Ðình Lại Thế - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia
  

Địa điểm: Xã Phú Thượng, huyện Phú Vang (nay là phường Phú Thượng, thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đình được xây dựng từ năm 1741, thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2. Đây là một trong những ngôi Đình cổ ở Thừa Thiên Huế có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.

Ðình Lại Thế gồm toà Ðại Ðình ba gian, hai chái kép, gian giữa rộng 2,95m, hai gian bên rộng 2,90m, hai gian chái mỗi gian rộng 1,7m. Toàn bộ Đình có 54 cột, chia thành 8 hàng ngang và 7 hàng dọc, kiến trúc đình theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc", “kèo chồng” hay “vài chồng”, là đặc trưng kiến trúc thời Nguyễn. Toàn bộ Đình được bố trí bao gồm: Toà đại đình, sân đình, cổng đình, hàng trụ biểu được liên kết với nhau theo một trục dọc. Đường nét hoa văn khắc chạm trang trí trong Đình đều mang giá trị nghệ thuật cao.

Đình sau khi xây dựng đã được tu sửa nhiều lần vào các năm: 1780, 1845, 1891 và 1998.


Đình Lại Thế còn lưu giữ được nhiều di vật quý: 4 bức hoành sơn son thếp vàng bằng chữ Hán, hệ thống câu đối và 6 sắc phong các đời vua ban tặng cho các ngài có công khai canh khai khẩn gây dựng, mở mang làng Lại Thế.

Hàng năm tại Đình Lại Thế thường diễn ra hai lễ chính, đó là: Lễ xuân kỳ và Lễ thu tế để dâng cúng các phúc thần, các thủy tổ khai canh khai khẩn tỏ lòng báo đáp công ơn. Những sinh hoạt này đến nay vẫn được dân làng duy trì, gìn giữ như một nét đẹp truyền thống của con dân làng Lại Thế.

Với những giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, Đình Lại Thế đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia, theo Quyết định số 04/2001 QÐ-BVHTT ngày 19/01/2001 của Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

thuathienhue.gov.vn
 Bản in]