PHỤC VỤ CÁC KỲ HỌP
<< < 1 2 3 4 > >>

Giải trình ý kiến cử tri

Trả lời kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 2, Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa VIII

Cử tri thị xã Hương Thủy: Kiến nghị Tỉnh có giải pháp phát huy các sản phẩm hữu cơ, kết nối nhà nông với doanh nghiệp, nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sạch của nông dân.
07/12/2021

Trả lời:

Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai có hiệu quả việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó có sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Trên địa bàn Tỉnh đã có một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ trên một số cây trồng như lúa, đậu tương, dưa hấu, rau và chăn nuôi gà, lợn… do doanh nghiệp tự triển khai hoặc thông qua liên kết sản xuất (với Công ty TNHH MTV Nông sản Hữu cơ Quế Lâm, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt…) hoặc sự hỗ trợ từ dự án Thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu (VIE/433) tỉnh Thừa Thiên Huế. Đến nay đã hình thành các tổ nhóm sản xuất sản phẩm hữu cơ tại Quảng Điền, Phú Vang và Phú Lộc.

Về các giải pháp phát huy sản phẩm hữu cơ, kết nối nhà nông với doanh nghiệp nhằm khuyến khích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sạch của nông dân, UBND tỉnh cung cấp một số thông tin như sau:

a) Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nhanh chóng hoàn thiện các bước để thành lập Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế (hoàn thành tháng 12/2021) và xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2026 và định hướng đến 2030 (dự kiến hoàn thành vào Quý II/2022). Đây là tiền đề và cơ sở vững chắc trong việc định hướng sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đất, nước mang lại hiệu quả kinh tế và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thừa Thiên Huế bền vững, lâu dài.

b) Tiếp tục phát triển và nhân rộng các cửa hàng thực phẩm an toàn, siêu thị minimart nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ thực phẩm sạch, an toàn cho bà con nông dân, hạn chế tình trạng khó khăn tìm đầu ra cho thực phẩm sạch. Cơ quan quản lý vừa giám sát, kiểm tra vừa thúc đẩy phát triển thị trường thực phẩm an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, có liên kết chặt chẽ giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng.

c) Phát triển và duy trì các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã được xác nhận 2017 đến nay theo Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc” giai đoạn 2013-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã hình thành 12 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 24 sản phẩm nông lâm thủy sản các loại (gồm gạo, thịt và các sản phẩm từ thịt, rau, củ, trái cây…). Sản phẩm đã được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được sử dụng logo nhận diện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thống nhất trên toàn quốc, đây được xem là hình ảnh nhận diện thương hiệu và nâng cao giá trị kinh tế của hàng hóa nông sản an toàn. Đánh giá chung về các mô hình chuỗi hiện nay đang hoạt động khá hiệu quả, doanh nghiệp đặt kỳ vọng về tiềm năng của thị trường nông sản sạch tại địa phương.

d) Tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến như HACCP, VietGAP, hữu cơ… Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ hướng đến nến nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường.  Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản bằng nhật ký điện tử, mã QR-Code phù hợp xu thế chuyển đổi công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay.

(Theo Báo cáo số 473/BC-UBND ngày 06/12/2021 của UBND tỉnh)

<< < 1 2 3 4 > >>