 28 họ, 10 bộ.

* Khu hệ côn trùng (Insecta)

Tại Vườn quốc gia Bạch Mã đã xác định được 894 loài của 580 giống và nằm trong 125 họ và 17 bộ. Trong đó, bộ cánh vảy (Lepidoptera) đa dạng nhất với 310 loài (chiếm 34,68%), 190 giống (chiếm 32,76%), 22 họ (chiếm 17,6%). Tiếp đến là bộ cánh cứng (Coleoptera) với 200 loài (chiếm 22,37%), 145 giống, 17 họ (chiếm 13,6%). Sau đó là bộ cánh nửa (Hemiptera) với 60 loài (chiếm 6,71%), 47 giống (chiếm 8,1%) và 12 họ (chiếm 8,6%). Các bộ còn lại có số loài và số giống cũng khá cao, thấp nhất là bộ cánh da (Dermaptera) với 3 loài (chiếm 2,4%), 3 giống (chiếm 0,52%) và 3 họ (chiếm 0,34%). Qua các tỷ lệ % của các taxon bậc họ, giống và loài của côn trùng nhìn chung là thấp, phản ánh được sự đa dạng của côn trùng ở Vườn quốc gia Bạch Mã, nhất là côn trùng cánh cứng, cánh vảy, bọ que (phasmoptera), bọ ngựa (Mantoptera), chuồn chuồn (odonatoptera)...

Thành phần côn trùng ở Vườn quốc gia Bạch Mã đã được bổ sung các loài côn trùng ít gặp, quý hiếm, chỉ xuất hiện theo mùa và ở độ cao nhất định. Trong số này có thể kể đến các loài côn trùng sống ở độ cao lớn và hoạt động về đêm như: bọ que, côn trùng sống ở rừng rậm như bổ củi, bổ củi giả, cánh cứng ăn lá..., các loại bướm rừng thuộc họ Amathusidae và bướm tro thuộc họ Lycaenidae (Lepidoptera) côn trùng sống ở rừng rậm, hoạt động về đêm, bay nhanh, ưa ánh sáng đèn như ngài diều hâu, bướm mắt rắn. Bên cạnh đó, còn có nhiều loài côn trùng đẹp mắt có màu sắc, hình dáng, kích thước độc đáo và có khả năng ẩn náu hoặc ngụy trang như bọ sừng hươu (Lucanidae), bọ ngựa (Mantidae), bọ que (Phasmitidae), ve sầu sừng (Fulgoridae), bướm phượng (Papilionnidae), bướm giáp (Nymphalidae)... Đặc biệt, đã phát hiện các loài côn trùng có pha ấu trùng sống nơi suối chảy ở độ cao lớn như cánh úp (Plecoptera), cánh lông (Trichoptera), phù du (Ephemeroptera).

Đối với hệ sinh thái ở Vườn quốc gia Bạch Mã, côn trùng có vai trò bổ sung nguồn gen quý hiếm, cải tạo đất, thụ phấn, đóng vai trò thiên địch, cung cấp mật ong, cung cấp thức ăn cho động vật lớn. Ngoài tác động tích cực, côn trùng cũng gây hại như ăn cá, đục thân cây cối và ngoại ký sinh, hút máu, truyền bệnh.

* Khu hệ cá (Pisces)

Cho đến nay, ở khu hệ cá Vườn quốc gia Bạch Mã đã xác định được 57 loài thuộc 48 giống, 17 họ, 6 bộ cá nước ngọt khác nhau. Trong đó bộ cá chép (Cypriniformes) có 3 họ (chiếm 17,65% tổng số họ) với 32 loài (chiếm 56,14% tổng số loài) và là bộ có ưu thế nhất về số loài. Tiếp đến là bộ cá vược (Perciformes) có 5 họ (chiếm 29,41%), 13 loài (chiếm 22,81%); bộ cá nheo (Silurifornes) với 5 họ (chiếm 29,41%) và 8 loài (chiếm 14,04%); bộ lươn (Symbranchiformes) có 2 họ (chiếm 11,76%) và 2 loài (chiếm 3,51%). Mỗi bộ cá thát lát (Osteoglossiformes) và bộ cá chình (Anguiliformes) chỉ có 1 họ (chiếm 5,88%) và mỗi họ chỉ có 1 loài (chiếm 1,75% tổng các loài đã thống kê). Thành phần loài của cá Bạch Mã thể hiện sự đa dạng động vật và mang tính chất giao lưu, chuyển tiếp của hai khu hệ cá nước ngọt Bắc và Nam Việt Nam, trong đó khu hệ cá Bắc Việt Nam ưu trội hơn. Ngoài ra, cá còn có vai trò sinh thái đáng kể và được thể hiện ở khả năng chuyển hóa vật chất hữu cơ từ môi trường nước cho các động vật tiêu thụ khác góp phần tạo nên cấu trúc bền vững hệ sinh thái tự nhiên. Đó là cá chép, cá diếc, cá cấn, cá bướm be, cá sứt môi, cá mại, cá chày đất, cá sỉnh, cá bám đá, cá rô phi...

Trong 57 loài cá thống kê đã xác định được 8 loài cá có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2000 với các tình trạng khác nhau: cá chình hoa (Anguilla marmorata) bậc R, cá ngạnh (Cranoglanis bouderius) bậc V, cá quả (Ophiocephalus striatus) bậc T.

* Khu hệ lưỡng cư và bò sát (Amphibia và Reptilia)

Kết quả của nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho thấy tại Vườn quốc gia Bạch Mã có 52 loài lưỡng cư (Amphibia) và bò sát (Reptilia) thuộc 3 bộ và 15 họ và 31 giống khác nhau. Trong đó, có 21 loài lưỡng cư với 7 giống, 5 họ và 1 bộ (bộ không đuôi - Anura). Giống ếch Rana có nhiều loài nhất với 12 loài trên tổng số 21 loài (chiếm 57,1%). Lớp bò sát có 31 loài, 24 giống, 10 họ và 2 bộ, trong đó bộ rắn nước (Columbridae) có nhiều giống nhất (10 giống trên tổng số 24 giống). So với toàn quốc, khu hệ lưỡng cư - bò sát Vườn quốc gia Bạch Mã có số lượng loài không nhiều, nhưng tỷ lệ loài đặc hữu khá cao: đạt 25% ở nhóm rùa; 14,28% ở nhóm ếch nhái; 12,5% ở nhóm thằn lằn và 5,26% ở nhóm rắn.

Trong số các loài lưỡng cư đã thống kê có 3 loài quý hiếm nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam và cần được bảo vệ: cóc mắt chân dài (Megophrys longipes), chàng Anđécson (Rana andersonii), ếch cây chân đen (Phacphorus nigropalmatus). Có 8 loài bò sát được ghi vào Sách đỏ Việt Nam năm 2000. Đó là các loài: Ô rô vảy (Acanthosaura lepidogaster), rồng đất (Physignathus cocincinus), trăn mốc (Python molurus), rắn ráo (Ptyas korros), rắn cạp nong (Bungarus fasciatus), rắn hổ mang (Naja naja), rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus) và rùa hộp (Coura galbinifrons). Trong đó, có 3 loài được đánh giá ở mức nguy cấp (V), một loài ở mức hiếm (R) và 4 loài còn lại ở mức bị đe dọa (T).

Trong các loài lưỡng cư - bò sát đã biết có nhiều loài có giá trị về sinh thái, kinh tế và dược liệu

* Khu hệ chim (Aves)

Hiện nay Khu hệ chim Vườn quốc gia Bạch Mã đã ghi nhận được 358 loài, 186 giống, 55 họ và 15 bộ. Các loài, giống, họ phân bố không đồng đều trong các bộ chim khác nhau. Tính đa dạng của các loài chim thể hiện ở các bậc taxon, đặc biệt là ở taxon bậc giống. Bộ Passeriformes đa dạng nhất ở tất cả các bậc taxon, vượt trội so với nhiều bộ khác với 191 loài (chiếm 53,2%), 91 giống (chiếm 48,92%) và 28 họ (chiếm 50,91%). Tiếp đến là các bộ cắt (Fanconiformes), bộ sả (Coraciformes), bộ cu cu (Cuculiformes)... số lượng ít nhất là bộ nuốc (Trogoniformes) chỉ có 1 loài (chiếm 0,28%), 1 giống (chiếm 0,54%) và 1 họ (chiếm 1,82%). So với danh lục chim trên toàn quốc, mức độ đa dạng về chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã là khá cao. Tại đây số loài chim chiếm 43,24% (358/828) tổng số loài, 67,90% (55/81) tổng số họ và 78,95% (15/19) tổng số chim của toàn quốc. Tính chất đa dạng của khu hệ chim Vườn quốc gia Bạch Mã mang đầy đủ tính đa dạng của khu hệ chim Bắc Trung bộ.

Các loài chim đặc hữu tiêu biểu có thể kể đến như: gà so Trung bộ (Arborophila merlini), gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), trĩ sao (Rheinartia ocellata), đuôi cụt bụng vằn (Pitta elliota), chim khách đuôi cờ (Temnurus temnurus), thầy chùa đít đỏ (Megalaima lagrandieri), chim mào vàng (Melanochlora sultanea gaeti), khướu mỏ dài (Jabouillera danjoui), hút mật đuôi nhọn (Aethopyga christinae). Tính chất đặc trưng của khu hệ chim Bắc Trung bộ đã giảm nhiều, nhưng lại có những yếu tố đặc hữu của Trung Trung bộ tăng lên. Đặc biệt nhất về khu hệ chim Bạch Mã là sự phong phú các loài thuộc bộ gà (Galliformes), nhất là các loài trĩ. Ở Bạch Mã có 7 loài trên tổng số 12 loài trĩ hiện có ở Việt Nam và 4 loài đặc hữu của khu vực nhỏ hẹp này. Đó là các loài gà lôi beli (Lophura nycthemera beli), gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), gà so gutta (Arborophila rufogularis guttata), gà so Trung bộ (Arborophila merlini).

Trong tổng số 358 loài chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã có 18 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và trong Danh lục đỏ Việt Nam (2002) và 26 loại có tên trong Danh lục thực vật, động vật cấm buôn bán, săn bắt của Nghị định 48/2002/NĐ-CP. Trong đó có gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), niệc nâu (Ptilalaemus tickelli) và ác là (Pica pica) là những loài chim quý hiếm ở mức độ nguy cấp (E), 12 loài ở mức độ bị đe dọa (T) và 8 loài hiếm (R). Có 6 loài trong Phụ lục IB, nghiêm cấm khai thác và sử dụng và 20 loài trong Phụ lục IIB, hạn chế khai thác và sử dụng.

Cũng giống với các động vật khác, chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã có ý nghĩa lớn cả về sinh thái, nguồn gen, thiên địch lẫn thực phẩm và nguyên liệu.

* Khu hệ thú (Mammalia)

Kết quả điều tra và phân loại thú ở Vườn quốc gia Bạch Mã cho đến nay đã xác định được 132 loài thú nằm trong 72 giống, 28 họ và 10 bộ. Trong thành phần loài bộ ăn thịt (Carnivora) và bộ dơi là đa dạng nhất về taxon bậc họ với 6 họ chiếm 21,43% tổng số họ. Đa dạng về taxon bậc loài cao nhất là bộ dơi (chiroptera) với 64 loài (chiếm 48,48%). Tiếp đến là bộ ăn thịt với 23 loài (chiếm 17,42%); bộ gặm nhấm (Rodentia) với 4 họ (chiếm 14,29%), 21 loài (chiếm 15,91%) và bộ guốc chẵn (Artiodactyla) có 4 họ (chiếm 14,29%), 8 loài (chiếm 6,06%)... các bộ còn lại có số họ và loài thấp, chỉ có 1 họ và 1-2 loài như bộ tê tê, bộ nhiều răng, bộ ăn sâu bọ và bộ thỏ. Tính đa dạng về thành phần loài còn thể hiện ở chỗ là đa số các giống chỉ chứa 1 loài, giống chứa 2 - 3 loài rất ít.

Vườn quốc gia Bạch Mã có gần đủ bộ thú trên cạn của Việt Nam, trừ 2 bộ guốc ngón lẻ (Perissodactyla) và bộ có vòi (Proboscidae). Mười bộ thú ở đây đều có đại điện của hầu hết các họ thú trong cả nước. Riêng bộ linh trưởng (primates) có 9 loài của 3 họ chiếm 56,25% số loài trong cả nước. Bộ dơi (Chiroptera) với 64 loài chiếm tới 72,73% tổng số loài dơi trên toàn quốc. Có thể nói không một nơi nào ở nước ta có số lượng loài dơi nhiều như ở Bạch Mã, trung bình có 6 1oài/1.000ha (cao hơn các vườn quốc gia khác trong cả nước).

Động vật đặc hữu của Vườn quốc gia Bạch Mã là: vượn đen Siki (Nolnascus leucogennys siki), voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus nemaeus), cầy lỏn tranh (Herpestes jauanicus exilis), cheo cheo (Tragulus javanicus offinis), sao la (Pseudoryx nghetinhensis), mang Trường Sơn (Caninmuntiacus truongsonensis), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis). Một số phân loài đặc hữu địa phương như sóc chân vàng Pira (Callosciurus flavimanus pirata), thỏ nâu (Lepus nigricollis vassali),... và một số loài phụ khác.

Vườn quốc gia Bạch Mã nằm ở cực Nam khu địa động vật Bắc Trường Sơn nên nhóm thú đặc hữu cũng mang tính chất của khu hệ thú Bắc Trường Sơn và chiếm tỷ lệ đáng kể (12,12%) với sự hiện diện của khỉ vàng (Macaca mulatta), chuột đàn (Rattus flavipectus molliculus)... Ngoài những nét đặc trưng chung của khu địa động vật Bắc Trường Sơn, khu hệ thú Bạch Mã cũng có những nét riêng thể hiện tính chất chuyển tiếp giữa khu hệ thú miền Bắc và khu hệ thú miền Nam.

Trong số 132 loài thú đã ghi nhận có 33 loài của 10 bộ thú thuộc loài quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, trong đó 8 loài bậc E, 13 loài bậc V, 12 bậc R. Ngoài ra, còn có 3 loài thú mới cho khoa học đã được công bố vào cuối thế kỷ XX cần được bảo vệ.

Thú là lớp động vật khai thác, là mắt xích thức ăn sau cùng trong dòng vật chất của hệ sinh thái, có vai trò điều tiết, kiểm soát số lượng các loài, góp phần điều hòa cân bằng sinh thái của Vườn quốc gia Bạch Mã. Bên cạnh vai trò sinh thái, thú còn có ý nghĩa lớn về mặt thực phẩm, dược liệu, văn hóa, du lịch và thể thao giải trí.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]