Độ ẩm tương đối của không khí, lượng nước bốc hơi, chỉ số khô hạn
  

Độ ẩm tương đối của không khí: Ở Thừa Thiên Huế không khí chứa nhiều hơi nước nên thuộc vào một trong số các vùng có độ ẩm tương đối cao nhất nước. Độ ẩm tương đối trung bình năm của không khí tăng theo độ cao địa hình và có giá trị từ 83 đến 87% tùy theo vùng cụ thể. Độ ẩm tương đối trung bình của không khí cao nhất hàng năm đạt tới 86 - 87% ở núi cao trên 500m (A Lưới - Nam Đông - Bạch Mã), còn trên đồng bằng duyên hải độ ẩm tương đối trung bình năm của không khí chỉ đạt xấp xỉ 83 - 84% . Biến trình năm về độ ẩm tương đối của không khí ngược với biến trình năm của nhiệt độ không khí, nhưng vẫn phân biệt hai mùa rõ rệt. Thời gian đồ ẩm không khí thấp kéo dài 5 tháng (4 - 8) và trùng với thời kỳ hoạt động gió mùa Tây Nam khô nóng. Trong thời kỳ này độ ẩm tương đối không khí hạ thấp đến 73-79% ở đồng bằng và 79 - 87% tại vùng núi, trong đó độ ẩm tương đối thấp nhất (cực tiểu) rơi vào tháng 7. Khi gió Tây Nam khô nóng hoạt động mạnh độ ẩm tương đối không khí có thể xuống dưới 30%. Thời kỳ độ ẩm tương đối không khí tăng cao kéo dài 7 tháng (tháng 9 đến tháng 3 năm sau), đạt cực đại vào tháng 11 với giá trị 89 - 92%. Về biến trình ngày của độ ẩm tương đối không khí được đặc trưng bằng một cực đại vào 4 - 6 giờ sáng và một cực tiểu khoảng 13 - 14 giờ trưa. Xét cho cùng độ ẩm tương đối không khí là yếu tố khí hậu tham gia vào cán cân nước và ít biến động.

Lượng nước bốc hơi: phụ thuộc nhiều vào nhiệt độ, độ ẩm tương đối không khí và gió. Tổng lượng nước bốc hơi năm ở đồng bằng duyên hải tới 900 - 1.000mm, chiếm 30 - 40% tổng lượng mưa năm, trên vùng núi đạt 850 - 900mm, chiếm 24- 25% tổng lượng mưa năm. Biến trình bốc hơi năm ngược với biến trình mưa năm. Thời kỳ mưa nhiều nhất thì lượng nước bốc hơi ít nhất, còn thời kỳ ít mưa nhất thì lượng nước bốc hơi sẽ cao nhất, trong đó có một cực đại vào tháng 7, một cực tiểu vào tháng 12. Vào thời kỳ mưa nhiều (tháng 9 - 12) lượng bốc hơi chỉ đạt 28 - 80 mm/tháng và tổng lượng nước bốc hơi trong 4 tháng này là 153 - 223mm, chiếm 18 - 23% tổng lượng nước bốc hơi năm. Ngược lại, tổng lượng nước bốc hơi vào thời kỳ ít mưa (tháng 1 - 8) chiếm 77 - 82% tổng lượng nước bốc hơi năm, đặc biệt vào các tháng 5 - 8 lượng nước bốc hơi lên tới 87 - 150mm/tháng. Lượng nước bốc hơi trong 24 giờ đạt khoảng 3 - 4mm/ngày vào mùa mưa và 13-14mm/ngày vào thời kỳ khô nóng của mùa ít mưa (tháng 5 - 8). Vào thời gian bốc hơi lớn, mưa ít, nhiệt độ cao thường hay xảy ra hạn hán ở đồng bằng duyên hải cũng như lãnh thổ gò đồi tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chỉ số khô hạn: Một trong hai chỉ số đánh giá tiềm năng ẩm của lãnh thổ là chỉ số khô hạn (tỷ số giữa lượng nước bốc hơi và lượng mưa trong cùng một thời kỳ). Thời gian có chỉ số này lớn hơn 1 được xếp vào thời kỳ khô hạn, còn thời kỳ chỉ số khô hạn bé hơn 1 là thời kỳ ẩm ướt. Ở Thừa Thiên Huế trên đồng bằng thời kỳ khô hạn, mưa ít chiếm 6 tháng (3 - 8) với giá trị chỉ số khô hạn 1,02 - 2,05, tại Nam Đông thời kỳ khô hạn là 1 tháng (tháng 3) với giá trị chỉ số khô hạn 1,79, trên vùng A Lưới hầu như không có thời kỳ khô hạn. Trong thời gian mưa nhiều chỉ số khô hạn dao động trong khoảng 0,07 - 0,21 ở đồng bằng, xấp xỉ 0,04 - 0,16 tại Nam Đông và 0,04 - 0,14 tại vùng núi A Lưới.

Nếu xét về tính chất khô hạn thì Thừa Thiên Huế bị khô hạn hay thiếu ẩm (chỉ số khô hạn >1) từ 0 tháng (A Lưới) đến 6 tháng (đồng bằng duyên hải). Để khắc phục nạn khô hạn trong những tháng mưa ít cần quan tâm triển khai biện pháp thủy lợi, trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn.

 

Theo Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên

(Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005)

 Bản in]