Đàn Nam Giao
  

Địa điểm: Phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đàn Nam Giao được xây dựng vào năm 1806 dưới thời Vua Gia Long, cách kinh thành Huế khoảng 4km về phía Nam, là nơi nhà vua làm Lễ tế trời. Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao là một đại lễ, được tổ chức mỗi năm một lần, kéo dài tới 3 ngày. Từ sau đời Vua Thành Thái đến năm 1945, 3 năm mới tiến hành Lễ tế trời 01 lần. Thời Vua Bảo Đại, Lễ tế trời rút lại chỉ còn một ngày.

Đàn gồm ba tầng, quay mặt về hướng Nam. Tầng thứ nhất hình vuông, màu đỏ, tượng trưng cho người. Tầng thứ hai cũng hình vuông, gọi là Phương đàn, màu vàng, tượng trưng cho đất. Tầng thứ ba hình tròn, gọi là Viên đàn, màu xanh, tượng trưng cho trời. Kiểu kiến trúc này phản ánh quan niệm về vũ trụ trong văn hóa phương Đông: Thuyết Tam tài (Thiên, Địa, Nhân); Thiên thanh, địa hoàng; Trời tròn, đất vuông.

Trong khuôn viên Đàn Nam Giao ngày xưa được trồng rất nhiều thông. Ngoài ba tầng của Đàn Nam Giao, còn một số nhà phụ được xây dựng cố định lợp ngói như: Trai cung (nơi vua lên tạm trú vài ngày để chay tịnh trước khi tế), Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), một số nhà tạm thời bằng gỗ, lợp tranh chỉ dựng lên trong những ngày tế lễ.

Những đàn tế trời của các triều đại trước nay đều không còn nữa. Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế là di tích duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn.

Công trình được công nhận là di tích cấp quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 2890-VH/QĐ  ngày 27/9/1997 của Bộ Văn hóa và Thông tin.

Một số hình ảnh Đàn Nam Giao:

www.thuathienhue.gov.vn
 Bản in]